Hạ tầng giao thông đường bộ đối ngoại miền núi chưa chuyển biến rõ rệt về chất lượng, làm nghẽn “mạch máu” lưu thông khiến việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khó đạt như kỳ vọng.
Lượng nhiều, chất ít
Hầu hết các địa phương miền núi đều có nhận định rằng giao thông đối nội đã liên hoàn, thông suốt, minh chứng là đường ô tô đến tận trung tâm xã, thậm chí thôn, bản, kết nối ra quốc lộ (QL). Đây là thành quả mà hệ thống đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX) được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực, nổi bật với đề án phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa mặt đường ĐH được tỉnh nhà triển khai, nhân dân đồng tình ủng hộ từ nhiều năm qua. Nhưng chiều ngược lại, giao thông đường bộ đối ngoại vẫn chưa được đầu tư đảm bảo nên còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Ai từng có dịp lưu thông trên các tuyến đường nối từ đồng bằng về Bắc Trà My, Nam Trà My (QL40B), Hiệp Đức, Phước Sơn (QL14E), QL14B, QL14D (Nam Giang), QL14G (Đông Giang đến Tây Giang) chắc hẳn phải luôn trong tình trạng căng thẳng. “Đường sá nhỏ như đường làng, bề mặt mấp mô gây xóc, đầy khúc cong cua, đèo dốc quanh co rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông” - một tài xế taxi tên Mai ca thán.
Chẳng hạn QL40B, cử tri lên tiếng, địa phương kiến nghị mãi Bộ GTVT chỉ đang đầu tư mở rộng từ gần đầu tuyến (Tam Kỳ) lên nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam (lý trình km13+765,62, Phú Ninh). Quá sốt ruột với mặt đường hư hỏng nghiêm trọng, cảnh ùn tắc và mất ATGT kéo dài, Quảng Nam cho mở tiếp “nút thắt” lên tới km32+300 (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước). Nếu hoàn thành 2 dự án nêu trên, QL40B còn đó hàng trăm cây số chưa được cải tạo (tổng chiều dài qua Quảng Nam là 147,4km), bức xúc nhất là đoạn từ Tiên Phước, qua Bắc Trà My và đến trung tâm Nam Trà My.
Còn QL14E bắt đầu địa phận Thăng Bình là trục xương sống qua Hiệp Đức lên Phước Sơn và tiếp giáp vào đường Hồ Chí Minh. “Sinh” trước QL40B hay QL14G, song nhìn suốt thời gian dài, cung đường huyết mạch này mãi “chưa lớn”. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức - ông Nguyễn Như Công từng chia sẻ, tuyến đường đối ngoại tầm quốc gia nhưng hai ô tô tải không thể đi qua cùng thời điểm rõ ràng khó mà thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bao giờ bứt phá?
QL14G kéo dài từ Đà Nẵng lên trung tâm miền núi Đông Giang. Nhân dân huyện Tây Giang muốn tiếp cận TP.Đà Nẵng hoặc trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ, phải lưu thông trên cung đường đối ngoại huyết mạch này. Vậy nhưng, nhiều năm qua diện mạo QL14G chưa có sự thay đổi căn bản về chất, chủ yếu “vá” những chỗ hư hỏng mặt đường. Vừa qua, Bộ GTVT mới cho làm 4 cây cầu trên tuyến qua Đông Giang để thay thế ngầm tràn mất ATGT, nhưng mặt cắt cầu chỉ rộng 7,5m.
Lãnh đạo huyện Đông Giang cho rằng, khi Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đưa vào vận hành, khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng qua QL14G liệu rồi có “một đi không trở lại”?
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Lê Hoàng Linh cho biết, địa phương kỳ vọng nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tạo bước đột phá về giao thông đối ngoại giữa Tây Giang - Đông Giang, Tây Giang - Nam Giang, Tây Giang - Lào, Tây Giang - A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) để mở “nút thắt” cho huyện nghèo bứt lên. Tất nhiên, nguồn lực đầu tư còn chờ vào quyết định của cấp trên, song trước mắt cần nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT606, đường Hồ Chí Minh, QL14G để tạo một trục đối ngoại thông suốt.
Theo Sở GTVT, hầu hết các trục giao thông đường bộ chính đã được đầu tư một phần, tuy nhiên tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm, nhất là các công trình trục ngang do Trung ương triển khai. Một số công trình bức xúc chưa được cho nghiên cứu đầu tư như QL14G.
“Các công trình đã được Bộ GTVT nghiên cứu lập chủ trương, nhưng vì còn phụ thuộc vào việc cân đối ngân sách giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 nên chưa bảo đảm tính khả thi. Hiện tại, hệ thống trục ngang hầu hết có quy mô nhỏ, hẹp chưa đạt quy mô theo quy hoạch (gồm QL14G, 14D, 14E và 40B), kết cấu còn yếu, công trình cầu chưa đồng bộ, bức xúc nhất là QL14G, QL14E và QL40B” - ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết.
Thực tế cho thấy, mùa mưa lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn trên các QL14G, QL14D, nhất là QL40B và QL14E còn nan giải với hàng trăm điểm sạt lở gây tắc đường, cắt đường. Ngay cả trục dọc qua nhiều huyện miền núi là đường Hồ Chí Minh, hàng loạt vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mặt cắt đang trở nên quá tải trước tốc độ gia tăng của lưu lượng phương tiện.
QL14D kết nối từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Nam Giang chưa được mở rộng, sẽ là “nút thắt” trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2. Rõ ràng, bên cạnh trục dọc đường Hồ Chí Minh, một khi các trục ngang chiến lược chưa được đầu tư cải tạo căn cơ sẽ tiếp tục là “điểm nghẽn” cho sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện của các huyện miền núi.