Ở lại giữa lao xao

MINH ĐIỀN 04/02/2019 05:11

Khoảng cuối 2015, UNESCO Việt Nam tài trợ cho Ban Quản lý Di sản thế giới Mỹ Sơn một dự án truyền thông về văn hóa - nghệ thuật Chăm. Trong đó bao gồm một bộ phim tư liệu về di tích Mỹ Sơn, như bản thuyết minh giúp cho du khách đến Mỹ Sơn dễ dàng hình dung được các đặc điểm lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Chăm, một cách căn bản và hệ thống.

vũ điệu dâng lễ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
vũ điệu dâng lễ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Anh Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm mà tiếng tăm đã quá quen thuộc với giới nghiên cứu Chăm quốc tế, được mời làm cố vấn khoa học và biên kịch cho bộ phim đó. Anh gọi tôi, đề nghị tôi làm đạo diễn.

Ngoài các nghiên cứu lâu dài về văn hóa nghệ thuật Chăm, Trần Kỳ Phương từng trực tiếp tham gia các dự án trùng tu Mỹ Sơn những năm 90 thế kỷ trước cùng kiến trúc sư Kazik – người đặt nền móng cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - nghệ thuật của di sản này. Vì vậy, anh có cả kho tri thức và kinh nghiệm thực tế về một Mỹ Sơn phế tích đã thức dậy thành di sản thế giới.

Hơn nửa năm làm phim, cảm tưởng như có thể nói triền miên không dứt về bao nhiêu điều thú vị. Nhưng trong một bài viết nhỏ, chỉ xin kể chút kỷ niệm về những “người Mỹ Sơn” và sự quyến rũ đến ám ảnh của “kho báu Mỹ Sơn”.

“Người Mỹ Sơn”, là cách tôi gọi các anh em chuyên gia khảo cổ, nghiên cứu ở Mỹ Sơn. Nét chung nhất tôi nhận thấy ở những con người gắn bó ngày đêm với di sản này, là sự trầm lặng. Những cuộc họp từ khi xây dựng dự án, đến những trao đổi “chuyên môn” suốt quá trình quay phim, tôi đã gặp gỡ những người gần như rất kiệm lời. Mặc dù cũng nói năng, cười đùa đôi khi, nhưng trong ấn tượng của mình, tôi vẫn nhớ họ hầu như không nói điều gì ra ngoài sự cần thiết cho công việc đang làm. Cách một thời gian, khi những chi tiết vụn vặt rơi rụng dần, cái cảm tưởng giao tiếp bằng “thần giao cách cảm” với những người Mỹ Sơn càng rõ nét.

Cái cơ duyên đó đối với tôi, là một dịp trải nghiệm hiếm có, để rồi Mỹ Sơn, và nền văn minh Chăm cổ xưa nói chung, trở thành một sự hiểu biết tuy không lấy gì sâu sắc, nhưng đủ để yêu dai dẳng (và nhiều khi nhớ cồn cào) như một phần hấp dẫn nhất trong đời mình.

Hai người thường xuyên làm việc với chúng tôi là chuyên gia khảo cổ Lê Văn Minh  và Nguyễn Văn Thọ - một nhà nghiên cứu trẻ. Chỉ có một lần Lê Văn Minh nói như suối chảy, là khi chúng tôi phỏng vấn anh về các biện pháp bảo tồn tháp cổ. Anh nói lưu loát, không vấp váp, và ngay khi máy quay đóng lại, anh trở lại kiểu người ấp úng, nhát gừng như cũ.

Nguyễn Văn Thọ cũng là người ít nói nữa. Thực ra Thọ nói năng rất từ tốn và chuẩn mực, tôi vẫn gặp ở anh cái kiểu nói như bất đắc dĩ. Giá như có thể lựa chọn, tôi tin là Thọ sẽ im lặng hơn là mở miệng với tôi. Dường như cái trầm mặc hàng ngàn năm của Mỹ Sơn đã lặm vào những người gắn bó lâu dài với nơi này. Như Minh, như Thọ.

Tôi thường nghe anh Trần Kỳ Phương kể vài dật thoại lưu truyền trong giới sưu tầm cổ vật Chăm. Có những hiện vật linh thiêng được sở hữu theo những cách không chính đáng, đã trở thành tai họa cho người sở hữu. Những tác động đáng sợ chỉ chấm dứt khi người ta trả những hiện vật đó lại chỗ ban đầu. Đó là những câu chuyện kể nghe chơi, trà dư tửu hậu. Tôi chưa từng nghĩ có bao nhiêu phần sự thật trong đó cả. Nhưng tôi đã thực sự nhận ra sự mê hoặc của một viên gạch Mỹ Sơn, và từ đó nhìn khắp vùng đền đài phế tích này, mỗi bước chân đi đều giẫm lên một kho báu.

Bên dòng suối chảy ngang giữa khu tháp A và các tháp B, C, D Mỹ Sơn, từng có một ngôi tháp đã đổ nát. Người ta đã tìm vớt những hiện vật có giá trị vào các phòng trưng bày, dưới lòng suối chỉ còn lại một lớp gạch vụn, lâu ngày nước chảy bào nhẵn. Khi tôi lội xuống, vớt những mảnh gạch lên cho một cảnh quay, một cảm giác thèm muốn chiếm hữu chợt bùng lên. Cái cảm giác tôi chưa từng chuẩn bị, chưa từng nghĩ đến trước đó. Tôi khao khát, có lẽ hơn cả khao khát, được giữ lấy một mảnh gạch. Và nếu không hết sức tự chủ, có lẽ tôi đã làm như vậy thật.

Tôi kể chuyện này cho Nguyễn Văn Thọ nghe, anh không tỏ vẻ gì ngạc nhiên với câu chuyện. Tôi hỏi, anh tiếp xúc với các báu vật hàng ngày như vậy, có bao giờ có cảm giác đó không? Thọ chỉ trả lời đơn giản: nếu lấy được một thứ, anh sẽ muốn thêm thứ nữa lớn hơn, và sẽ không bao giờ dừng lại được. Thọ mỉm cười an ủi, “cảm giác của anh là bình thường!”.

Tôi hàm ơn lời an ủi của anh. Cái cảm giác đột khởi của tôi đó, không phải là lòng tham hay gì cả. Đó là sự phản ứng của một niềm đam mê bất ngờ với những gì quá đẹp đẽ. Tôi cũng hiểu, đối lại với sự đam mê có thể biến tướng thành tham lam ấy, chỉ có một cách là phải tìm để hiểu, để mà “yêu cho đúng lối”. Phải chăng đó chính là cách mà những “người Mỹ Sơn” đã thực hành mỗi ngày, lặng lẽ, giữa tiếng lao xao của hàng đoàn khách du cứ đến rồi đi qua vùng tháp trứ danh này?

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở lại giữa lao xao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO