Nương náu non ngàn

LÊ QUÂN 15/12/2022 10:41

(VHQN) - Minh triết rừng. Văn hóa rừng. Cả những tâm tư da diết của người miền núi, hình như đều nương náu dưới những tán rừng thiêng chốn non ngàn...

Giữa rừng pơmu... Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Giữa rừng pơmu... Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Pơloong Y Khoa - người đàn ông bao năm nay sống trên đỉnh Zi’liêng, kể với chúng tôi rằng những tán cây tuổi đời trăm năm này lạ lùng lắm. Trên đỉnh Zi’liêng, là rừng di sản pơmu, cũng là rừng thiêng. Và những cánh rừng, theo một cách nào đó, là cội nguồn văn hóa của người Cơ Tu.

Đường vào rừng đã dễ lắm rồi. Không phải vượt qua những thác ghềnh, chúng tôi đi qua những rẻo đất đẫm nước mưa, qua những thảm thực vật ủ mùn cho mặt đất để tận mắt nhìn những thân cây lâu đời. Càng dễ với người khám phá, nhưng thách thức lại đặt ra với những người vốn dĩ xem rừng là ngôi nhà thứ 2 của mình như Pơloong Y Khoa.

Rừng với những người Cơ Tu ở đây là linh hồn, là sự sống. Họ sống với rừng, không đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn có cả văn hóa, tập tục thiêng liêng.

Ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, những người bản địa như Y Khoa gần như lấy sự sống còn, lấy sinh mệnh của mình để giữ cho những cánh rừng ở đó, vĩnh hằng. Đâu đó trong cái không gian trong trẻo tĩnh mịch của núi, tôi nghe tiếng nhựa chảy trong những thân cây vừa được người bản địa cắm xuống.

Tôi nghe những tanh tách của vỏ cây nứt ra. Tôi nghe lá non cọ vào nhau sột soạt rất nhẹ… Đó là sinh sôi, là sự sống. Người Cơ Tu không chỉ giữ rừng. Họ còn trồng rừng. Trồng cây trên đỉnh núi này, là để duy trì, để tiếp nối mạch văn hóa đã ngàn năm trôi trên đất này. 

Trong mạch chuyện về rừng ở dải Trường Sơn, sẽ là khoảng trống lớn nếu không nói đến nhà văn Nguyên Ngọc, với từng câu chữ thấm đẫm lòng yêu quý về vốn văn hóa Tây Nguyên, cũng là với những cánh rừng dọc dải Trường Sơn, trong đó có cộng đồng miền núi Quảng Nam. “Văn hóa là sự cố gắng bứt ra của con người khỏi tự nhiên, bứt ra nhưng vẫn cứ phải dính liền, không chìm nghỉm trong ấy nhưng vẫn còn phải nhúng rễ rất sâu trong ấy, nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi...

Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành”, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia.

Cho các vương quốc, các triều đại, các nhà nước, các chế độ ra đời, phát triển, nối tiếp. Và sống còn…” - nhà văn “già chuyện” của Tây Nguyên viết.  Phải vậy nên vốn liếng văn hóa của người miền núi, phải gắn với rừng thiêng, với màu xanh phủ tràn đồi núi, với từng ngọn nguồn của những câu chuyện kể dân gian vùng cao. 

Hoa đỗ quyên trên đỉnh núi. Ảnh: L.T.K
Hoa đỗ quyên trên đỉnh núi. Ảnh: L.T.K

Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bling Mia nói, rừng với những người Cơ Tu ở đây là linh hồn, là sự sống. Họ sống với rừng, không đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn có cả văn hóa, tập tục thiêng liêng.

Ngay trong bữa dọn đãi khách, giữa cánh rừng pơmu, Pơloong Y Khoa nói, đến cả một con heo rừng, họ cũng không ăn thịt. Là với riêng những người sống và dành cả cuộc đời mình cho những tàng cây rợp bóng ở trên đỉnh Zi’liêng này. Y Khoa nói, đồng bào mình nơi đây, chỉ ăn những gì họ nuôi, họ trồng. Còn của rừng, của tự nhiên, là của đất trời. Họ tôn trọng tự nhiên và sống khiêm nhường cùng tự nhiên. 

Vững chãi, âm thầm nhưng cao cả. Những thân cây trên đỉnh núi, trong những cánh rừng già, hay cả trong những khu rừng đồng bào khôi phục, chỉ làm duy nhất phận sự là bám rễ, vươn lên và tồn tại.

Để giữ lại nước, giữ lại đất bùn, giữ lại phần sự sống thiêng liêng và trao cho dưới xuôi cơ hội được sống, được no ấm, được tồn tại và phát triển. Và có lẽ, tất cả chúng ta, đều cần nương náu và sống theo lý lẽ của rừng, của tự nhiên, theo một cách chân phương nhất...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nương náu non ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO