Nương náu quê nhà

YÊN CHI 28/01/2024 09:15

Rằm tháng Chạp. Mưa rét vẫn còn đổ xuống, phố xá thêm đìu hiu, chưa thấy chộn rộn của những ngày cận tết. Nhiều người nói với nhau, tết năm nay có vẻ buồn. Kinh tế suy giảm không phải là câu chuyện xa xôi nữa, mà đã hiện diện trong rất nhiều ngôi nhà, trên rất nhiều gương mặt người...

Quê nhà trở thành nơi nương náu của những thị dân trẻ mỗi dịp tết đến.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quê nhà trở thành nơi nương náu của những thị dân trẻ mỗi dịp tết đến.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Phố chưa rộn

Chưa thấy hoa, thấy quật tết tràn về phố như nhiều năm trước. Thưa vắng. Những con phố mua sắm ở TP.Tam Kỳ như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Trần Cao Vân, lác đác thấy những bảng hiệu sang quán. Sức mua giảm, nên vắng thiếu hẳn nhịp sống rộn ràng của những ngày cận tết như thường thấy.

Gia đình anh Nguyễn Văn Luật (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) có vườn hoa nhỏ, trồng cúc mâm xôi, thược dược, đồng tiền. Hoa đã hé nụ, nhưng anh vẫn chưa vội đưa xuống phố tìm người mua như mọi năm.

“Số lượng thì vẫn vậy, nhưng ngó chừng sẽ khó bán hơn mọi năm. Không trông mong giá cả, lợi nhuận tăng, chúng tôi chỉ hy vọng từ rằm tháng Chạp trở đi, có thể tiêu thụ hết số hoa trong nhà vườn. Công sức chăm bẵm cả mấy tháng trời, chỉ chờ vào khoảng mươi, mười lăm ngày sắp đến” -  anh Luật chia sẻ.

Trong cơn bão giãn việc, mất việc, người lao động bắt đầu xoay trở để kiếm thêm thu nhập vào dịp tết. Anh Bùi Công Thuận (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) từ gần một tháng nay kiêm thêm nghề “shipper” (người giao hàng), khi công việc ở xưởng nội thất giảm hẳn.

“Mấy năm trước, cuối năm là mùa làm ăn của thợ nội thất. Công việc liên tục, phải tăng ca, làm xuyên đêm mới kịp tiến độ cho khách. Nhưng năm nay có khi cả tháng chỉ vài ba đơn hàng. Cũng phải chấp nhận thôi, tình hình chung” - anh Thuận tâm sự. Đối mặt và tìm cách thích nghi, là giải pháp tương đối dễ chịu để chấp nhận những khó khăn của đời sống.

Không phải nơi nào trên phố cũng khoác màu buồn. Mấy ngày trước, ngang qua quảng trường 24/3 Tam Kỳ, vẫn thấy đám đông những bạn trẻ kiên nhẫn đội mưa, thưởng thức nhạc hội do một nhãn hàng tổ chức. Cũng khá lâu rồi, từ sau đại dịch, những sự kiện giải trí mới lại xuất hiện trên phố, góp phần “chữa lành” cho tổn thương từ suy thoái.

Hay từ những ngõ hẻm, trong từng khu dân cư, người ở phố cũng đã bàn nhau tổ chức trang trí cho con đường về nhà mình. Bằng nhiều cách, những gam màu sáng vẫn hiện diện, để chào đón hy vọng phía trước, gọi bằng cái tên thân thuộc: Tết cổ truyền.

Ngóng ngày về quê

Thành phố trẻ, nên phần lớn thị dân vẫn còn níu với quê bằng cuống rốn sau nhà ông bà nội ngoại, bằng nỗi nhớ của một đời sống dân dã làng quê. Ba ngày Tết, thành phố đi vắng gần một nửa. Người ta tìm về quê, để tìm lấy sự bình yên và thân thuộc cho chính mình.

Mà cũng chẳng xa, những làng mạc vẫn hiện diện ngay bên rìa thành phố, như Đoan Trai, Trường Đồng, như Hòa Thuận hay những khối phố phía Trường Xuân, An Phú. Càng cận tết, nhiều người càng cố gắng thu vén hết công việc để chờ đám tất niên có mặt ở nhà ông bà, chộn rộn cho những mâm đám chạp cuối năm, lễ lạt chờ đón đầu năm mới.

Mỗi bước chân ở làng quê còn giữ một câu chuyện và những cánh đồng sẽ nhắc nhớ về sự giản đơn mà đô thị cố quên. Thị dân trẻ càng muốn tìm kiếm những câu chuyện của gia đình, dòng họ mình, sau một năm dài chạy đua với những áp lực vô hình của đời sống phố.

Làng quê vẫn lấp lánh thứ ánh sáng kỳ diệu của ông cha. Nơi đó, không phải là thứ tiêu khiển điền viên ở ngoại vi đô thị, mà là một nhu cầu rất thực, rất gần của những thị dân. Tết, là về với quê, với ông bà, với cảnh cũ người xưa như một cách để thoát khỏi bộn bề mưu sinh. Tết, còn để sum vầy. Bà con quê kiểng vẫn luôn đón đợi người ở phố, bằng tất cả hồn hậu chân tình.

Với nhiều người, nhất là người trẻ, về quê là có thêm một lựa chọn để tìm kiếm cơ hội. Internet và cuộc sống số tạo cho họ công việc ở bất cứ đâu. Và, ở quê, nhiều bạn trẻ tìm thấy nhiều năng lượng hơn cho sức sáng tạo của chính mình, thay vì không gian chật hẹp của những phòng trọ ngột ngạt, thiếu dưỡng khí ở phố.

Bằng cách nào đó, quê nhà trở thành một chốn nương náu cho không ít thị dân, sau bao biến động của suy thoái. Về quê để tìm thấy bình an. Về để giữ lấy sợi dây máu mủ tình thân níu buộc cùng dòng tộc. Về, để được “chữa lành”, sau những bộn bề của đời sống phố, để sẵn sàng trở lại, đón đầu một năm mới với nhiều dự định, hy vọng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nương náu quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO