Nút thắt giao thông miền núi

CÔNG TÚ 30/06/2019 14:55

Mặc dù đã liên thông với đồng bằng, nhưng các trục giao thông huyết mạch hướng về non cao đều vướng phải những bất cập chưa thể tháo gỡ.

Sạt lở đất gây chia cắt lưu thông dài ngày trên các tuyến QL lên miền núi.Ảnh: C.T
Sạt lở đất gây chia cắt lưu thông dài ngày trên các tuyến QL lên miền núi.Ảnh: C.T

Quy mô chưa tương xứng

Ngoài đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông đi qua Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ (QL) qua địa bàn miền núi, bao gồm 14G, 14B, 14D, 14E, 14H, 40B và 24C. Trong đó, Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý 5 tuyến trục ngang là 40B, 14E, 14D, 14H, 14B và trục dọc 24C (Quảng Nam - Quảng Ngãi). Các trục tuyến huyết mạch vừa nêu góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, thông suốt giữa miền ngược và miền xuôi, là điều kiện cần để thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên theo thời gian, quy mô cung đường không còn phù hợp với thực tiễn phương tiện lưu thông gia tăng cao, nhịp sống ngày càng hối hả. Chính vì vậy, đường lên núi bây giờ trở nên chật chội, việc đi lại học tập, làm việc, giao thương hàng hóa thông thường còn khó, chứ chưa bàn đến việc đại sự là dựa vào lợi thế mà thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy “thay da đổi thịt” nhanh. Trải lòng với chúng tôi, lãnh đạo các huyện như Tiên Phước, Hiệp Đức, Đông Giang từng so sánh, đường QL độc đạo qua địa phương mình hẹp…như đường làng. Có nhiều chỗ, lòng đường làng còn rộng hơn QL nhiều.

Không hề quá lời, người có trách nhiệm so sánh như vậy còn muốn khuyến cáo về “mạch máu” lưu thông giữa vùng cao xuống đồng bằng, ven biển đang dần bị nghẽn. Giờ cao điểm, trên tuyến QL40B (Quảng Nam - Kon Tum), mô tô, xe máy, ô tô con đi lại qua địa bàn Tam Kỳ, Phú Ninh hay Tiên Phước đông nườm nượp. Lúc bình thường, lưu lượng phương tiện loại này, rồi xe thô sơ “chen chúc” cũng không phải là ít, do đó rất khó cho tài xế ô tô tải chở nguyên vật liệu, hàng hóa xoay trở. Trên QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn) qua Hiệp Đức, chúng tôi tận mắt chứng kiến xe máy phải đi sát lề, vì phía đối diện là một ô tô tải nặng ì ạch chạy. Còn với 2 ô tô tải lưu thông ngược chiều, một trong hai tài xế phải nhường đường nếu không muốn bị rớt xuống mương dọc, riêng xe máy chỉ có cách tấp hẳn lên lề mới mong bảo toàn tính mạng. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức - ông Nguyễn Như Công có lần chia sẻ, muốn giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội cần phải dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình về kinh tế nông - lâm nghiệp. Mà ở đây, thu hút doanh nghiệp về đầu tư chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết việc làm cho người dân cũng là một giải pháp. Muốn vậy, trục xương sống QL14E - “trung gian” kết nối đường 129, QL1 thuộc địa phận Thăng Bình với đường Hồ Chí Minh, là trọng điểm lưu thông của 6 huyện phải hanh thông. Tuy nhiên, phần lớn mặt cắt đường nhỏ hẹp đều, nền hư hỏng vì cấp đường thấp và chưa từng được nâng cấp, mở rộng.

Nhiều nguy cơ khác

Sắp tới đây, QL40B sẽ được nâng cấp, mở rộng đoạn từ km1+700 đến km32+300. Trong đó, Bộ GTVT chỉ thực hiện đoạn từ km1+700-km13+765 (nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Lo lắng trước cảnh tượng mất an toàn giao thông đã, đang diễn ra vô cùng bức xúc và nhiều hệ lụy khác kéo theo, Quảng Nam quyết định tự đầu tư cung cấp, mở rộng đoạn lý trình km14+200 (Phú Ninh) - km32+300 (Tiên Kỳ, Tiên Phước). Như vậy, tuyến đường độc đạo này sẽ chưa được khơi thông đoạn từ trung tâm huyện Tiên Phước lên Bắc Trà My, Nam Trà My. Trên hành trình tiến về phía tây nam của tỉnh, những khúc cong cua mà lãnh đạo huyện Nam Trà My từng “điểm mặt chỉ tên” sẽ còn nguyên độ nguy hiểm vốn có. Quảng Nam đã đi trước một bước khi cho triển khai các dự án đường nối từ ven biển Bình Minh, băng cắt đường 129, QL1 và nhập vào QL14E đến gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (địa phận Thăng Bình). Tuy nhiên, QL14E, đoạn kết nối từ phía thượng lưu nút giao cao tốc hướng lên đường Hồ Chí Minh (địa phận Phước Sơn) chủ yếu được Bộ GTVT cho sửa chữa lớn một số vị trí. Cho nên, tính kết nối về quy mô toàn tuyến sẽ không đồng bộ, một “nút thắt cổ chai” hiện hữu đường qua Hiệp Đức, Phước Sơn chưa biết ngày nào được mở.

Nối từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) qua Đại Lộc, Nam Giang giáp với đường Hồ Chí Minh, trục ngang QL14B cũng đang xuống cấp nặng phần mặt, nền đường. Không chỉ mất an toàn giao thông, QL14G kết nối từ QL14B, địa phận Túy Loan (Đà Nẵng) lên giáp đường Hồ Chí Minh (thị trấn Prao, Đông Giang) còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, các cầu km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn, Dốc Rùa 2 hiện mới là cầu tràn, vào mùa mưa lũ nước thường xuyên ngập gây chia cắt lưu thông. QL40B cùng chung thực trạng, khi 2 ngầm Sông Trường (km62+00) và Nước Oa (km63+100) chưa được bộ chủ quản cho thay thế bằng cầu. Cầu Giằng (lý trình km0+250) và cầu Bà Giàng (km6+845) vẫn là cầu yếu trên QL14D. Gian nan chưa dừng lại, đường về vùng cao vào mùa mưa còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đất đá, cây cối phía taluy sạt lở nghiêm trọng làm vùi lấp lòng đường, cắt đường. Cảnh tượng đường sá, cầu cống bị chia cắt nhiều ngày diễn tiến với tần suất dày, ở nhiều vị trí làm đảo lộn nhịp lưu thông. Bên cạnh công tác cứu hộ cứu nạn gặp trở ngại, việc ổn định đời sống và đảm bảo sự an toàn đi lại của nhân dân trong bối cảnh như thế này quả thật khó tìm ra lời giải thỏa đáng. Và công tác giảm nghèo ở miền núi cũng còn phụ thuộc rất lớn vào những cung đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nút thắt giao thông miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO