(QNO) - Đầu tuần tới, hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe lần đầu tiên được tổ chức, trong lúc 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bụi bẩn.
Ô nhiễm không khí làm đảo lộn cuộc sống nhiều người tại TRung Quốc. Ảnh: Publichealth |
Hội nghị diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự chủ trì của WHO cùng với sự tham gia của Cơ quan môi trường Liên hiệp quốc, đại diện các chính phủ, các chuyên gia về y tế, môi trường, các nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức xã hội dân sự.
Ô nhiễm không khí là một vấn đề y tế công cộng, không chỉ ô nhiễm không khí ngoài trời mà cả ô nhiễm không khí trong nhà. Trong báo cáo mới nhất của WHO cho biết, ô nhiễm không khí là “một loại thuốc lá mới” nhưng tác hại nghiêm trọng hơn thuốc lá rất nhiều lần.
WHO cho biết tỷ lệ người hút thuốc lá đang suy giảm, thế giới đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của căn bệnh thuốc lá, chúng ta giờ đây lại đối mặt với “thuốc lá mới', tức ô nhiễm không khi mà hàng tỷ người hít thở mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu chỉ ra ô nhiễm không khí gây ra nhiều cái chết hơn thuốc lá.
Ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm và hàng tỷ người bị ảnh hưởng, với các căn bệnh do ô nhiễm không khí gây ra như bệnh về tim mạch, đột quỵ, bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị thổn thương nhất. Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi ô nhiễm không khí là “sát thủ thầm lặng”, không chừa một ai kể cả tại quốc gia giàu hay nghèo.
Ấn Độ đang vật lộn với ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại nhiều thành phố. Ảnh: newindianexpress |
Là một trong những quốc gia có các thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trong nhất hành tinh, Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nhằm “giành lại bầu trời xanh” giai đoạn 2018-2020. Hiện mỗi năm tại Trung Quốc có 1,1 triệu ca tử vong sớm và thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ USD do ô nhiễm không khí. Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và có nền kinh tế tăng trưởng nhất thế giới - Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), chi phí chăm sóc sức khỏe và tổn thất năng suất từ chi phí ô nhiễm Ấn Độ chiếm đến 8,5 % GDP, tức là khoảng 221 tỷ USD mỗi năm. Các chuyên gia nhận định, để đổi phó với tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng, bên cạnh giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, giảm khí thải CO2, việc giám sát chất lượng không khí, chia sẻ thông tin là vô cùng cần thiết. Qua đó có thể phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu. Ví dụ một ứng dụng trên điện thoại thông minh để cảnh báo cho người sử dụng về mức độ ô nhiễm không khí tại các khu vực để họ cân nhắc các hoạt động cho phù hợp, như là hạn chế ra đường. Cũng theo WHO, ô nhiễm không khí sẽ âm thầm gây nên khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Do vậy, hội nghị lần nay sẽ nhấn mạnh mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và ngành y tế để xúc tác các hành động cho các chính sách hiệu quả hơn về năng lượng, nông nghiệp, vận tải, và chất thải sinh hoạtn đối với môi trường trong sạch. Ngoài ra, các quốc gia được kỳ vọng sẽ có những cam kết chặt chẽ hơn liên quan tới việc cắt giảm ô nhiễm không khí. NAM VIỆT