(Xuân Đinh Dậu) - Phố Hội níu chân người bằng sự bình yên rất riêng. Và, Rudy van Bork đã chọn Hội An làm điểm dừng chân. Người đàn ông đến từ xứ sở hoa tuylip xa xôi khẳng định: đây là đích đến, là điểm dừng cuối cùng - trên hành trình đời mình.
Rudy van Bork (sinh năm 1968) từng được biết đến như một nhà hoạt động từ thiện. Năm 2010, khi đang làm trong ngành ngân hàng ở Hà Lan, anh đã một mình đạp xe xuyên Việt vì yêu đất nước Việt Nam và để kêu gọi giúp đỡ người nghèo Việt Nam. Năm 2013, anh là người duy nhất bơi vượt biển cự ly dài nhất (10km) từ Cửa Đại đến An Bàng để gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo. Và giờ đây, Rudy van Bork trở thành ông chủ của chuỗi các quán Hoi An Roastery và Cocobox ở Hội An. Sắp tới, vợ chồng anh sẽ mở thêm nhiều quán tương tự như thế, cũng ở trong khu phố cổ này.
Một góc Hoi An Roastery. |
Năm 2004, lần đầu tiên đặt chân đến Hội An, Rudy van Bork đã bị phong cảnh và người Hội An mê hoặc. “Chưa có một thành phố nào mà chỉ trong bán kính khoảng 3km vừa có phố, vừa có đồng ruộng, lại có biển, và đặc biệt, có những con người thân thiện, cởi mở như Hội An” - Rudy van Bork trải lòng khi nói về lý do anh và vợ - chị Mai Thị Nga, người gốc Huế, chọn Hội An để sinh sống, kinh doanh và làm từ thiện. Đến năm 2015 vợ chồng anh mới nghỉ việc trong ngành du lịch để mở chuỗi quán Hoi An Roastery và Cocobox. Tại sao anh lại chọn cà phê roastery (rang xay)? Rudy van Bork lý giải đơn giản: bạn bè anh tâm sự rằng Hội An thật tuyệt vời, chỉ thiếu những ly cà phê “thật sự là cà phê”, sạch và không hóa chất. Anh đáp ứng yêu cầu này bằng cách đặt mua những hạt cà phê xanh từ Tây Nguyên, rang xay tại xưởng và pha chế tại quán của mình. Chồng lo đầu tư, thiết kế, vợ lo nhân sự. Một ngày của anh chị bắt đầu từ trước 7 giờ sáng và nghỉ sau 22 giờ; là đi lại như con thoi giữa 3 quán Hoi An Roastery ở 135 đường Trần Phú, 685 Hai Bà Trưng, 47 Lê Lợi và quán Cocobox ở 94 Lê Lợi để trông coi, trò chuyện và giải quyết nhanh những yêu cầu của khách. Bận rộn nhưng Rudy van Bork luôn cười thân thiện bởi với anh đó là sự bận rộn hạnh phúc.
Rudy van Bork (bìa phải) và khách nước ngoài ở Hoi An Roastery. Ảnh: CHÂU NỮ |
Hội An - thành phố du lịch, cũng có thể được xem là thành phố của cà phê bởi có nhiều quán bình yên, dễ thương, lãng mạn... Nhưng Hoi An Roastery của Rudy van Bork vẫn có phong cách riêng, khó lẫn. Đó là không gian bình yên và cổ kính và như nhận xét của Steve Ford, du khách Anh: “Với tôi, Hoi An Roastery là quán có cà phê ngon nhất Hội An!”; hay của Mjl (người Pháp): “Lần nào đến Hội An tôi cũng ghé Hoi An Roastery”. Nếu quan sát, sẽ thấy nhiều du khách sau khi thưởng thức cà phê ở Hoi An Roastery, không quên mua về làm quà hoặc để dành nhâm nhi.
Điều tôi rất thích là không khí gia đình và phong tục Việt Nam, nhất là phong tục tết cổ truyền. Gia đình vợ tôi rất đông người, sống ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Nghệ An, TP.Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ nhưng thật lạ, mỗi năm, cứ đến dịp tết thì dù bận rộn đến mấy cũng quây quần đông đủ. Không khí gia đình rất vui vẻ và đầm ấm.(Rudy van Bork) |
Nhân viên của Hoi An Roastery và Cocobox khoảng 150 người và sắp tới, khi Rudy van Bork mở thêm quán, sẽ tuyển dụng thêm 50 nhân viên nữa. Trong số những người phục vụ, tôi chú ý đến những nhân viên người nước ngoài. Rudy van Bork cho biết, họ không phải là nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Họ chỉ phục vụ ở Hoi An Roastery một vài tuần trong thời gian đến Hội An du lịch và xem đây là dịp để trải nghiệm. Khách của Hoi An Roastery và Cocobox đa số là người nước ngoài. Họ đến quán không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn để chia sẻ, trò chuyện với ông chủ vui tính Rudy van Bork, đôi khi để nhờ tư vấn địa điểm thuê nhà, đại loại thế. Như vợ chồng anh Luud (người Hà Lan, sống ở Đà Nẵng) chẳng hạn. Cuối tuần thể nào họ cũng đến Hoi An Roastery để trò chuyện với đồng hương. “Tha hương ngộ cố tri” nên cuộc trò chuyện luôn vui vẻ và rôm rả.
Ba mẹ và anh em của Rudy van Bork sinh sống ở Hà Lan. Có dịp, anh lại đưa vợ con về xứ sở hoa tuylip; có dịp, người thân của anh cũng đến Hội An. Rudy van Bork tâm tình: “Trước đây tôi xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Nhưng bây giờ, khi cưới vợ người Việt, sinh con và sống ở Hội An, nơi đây đã trở thành ruột thịt, thiết thân và tôi không thể rời xa”. Vì yêu Hội An, Rudy van Bork học cách cầm đũa ăn cơm (anh đặc biệt thích món chay); rồi học tiếng Việt, anh còn nói được giọng Quảng “chuẩn”. Khi nghe tôi bảo mình sống ở Tam Kỳ, Rudy van Bork cười vang: “Giọng Quoảng phải núa lòa ở Tôm Kỳ”. Cũng chính vì yêu Hội An nên Rudy van Bork cho rằng, việc thiết kế không gian của những quán Hoi An Roastery là một trở ngại khá thú vị. Ấy là làm sao cải tạo một ngôi nhà cổ trở thành quán nhưng phải giữ cho được nét cổ kính, nét văn hóa của phố cổ Hội An. Tôi nghĩ khách có thể cảm nhận được tình yêu Hội An và mong muốn giữ gìn phố cổ cho Hội An của Rudy van Bork khi nhận thấy những quán Hoi An Roastery, gỗ màu nâu và tường chỉ có 2 màu chủ đạo là xanh và vàng.
Trong tất cả nhân viên của Hoi An Roastery và Cocobox, không hẳn ai cũng giỏi tiếng Anh nhưng Rudy van Bork vẫn nhận vào làm, để vừa làm vừa học thêm. Anh xem đó là cách cảm ơn mảnh đất và con người Hội An đã cưu mang anh. Và quan trọng hơn, anh thích làm việc với người Việt Nam, những người cần cù và chăm chỉ. Rudy van Bork nói: “Trách nhiệm của tôi không phải là lo cho 150 nhân viên mà là lo cho 150 gia đình của họ”.
CHÂU NỮ