Thời gian gần đây, cây ka cun (hay còn gọi là khúc khắc) ở huyện miền núi Đông Giang được xem như một loại dược liệu quý khiến nhiều người đổ xô vào rừng khai thác.
Hơn một tháng qua, anh A Ting Châu ở thôn Trao (thị trấn Prao, huyện Đông Giang) cùng nhiều thanh niên trong thôn rủ nhau vào rừng tìm cây ka cun. Anh Châu cho biết, mấy năm trước, ka cun mọc khắp nơi như ở ven đường, ngoài nương rẫy…, nhưng từ khi có thông tin loại cây này chữa được bệnh, ai cũng đổ xô vào rừng khai thác. Ngày trước, chỉ cần đi 2 - 3 giờ đồng hồ là có thể đào được 10 - 15kg ka cun. Mỗi ký lúc đó bán được 20 - 30 nghìn đồng. Nhưng nay người đi đào ka cun càng nhiều thì loại cây này càng khan hiếm, phải vào tận rừng sâu đào, đi cả ngày trời mới đào được khoảng 4 - 5kg, hiện nay giá bán được khoảng 40 - 75 nghìn đồng/kg tươi.
Đào củ ka cun ở trong rừng. Ảnh: NGỌC VY |
Với giá bán như hiện nay, mỗi ngày một người đào ka cun có thể thu được vài trăm nghìn đồng, ai trúng chỗ có nhiều loại cây này có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Thấy có lợi, nhiều người đổ xô đi khai thác ka cun. Có người đào xới cả cây con khiến loại cây dược liệu này có nguy cơ bị tận diệt. Chị Nguyễn Thị Cúc (một người chuyên thu mua ka cun tươi về bán lại) cho hay, trước đây chị chỉ thu mua củ ka cun quanh thị trấn Prao, nhưng nay phải vào tận xã Za Hung và các thôn xã A Ting mới thu mua được. Còn chị Ngọc Oanh (thôn Tà Vạt, thị trấn Prao), một người chuyên mua ka cun thì cho biết mình vào thôn mua ka cun về ngâm rượu để bán. nhiều người ở các huyện đồng bằng biết tác dụng của củ ka cun nên đặt hàng chị mua ngày một nhiều. Hiện nay, mỗi ngày chị bán được khoảng từ 10 đến vài chục thẩu rượu ka cun. Không riêng chị Oanh, nhiều người trên địa bàn huyện Đông Giang hiện nay cũng mua ka cun về ngâm rượu bán để nâng cao thu nhập. Với giá bán từ 250 - 350 nghìn đồng/thẩu rượu 5kg, mỗi ngày nếu bán được khoảng 5 thẩu rượu có thể thu nhập được vài trăm nghìn đồng.
Củ ka cun được bày bán ở ven đường tại thị trấn Prao (Đông Giang). |
Củ ka cun sau khi mua về được chà rửa sạch vỏ, thái nhỏ, phơi khô, hạ thổ rồi đem ngâm với rượu gạo 10 - 15 ngày là có thể dùng. Theo dân gian, cây ka cun có tác dụng chữa được nhiều bệnh như thấp khớp, huyết áp cao, mát gan, đẹp da, chữa ho cho trẻ em… Còn theo già làng Y Kông (thôn Tống Cói, xã Ba, Đông Giang) thì củ ka cun có tác dụng giảm đau lưng, bổ máu, phụ nữ mang thai và cho con bú uống rất tốt. Mấy chục năm qua, hàng ngày già đều uống nước từ củ ka cun, nay đã gần 90 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. “Không riêng gì tôi, nhiều cụ ông, cụ bà trong xã Ba lâu nay cũng uống nước củ ka cun và họ cho biết loại cây này rất có lợi cho sức khỏe. Nhưng hiện nay củ ka cun này còn ít lắm, hiếm lắm” - già Y Kông nói.
Để bảo vệ loại dược liệu quý hiếm này, chính quyền huyện Đông Giang đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với Viện Dược liệu Bộ Y tế tiến hành phân tích dược chất có trong loại cây này. Sau khi có kết quả sẽ lên phương án quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây ka cun. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, trước mắt địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không khai thác ồ ạt cây ka cun, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loại cây quý hiếm, gây ảnh hưởng môi trường. Huyện vận động người dân bảo vệ ka cun bằng cách khai thác cây lớn, cây già, còn những cây non thì khoanh vùng lại để nó phát triển, nhân giống cây này trên địa bàn. “Huyện sẽ hỗ trợ cho người dân, lập tổ hợp tác tổ chức thu mua, chế biến đúng theo quy trình dược liệu để cung cấp ra thị trường thì giá bán cao hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Tuân nói.
NGỌC VY