Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình đã chủ động chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây cà gai leo nhằm đối phó với tình trạng khô hạn. Thời gian đầu, giống cây này cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, khi diện tích trồng cà gai leo mỗi ngày một tăng thì đầu ra đang rớt giá sâu.
Bắt đầu từ năm 2013, khi tin đồn về cây cà gai leo có thể chữa được bệnh ung thư lan rộng trên địa bàn tỉnh, một vài hộ dân tại xã Bình Định Nam đã lên rừng lấy giống về trồng. Bà Nguyễn Thị Hường (63 tuổi, trú tại thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam) kể: “Ở các ruộng lúa chỉ trông chờ vào nguồn nước trời chứ không có nước thủy lợi, bà con lấy cây cà gai leo về trồng thấy hiệu quả hơn hẳn cây lúa. Cây này chịu hạn tốt, sinh trưởng phát triển phù hợp với thời tiết của địa phương. Mặt khác, ngày nào thương lái cũng đến đây dò hỏi mua cà gai leo mà không kịp hàng để bán”. Theo đó, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cà gai leo vì hiệu quả kinh tế khá cao, công chăm bón lại ít hơn. Có thời điểm giá cà gai leo lên đến 67 nghìn đồng/kg.
Tháng 6.2015, anh Trịnh Thanh Tùng (trú tại thôn Điện An, xã Bình Định Nam) đã chuyển 1.500m2 đất lúa của mình sang trồng cây cà gai leo. Sau 3 vụ đều đạt lãi cao, trung bình 30 triệu đồng/vụ, anh Tùng tiếp tục nhân rộng diện tích thêm 5.500m2 trồng cà gai leo. Đến hiện tại, tổng diện tích trồng cà gai leo của anh là 7.000m2 và đang trong thời điểm thu hoạch nhưng thương lái không thu mua hoặc mua với giá quá rẻ. “Vụ trước tôi còn bán được 67 nghìn đồng/kg, nhưng giờ giá rớt hơn 50%. Có thương lái trả 32 nghìn đồng/kg, tôi liên lạc lại thì họ giảm xuống còn 28 nghìn đồng/kg nhưng chờ mãi chẳng thấy ghé mua” - anh Tùng nói.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, toàn huyện có hơn 50ha diện tích trồng cà gai leo, tập trung chủ yếu ở các xã phía tây. Riêng xã Bình Định Nam, hiện có hơn 30ha diện tích trồng giống cây này. Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, do hệ thống hồ chứa, đập dâng, kênh mương thủy lợi không đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa nên hiện tại địa phương có hơn 50ha diện tích đất không chủ động được nguồn nước tưới. Từ đó, người dân đã chuyển sang trồng nhiều loại cây ngắn ngày, có khả năng chịu hạn tốt, trong đó nhiều nhất là cây cà gai leo. Mặc dù việc chuyển từ đất lúa hạn sang trồng cà gai leo của người dân là tự phát nhưng thời gian đầu, giống cây này đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. “Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển sang trồng cây cà gai leo, khiến diện tích trồng giống cây này tăng khó kiểm soát, giá bán theo đó tụt giảm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân không được mở rộng diện tích cà gai leo trên đất lúa có nguồn nước ổn định” - ông Danh cho biết thêm. Để giải quyết đầu ra, ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói: “Hiện tại, phòng đang cố gắng tìm và liên lạc với đơn vị thu mua cà gai leo để người dân có được giá bán ổn định nhất và tránh tình trạng bị thương lái chèn ép. Nhưng trước mắt, yêu cầu các địa phương không được mở rộng diện tích trồng cà gai leo để tránh lỗ vốn”.
Mặc dù 750m2 đất trồng lúa của ông Trần Văn Ngà (69 tuổi, trú tại thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam) được cung cấp nước ổn định, nhưng vừa rồi, thấy người khác trồng cà gai leo thu được lãi cao, ông cũng bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng giống cây dược liệu này. Đầu tư hơn 4 triệu đồng tiền giống nhưng vừa trồng được mấy hôm thì biết được thông tin cà gai leo rớt giá. Hiện cả gia đình ông lo lắng cho vụ mùa sắp tới vì bất cập cung - cầu này.
PHAN VINH