Tháng 3 tới, dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay) ở Mỹ Sơn mới chính thức được khai trương nhưng những ngày xuân, bạn vẫn có thể ở lại nơi này, khám phá những điều rất lạ…
Đường vào căn hộ du lịch homestay ở Mỹ Sơn. |
Không chỉ có Mỹ Sơn
Chúng tôi ở lại nhà chị Lại Thị Vân ngay đầu xóm thôn Mỹ Sơn, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Một gian phòng nhỏ biệt lập với khu sinh hoạt gia đình với đầy đủ những trang bị cần thiết cho khách lưu trú qua đêm. Khu vườn nhà chị đang vụ xuân, đầy hoa và rau cỏ. Homestay là dịch vụ lưu trú tại nhà dân, sinh hoạt cùng với người dân nhưng xem ra các hộ dân ở thôn Mỹ Sơn đã biết cách làm chuyên nghiệp hơn khi tôn trọng sự riêng tư của khách, nhất là đối với khách nước ngoài. Dù đến sớm nhưng chúng tôi chưa phải là khách mở hàng cho dịch vụ này ở Mỹ Sơn. Chị Lại Thị Vân cho biết trước đó tất cả gia đình đang làm dịch vụ homestay tại đây đã đón khách Lào. Giá thuê của một phòng từ 150 đến 200 ngàn đồng tùy theo số lượng người ở. Khách du lịch cũng có thể đăng ký trực tiếp với các hộ dân hoặc thông qua các công ty du lịch tổ chức tour. Nếu khách đi theo đoàn đăng ký bữa ăn, các gia đình sẽ chọn ra một địa điểm rồi tổ chức nấu ăn cho khách hoặc ăn chung cùng với gia đình. Ngoài ra, du khách có thể khám phá các di tích khác quanh vùng như ao Vuông, cốc Dinh, hang ông Lai, giếng Tiên - một vũng nước trong veo giữa các triền đá hay cùng nông dân trồng bắp tỉa đậu trên cánh đồng khô. Ông Hồ Cư cũng đã tự trang hoàng lại ngõ đá và khu vườn nhỏ trước sân nhà thành nơi nghỉ dưỡng cho khách du lịch. Vườn rau, bàn đá, hòn non bộ và cả mảnh đất nhỏ làm nông nghiệp cũng được ông đưa vào “hạng mục” phục vụ du lịch.
Cuối năm ngoái, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền” thông qua Tổ chức Lao động thế giới (ILO). Cùng với Bhơ Hôồng (Đông Giang), Mỹ Sơn cũng được triển khai dự án thông qua hình thức homestay gắn kết với các hoạt động trong di tích. Theo đó, ILO trực tiếp tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn cho các hộ dân được lựa chọn trong vùng về mô hình du lịch lưu trú tại cộng đồng như hướng dẫn du lịch, cách sắp xếp khách ăn ở tại nhà, hướng dẫn tham quan cũng như đi thực tế một số nơi. Đồng thời, mỗi hộ dân được lựa chọn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng được hỗ trợ 3.000USD sửa sang lại phòng ở theo tiêu chuẩn của phòng du lịch cho thuê. Bà Nguyễn Thị Huyền - điều phối viên của ILO tại Quảng Nam cho biết: “Mục tiêu của dự án là hướng tới giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân trong vùng du lịch được hưởng lợi, có công ăn việc làm ổn định hơn thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của ILO chỉ ban đầu, thành công của dự án phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của người dân vì họ là người trực tiếp hưởng lợi và duy trì sự phát triển”.
Dựng nhà đón khách
Thêm một điều “lạ và độc” để đêm ở lại Mỹ Sơn càng thú vị trong căn nhà mái tranh vách đất của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Không nằm trong chuỗi hệ thống du lịch cộng đồng nhưng căn “biệt thự tranh lá” của Nguyễn Thượng Hỷ là địa chỉ không thể thiếu trong dịp ở lại đêm Mỹ Sơn.
Nhà tranh vách đất của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - nơi sẽ trở thành nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: A.TRÂM |
Căn nhà tranh lọt thỏm giữa vùng đồi núi xem ra lại lạ. Lạ, bởi còn vì anh tình nguyện để khu vườn trong sân nhà mình trở thành chốn sinh hoạt cộng đồng mỗi khi làng đón khách du lịch. Căn nhà tranh vách đất của Nguyễn Thượng Hỷ đúng nguyên mẫu nhà mái lá truyền thống Quảng Nam được xây dựng trên quan điểm thân thiện với môi trường. Ở đó, trước sân nhà hằng đêm, Ban Quản lý du lịch cộng đồng đã tính đến chuyện làm nơi tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống giao lưu giữa người dân và du khách. Anh nói: “Tôi sẽ dạy vẽ miễn phí cho trẻ con trong làng Mỹ Sơn, khu đất trước nhà trồng bầu hồ lô đến mùa thu hoạch sẽ được ngâm trong suối cho cứng vỏ rồi chính tôi dạy bọn trẻ khắc, vẽ lên đó để trở thành sản phẩm du lịch cho khách”. Và còn hơn nữa là mơ ước về thư viện sách, báo, truyện cho trẻ em đã được vẽ ra trong bảng thiết kế của Nguyễn Thượng Hỷ. Tự nhận mình là người gắn bó đến từng viên gạch vỡ ở Mỹ Sơn, Nguyễn Thượng Hỷ tình nguyện trở thành cư dân trên miền di sản, tình nguyện cùng người dân nơi này xây dựng một ngôi làng sinh thái du lịch vì chính cuộc sống của họ. Và tất nhiên, anh cũng tình nguyện trở thành một “già làng” nói chuyện về tháp cổ với khách. Vì không thể là ai nữa hiểu từng viên gạch vỡ ở Mỹ Sơn như Nguyễn Thượng Hỷ.
Những ngày tết, cơ hội quảng bá về du lịch homestay ở Mỹ Sơn lại càng nhiều. Năm hộ gia đình được dự án hỗ trợ thực hiện, thêm 2 hộ nữa tình nguyện có nhà lưu trú cho khách chăm sóc lại “bản đồ du lịch” trong vùng. Người đi xa về quê ăn tết cũng ghé qua nhà ông Cư, ông Nha, cô Vân, cô Hồng Anh thăm ngõ đá và còn rủ rê bạn bè đến ở lại Mỹ Sơn…
ANH TRÂM