Cùng với Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; tháng 7.2016, HĐND tỉnh (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020. Chính sách này mở ra cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm cho người lao động, khi được hỗ trợ không nhỏ về học phí, sinh hoạt phí (tiền ăn, đi lại, mua sắm vật dụng cá nhân, thuê nhà) và được đảm bảo việc làm sau khi học xong. Để thực hiện chính sách này, tỉnh phải bỏ ra số tiền 154 tỷ đồng cho cả chu kỳ thực hiện chính sách với mục đích không chỉ để đào tạo nghề, giải quyết việc làm mà xa hơn là nâng cao chất lượng nguồn lao động, thu nhập và giảm nghèo.
Quyết tâm, giải pháp và công cụ thực hiện đã có. Khâu còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả, mục tiêu.
Thế nhưng, trong một cuộc khảo sát hộ nghèo mới đây của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh tại trung tâm huyện lỵ một địa phương trung du, rất nhiều hộ được công nhận hộ nghèo năm 2016 mà bản thân chủ hộ hoặc có con trong độ tuổi lao động lại không hề hay biết gì về chính sách hỗ trợ học nghề nói trên. Nhiều chủ hộ còn tỏ ra lo lắng, nghĩ đi học nghề sẽ tốn tiền và học ra không biết làm ở đâu. Nên họ mặc kệ cho tương lai con cái, miễn sao chúng có tiền mang về mỗi ngày từ việc làm thuê, phụ hồ, đốt than... là được. Tại đây, cán bộ đoàn khảo sát đã phải thông tin lại các nội dung hỗ trợ của chính sách dạy nghề và hướng dẫn họ địa điểm đến tìm hiểu, đăng ký học nghề.
Từ câu chuyện nêu trên có thể đặt ra câu hỏi, ngay cả hộ nghèo và người lao động trong độ tuổi - đối tượng thụ hưởng chính - đang sinh sống ở trung tâm huyện mà còn “mù tịt” về chính sách, thì ở các vùng miền núi khó khăn hiểm trở sẽ ra sao? Xem ra đường đi của chính sách đến thực tiễn đời sống vẫn còn rất dài, còn chưa xong ở khâu tuyên truyền. Điều đó cho thấy độ trễ ngoài của chính sách là rất lớn, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn ngót nghét 3 năm. Điều này cũng đồng nghĩa, cho dù lãnh đạo tỉnh có quyết tâm đến đâu, chính sách được xây dựng có tốt đến mấy nhưng nếu không tháo gỡ được “nút thắt” ở khâu tuyên truyền trong tổ chức thực hiện cũng như sự chuyển động từ guồng máy cơ sở thì khó mà đạt được mục tiêu chính sách.
HỮU HẢI