Tôi hay chú ý một cặp vợ chồng với thùng sữa đậu nành đặt kế bên nhà chờ xe buýt trên vỉa hè một tuyến phố. Rất đều đặn, mỗi ngày tầm 5 giờ chiều, lại thấy gia đình họ ríu rít ở đó.
Hai vợ chồng từ Sài Gòn quay về quê sau đợt dịch COVID-19. Và họ trụ bám ở quê từ đó đến giờ. Cũng chừng 2 năm, thùng sữa đậu nành “nhà nấu” trở thành “con heo đất” để kiếm thêm đồng nuôi con.
Tranh thủ đoạn vỉa hè trước khuôn viên Bảo tàng tỉnh, anh chị bày thêm mấy cái bàn nhựa, ghế con. Cứ vậy, những chai sữa giúp họ xoay xở thêm bên cạnh công việc chính thức ban ngày.
Cũng đoạn vỉa hè đó, mỗi sáng sớm, một cặp vợ chồng trẻ dọn ra gánh xôi, cũng là để tranh thủ kiếm thêm mấy đồng. Hai vợ chồng làm phục vụ cho một khách sạn. Không phải người ở phố, thì phải ráng chắt bóp để mua đất, rồi dựng nhà, nuôi con. Gánh xôi chỉ bán tới tầm 8 giờ sáng để còn phải dọn dẹp rồi vào ca làm.
Nhiều, rất nhiều trường hợp nương tựa vỉa hè để... kiếm thêm vài đồng. Nhất là sau đại dịch, “kiếm cơm” ngày một khó, những vỉa hè khắp phố phường hình như cũng đông hơn những quán cóc, quán di động.
Khu phố tôi ở vốn dĩ là một khu đô thị mới mở của Tam Kỳ. Không gian cảnh quan được quy hoạch khá thoáng, thậm chí đẹp khi hướng nhìn ra phía sông hoàn toàn để trống.
Bắt đầu chỉ 1, 2 quán, bây giờ, chốn này như trở thành “tuyến phố đêm” khi những xe giải khát di động ken dày. Cũng may, họ mới chỉ kinh doanh trà sữa và thức ăn vặt, chưa thấy bán bia rượu.
Đã có nhiều người dân phàn nàn về tuyến vỉa hè ban đêm bị lấn chiếm. Nhưng số đông những cư dân khác, lại cho rằng chính những hoạt động buôn bán đó làm cho khu phố mình sinh động hơn.
Chỉ hy vọng những người đang nương theo vỉa hè khu này ý thức về chuyện dọn dẹp rác thải, thì sự góp mặt của họ có lẽ sẽ mang tinh thần làm đẹp hơn cho đô thị về đêm.
Và nếu như ý thức chưa đủ, thì phải có sự can thiệp của lực lượng quản lý đô thị, với mục tiêu vừa giữ phố sạch hơn vừa tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập.
Tôi đã từng khó chịu trước cách làm rất khiên cưỡng của chính quyền đô thị nhiều nơi, khi một mực phải dọn sạch hàng quán vỉa hè, tạo lề thông đường thoáng.
Annette M.Kim - giáo sư ngành chính sách công và làm Giám đốc sáng lập SLAB (Phòng phân tích không gian đô thị) của University of Southern California - tác giả cuốn sách “Đời sống vỉa hè Sài Gòn”, cho rằng, vỉa hè có một đời sống riêng mà không thể kiểm soát theo mệnh lệnh từ trên xuống.
“Một phần đó là bởi bản chất của vỉa hè: rất hẹp nhưng cũng rất rộng mở. Đây là điều mà các nhà kinh tế học gọi là hàng hóa không có tính loại trừ - có nghĩa là sẽ rất tốn kém và phi thực tiễn để loại trừ những cá nhân không trả tiền cho hàng hóa đó.
Thay vào đó, nó chỉ có thể được điều phối bằng các hoạt động thường nhật, dựa trên các quy chuẩn xã hội, từ dưới lên. Văn hóa, mối quan hệ hàng xóm láng giềng, sự thỏa hiệp, đều đóng góp vào “lực lượng” điều khiển không gian công cộng đặc biệt này” - GS. Annette M.Kim viết.
Đời sống vỉa hè hình thành cùng lúc với lịch sử đô thị Việt Nam. Và thực tế, “trải qua hàng thập kỷ với một loạt các chính sách giải tỏa vỉa hè khác nhau từ thời thuộc địa, đời sống vỉa hè vẫn vô cùng bền bỉ và bén rễ sâu vào văn hóa người Việt”.