Nuôi vịt biển thương phẩm vùng bãi ngang Thăng Bình: Khó tìm đầu ra

THU SƯƠNG -  MINH TÂN 25/10/2017 10:15

(QNO) - Mô hình chăn nuôi vịt biển được thử nghiệm tại xã Bình Dương (Thăng Bình) từ tháng 8.2017 đến nay. Hiện việc tiêu thụ sản phẩm đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chuyên môn cũng như người chăn nuôi.

Vịt biển thương phẩm phát triển tốt nhưng người chăn nuôi khó tìm đầu ra cho sản phẩm.
Vịt biển thương phẩm phát triển tốt nhưng người chăn nuôi khó tìm đầu ra. Ảnh: SƯƠNG TÂN

Sau thời gian nuôi thử nghiệm, có thể thấy giống vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế ở những vùng bãi ngang ven biển vốn chịu tác động lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu và có thể chọn để nhân rộng. Vịt biển là giống kiêm dụng, vừa có thể nuôi thương phẩm lấy thịt, vừa có thể nuôi theo hướng lấy trứng. Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, 20 hộ dân ở xã Bình Dương đã tham gia mô hình chăn nuôi vịt biển thương phẩm với số lượng 2.000 con. Theo đó, được hỗ trợ 100% con giống 1 ngày tuổi và 50% vật tư bao gồm thức ăn hỗn hợp và vắc xin, hộ tham gia mô hình đối ứng 50% vật tư. Toàn bộ công chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại và các điều kiện đảm bảo theo quy trình kỹ thuật.

Tham gia vào mô hình này, ông Trần Anh Việt (thôn 2) được hỗ trợ 100 con vịt và vật tư trong 10 ngày đầu. Sau 55 ngày nuôi, mỗi con có trọng lượng 3,3 - 3,5kg. Theo ông Việt, trong quá trình nuôi, vịt rất đạt, không xảy ra hao hụt, dễ nuôi và phát triển tốt. Tính với giá bán 120 nghìn đồng/con của gia đình ông hiện nay thì sau khi trừ hết chi phí, ông lãi gần 60 nghìn đồng mỗi con. Nhưng, không phải ai cũng may mắn như ông Việt khi bán được vịt với giá đó. Cũng tham gia vào mô hình với số lượng 370 con, ông Phan Đức Hai (thôn 1) cho hay, vịt nuôi phát triển tốt, không dịch bệnh, mỗi con nặng khoảng 3kg nhưng bán không được. “Nuôi thì đạt rồi đó nhưng không có đầu ra. Người nông dân không biết phải làm sao nên rất mong sự quan tâm của ngành khuyến nông để người chăn nuôi có hướng phát triển” - ông Hai kiến nghị.

Đại diện Trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình giải thích, vịt biển là giống vật nuôi mới nên bước đầu tiếp cận thị trường tiêu thụ khó khăn. Đặc biệt, đây là giống vịt lông màu nên hơi khó cạnh tranh với vịt thịt lông trắng, nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa quen với vịt lông màu. Vì vậy, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, bị tư thương ép giá, mặc dù chất lượng thịt ngon hơn vịt siêu thịt, tốc độ lớn và khả năng tăng trọng trên đơn vị thức ăn tương đương vịt siêu thịt. Hiện, người chăn nuôi chỉ có thể bán ở chợ vài chục con chứ chưa thể bán cho thương lái với số lượng vài trăm con. Ông Nguyễn Xuân Bảy - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình cho hay, mặc dù đã làm tốt mô hình nuôi vịt biển nhưng muốn nhân rộng thì còn bỏ ngỏ bởi gặp khó trong việc tiêu thụ. Ngành khuyến nông cũng chỉ trợ sức một phần, cơ bản là ở ban ngành, đoàn thể địa phương.

Mục tiêu cao nhất hướng đến của mô hình là góp phần phát triển kinh tế cho người dân vùng bãi ngang ven biển. Vì vậy, nuôi thành công giống vịt biển thương phẩm chỉ mới là xuất phát điểm, chặng đường kế tiếp là làm sao tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để lợi nhuận thực sự đến với người chăn nuôi. 

THU SƯƠNG -  MINH TÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi vịt biển thương phẩm vùng bãi ngang Thăng Bình: Khó tìm đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO