Cuối tuần qua, nhiều người yêu phố Hội tiễn biệt cụ ông Ngô Thiểu, người gắn liền với tuổi thơ và ký ức những ai từng ghé qua nơi này. Cụ Thiểu đã quá quen thuộc với hình ảnh gánh xí mà nơi góc phố.
Không chỉ làm phong phú thêm ẩm thực đường phố đô thị cổ, gánh xí mà của cụ Thiểu cũng là địa chỉ nhiều cánh săn ảnh tìm đến chụp các bức ảnh “để đời”. Phố sẽ không thể trở nên sống động, độc đáo nếu thiếu hơi người.
Đời sống thị dân, những quang gánh nơi vỉa hè đã tạo nên tầng vỉa trầm tích cho di sản của phố. Đến Hội An, sẽ trống vắng nếu nhìn quanh không thấy mủng tò he bày bán, là chỗ kia với quán cao lầu, hay một bánh mỳ Phượng vốn đã trở thành chỉ dấu để du khách tìm về. Và hẳn nhiên, gánh xí mà của cụ Thiểu cũng để lại khoảng trống cho những người nhớ phố.
Nhà văn Nguyên Ngọc yêu phố Hội đến độ trong những năm tháng rời xa Hội An đi kháng chiến, ông có thể vẽ lại bản đồ quê xứ từng ngõ ngách qua nỗi nhớ. Ông từng chia sẻ, Hội An có đời sống dân gian rất lạ, nhất là ẩm thực.
Xưa bánh ú bán từng xâu có bà Sở ở đường Lê Lợi. Bún bò bà Chỉ ngồi xổm trên vỉa hè ở nhà máy đèn. Cao lầu có ông Cảnh. Tàu xá có ông Dần… Trong ký ức của nhà văn, hàng quán nơi vỉa hè cứ thế bày biện, bám rễ sâu bền. Và hẳn nhiên, những bà Chỉ, ông Cảnh, ông Dần… đã trở thành một phần di sản của phố.
Một thành phố lâu đời, di sản của phố cũng theo đó dày lên, hết lớp này đến lớp khác kế tục. Còn với những đô thị trẻ, để có được bề dày di sản phố, không chỉ cần thời gian chắt chiu, mà cả những ước vọng giấu trong từng mủng thúng quang quánh nơi vỉa hè, con hẻm.
Ở đó, từng con người, từng thân phận lặng lẽ dệt nên ký ức phố. Tam Kỳ nay không còn với danh xưng “thành phố trẻ”, nhưng dấu ấn đặc trưng vẫn chưa đậm đặc có thể định danh, gọi tên.
Ngoài sưa vàng độ tháng Ba, khi ai đó tìm về, lướt “menu” để tìm hương vị góc phố độc đáo, không phải là điều dễ dàng để đãi khách quý. Và dẫu có tình yêu quê xứ, cũng khó có thể kể vanh vách những bà Chỉ, ông Cảnh, ông Dần như nhà văn Nguyên Ngọc. Kể thôi, mà ai cũng mường tượng rõ ràng như quờ tay là chạm được.
Phố đã xôn xao những mùa sưa. Xây dựng thương hiệu cho phố không dễ ngày một ngày hai. Tôi tìm trên bản đồ ẩm thực với từ khóa “món ngon Tam Kỳ”, hiện ra cơm gà bà Luận, mỳ bà Dậu Trường Xuân, nem nướng Tam Kỳ... Định danh và quảng bá thương hiệu không chỉ ở góc độ cơ học, mà sâu hơn là tình yêu dành cho phố, để thương hiệu gắn với ký ức mới là điều đáng lưu tâm.