Ở Cấm Dơi...

Ghi chép của MỘC MIÊN 02/09/2018 01:09

Tôi theo ông Nguyễn Sơn Quang, Bí thư chi bộ thôn Thuận An lên Đài Chiến thắng Quế Sơn. Ông bận lắm, xong việc là ù chạy xem người ta khoan lỗ dựng cờ cho lễ 2.9 ra sao. Với tôi, những người sát sườn cơ sở như ông, là miệt mài một đời dân nắng cháy, chỉ khác là ông làm công hai việc, cầu nối chính quyền và dân, với trăm thứ bà rằn phủ lên. Nên khi hỏi chuyện Cấm Dơi, địa danh khốc liệt một thời, ông nghiêng đầu nói ngay: “Đó là cái cấm ngày xưa đầy dơi, nay là ấp Tân An nằm trong thôn Thuận An, nói thì phải nói hết thôn…”.

Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chuyện chiến thắng Cấm Dơi vào sáng ngày 18.8.1972, sử sách ghi đủ, với kết luận từ phía đối phương, là bộ đội Việt Cộng đánh được Cấm Dơi, thì có nghĩa phòng ngự nào cũng sẽ bị đè bẹp, bởi được phòng thủ cực kỳ kiên cố. Đã quá nhiều lời bàn từ kỹ thuật tiềm nhập và tấn công, phương án nghi binh, quyết định đột phá lẫn tài dụng binh của người chỉ huy trực tiếp lúc đó là tướng Nguyễn Chơn, góp phần làm nên chiến thắng. Địa hình đá núi, những đồi bát úp, ở trên đó nhìn xuống, tất cả phơi lưng… Những câu chữ ghi dấu sự kiện loáng qua. Đứng trên đồi ngó xuống sau lưng, những ngôi nhà ẩn hiện sau tán cây xanh um. “Đó là ấp Tân An, sau những năm 80, bà con mới về ở, chứ hồi trước 1975, nó bị cày trắng”.

Cuộc cách mạng xóa nghèo

Hơn 43 năm rồi, câu chuyện cũ còn đọng lại trong ký ức người già, những cựu binh đã sinh tử chốn này, cả những ai thời đó kịp thấy cờ quân Giải phóng phất cao trên đồi. Còn ông Quang, hỏi chuyện trước năm 2000, ông thở ra, khiến anh Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã gật đầu theo, rằng  “Tôi nói anh nghe, Thuận An lúc đó nợ nần trầm kha, nợ nhất xã, nợ nửa thôn luôn”. “Làm chi mà nhiều dữ?”. “Sáu mươi phần trăm dân ở đây làm nông, còn lại thương mại dịch vụ. Hồi đó, ông đội trưởng đội sản xuất thu tiền thuế của dân mà trốn biệt, không thanh toán cho hợp tác xã;  do cái chợ cũ bị dời đi, dân bán buôn không được, lâm nợ, rồi cực quá mà nợ thuế nông nghiệp. Nợ nối nợ, tiền thì làm không ra để trả, kiếm miếng ăn càng cơ cực. Thôi nói chi cho hết, năm 1996 tôi làm trưởng thôn, cùng mấy ông thuế vụ, đi đòi nợ. Đi miết. Dân trốn, rồi họ chửi. Đi đốn củi ở Đèo Le về, bán được mấy đồng mua rau cá, bị truy thuế, biểu răng họ không chửi? Buồn lắm”. Không thể kéo dài kiếp khổ, trước giải phóng đã chạy bom đạn rồi, không lẽ hòa bình về lại chạy trốn thuế bởi cái cực không buông tha? Chuyện đến phải đến. Năm 2004, nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa chuyển qua 2 vụ, rồi chăn nuôi, ra đời. “Không phải xuôi hết đâu, bà con phản ứng, chúng tôi vừa làm vừa vận động vừa rút kinh nghiệm,  dần dà hiệu quả cũng phải đến”.

Trường tiểu học Đông Phú (thôn Thuận An), vừa được đưa vào sử dụng, với giá trị đầu tư 30 tỷ đồng.Ảnh: MỘC MIÊN
Trường tiểu học Đông Phú (thôn Thuận An), vừa được đưa vào sử dụng, với giá trị đầu tư 30 tỷ đồng.Ảnh: MỘC MIÊN

Xóa đói nghèo là một cuộc cách mạng. Chuyện đó không cần bàn cãi. Không dễ dàng chi dịch chuyển con số nghèo từ cao xuống thấp, dịch thực chất chứ không phải… thành tích để đạt chuẩn này mức nọ. Làm riết rồi cũng dần dà được. “Thì đó,  từ 50% đói nghèo trước đó, nay gần 600 hộ của thôn Thuận An chỉ còn 8%, hầu hết rơi vào các hộ nhận bảo trợ xã hội. Đời sống vật chất tinh thần của bà con chừ khá nhiều lắm. Thôn này có 4 ấp, năm 2010, thôn ra mắt thôn văn hóa, cũng là “khai sinh” thêm ấp Tân An sau lưng Đài Chiến Thắng”, ông Quang nói  nhẹ bẫng,  khi mọi thứ như gánh nặng đã được trút bỏ đầu non. Tôi hiểu thêm rằng, câu chuyện chuyển mình này, có một lợi thế nữa, là Thuận An là thôn trung tâm của thị trấn Đông Phú, nằm ngay trung tâm huyện. Chuyện bán buôn, làm lúa, chăn nuôi đổi đời, xem ra không lạ khi cửa ngõ giao thương từ Hương An lên, Nông Sơn xuống. Nhưng tôi đồ rằng, sau cái danh Cấm Dơi đi vào sử sách về chiến thuật quân sự kinh điển đánh cứ điểm, thì Thuận An được một lần nữa xướng danh lên báo đài, được thiên hạ  biết đến, là nhờ… phở sắn! Tôi nhớ một đồng nghiệp kể một chuyện buồn đã xa, rằng trong làng đó có một ông thường xuyên say rượu. Chiều đó, khi ông ngất ngưởng say thì một thanh niên nói rằng, ông già mà say miết, mất nết hư thân. Ông bèn cả cười,  rằng tau say rượu không bằng ông nội mi chết vì say… sắn! Cười ra nước mắt, bởi một thời như thế, cả sắn cũng không có mà ăn, có ăn nhiều quá thì say, bởi trong sắn có độc tố…

Đất không phụ người

Phở sắn Thuận An bây giờ có danh rồi. Ông Quang gật đầu với tôi rằng, cái củ chống đói một thời, giờ lên ngôi thương hiệu món ngon, như lần nữa chứng minh một điều rằng, anh cứ đi xa đi miết đi, điểm cuối cùng anh gặp chính là làng anh, như Rasul Gamzatov từng nói. Vợ chồng ông Dương Ngọc Xinh đón khách bèn bộ mặt… lấm lem bột sắn.  Máy đánh bột nằm im, xung quanh là mấy chục bao sắn. “Trời không nắng, không dám xay làm, vì làm răng mà phơi…”. Trong số  12 hộ làm phở sắn ở làng này, ông Xinh đang nổi lên, một phần là nhờ cậu con trai Dương Ngọc Ảnh vừa  đạt giải nhì tại hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà  Nẵng 2018, phần thưởng là chuyến tu nghiệp tại Israel. Từng học công nghệ thông tin,  làm cho Pháp, Đức, thu nhập khá cao,  mở công ty làm riêng, nhưng đùng một phát, Ảnh bỏ Sài Gòn về quê khởi nghiệp trong sự ngỡ ngàng và… nổi điên của ông bà già lẫn nghi kỵ của hàng xóm. Với Ảnh, làm phở sắn như ông già và bà con làm, chưa đạt. Món quà quê này phải được nâng thành món ăn công nghiệp, phân phối cả nước và đưa thị trường nước ngoài. Theo anh, phở sắn phải tươi mới ngon, không dùng sắn khô hoặc bột sắn, thì phải xay, ngâm tách chua, hấp chín, kéo thành sợi, phơi khô, đóng gói, giải trừ độc tố. “Trước đây tôi chỉ làm 1 loại, không bao bì nhãn mác chi hết, làm đại, chở ra chợ bán, cứ một cục 5kg rứa, sau chuyển qua 1kg - ông nói - thiệt lòng thấy cũng mất vệ sinh, chừ thì bao bì hẳn hoi, chia làm 4 loại, từ 0,2kg đến 5kg. Chất lượng nó như nhau, nhưng giá thì khác bởi nặng tiền bao bì và ngày công. Tuy nhiên, còn có loại khác, giá dịch chuyển từ 35.000 đến 80.000, bởi có 2 loại sắn, loại 1 và 2, tùy vào độ sáng và bột”. “Nguồn sắn anh lấy từ đâu?”. “Chủ yếu ở Gia Lai, chất lượng tốt lắm, hơn hẳn sắn ở mình”.

Ông Dương Ngọc Xinh và sản phẩm phở sắn.
Ông Dương Ngọc Xinh và sản phẩm phở sắn.

Ông nói rồi bỏ lửng: “Bà Nà Hill muốn tôi cung cấp phở sắn, nhưng…”. “Nhưng sao?”. “Họ đòi 100kg/ngày, làm răng đáp ứng nổi!”. “Đầu tư máy…”. “Thì vốn đó, kẹt lắm, nếu có máy 100kg/ngày/máy, tôi cần 2 cái nữa mới đáp ứng đủ, vì đâu chỉ cung cấp cho họ”. “Một máy cần mấy người ?”. “Hai người thôi. Tôi cần nhà nước đầu tư hỗ trợ máy sấy. Có nhà đầu tư muốn tôi làm, cung cấp suốt 12 tháng cho họ - ông cười vẻ buồn bã - thời tiết mình mưa nắng thất thường, phơi phở thì phải có nắng, không có máy sấy lấy đâu ra mà giao cho họ, nên tôi lắc đầu”.  Bùng lên lần nữa trong tôi, rằng đây, giải quyết lao động, dịch chuyển thị trường, cú hích động lực, là đây, nông dân cần hỗ trợ, đầu ra có, nhưng bó tay. Những làng nghề chết yểu, xơ xác, “phồn hoa giả tạo” khi hội hè đến hẹn lại lên vì không có trợ giúp, thiếu thị trường… “Nhưng tôi sẽ cố, có thằng con trai quyết tâm mà. Phở sắn không chỉ là ròng sắn, mà mình bỏ thêm nghệ, gấc vô trong đó, thị trường chuộng lắm”. Tôi ngó cơ sở sản xuất của ông tre pheo và mấy tấm tôn, như quán cóc, bèn chê: “Anh làm ăn kiểu ni, ai có nhu cầu đều lo đó…”. “Không, sắp tới đây sẽ là công ty Caromi của thằng con…”. Tôi nghe nói, ông sẽ được hỗ trợ máy sấy.

Ông Xinh nói rằng, một ngày làm 3 tiếng thôi, không cần người nhiều, vì máy làm là chính… Công nghệ đã thâu tóm sản xuất thay người rồi, nhưng nó chỉ là con đẻ của những cái đầu quyết chí làm ăn và sáng tạo như cha con ông. Nhìn những vỉ phở nối dài y như chiếc võng, thấy những người như ông, hình như đã bắt đầu sống…nhã, như kẻ rảnh đong đưa võng chơi. Cấm Dơi, mẹ của địa danh là làng Thuận An, với những nông dân quyết giữ đất giữ làng giữ nghề và sống được nhờ làng. Cái câu một thuở ghi trong địa chí Quế Sơn: “Đông Quế  cự châu thiên sinh thuận; Phú Sơn lâm sản địa dưỡng an”, còn đó. Đất đâu có phụ người, miễn là người đừng làm trái, làm khác ý trời nết đất…

Ghi chép của MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở Cấm Dơi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO