(QNO) - Ô nhiễm không khí sẽ rút ngắn tuổi thọ của trẻ em sinh ra trong thời gian này trung bình 20 tháng và đặc biệt có tác động lớn nhất ở Nam Á.
Khói bụi bao trùm nặng nề tại nhiều khu vực Nam Á. Ảnh: AFP |
Theo một nghiên cứu được công bố hôm qua 3.4 của Viện Nghiên cứu sức khỏe (trụ sở tại Mỹ) và Đại học British Columbia (Canada), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong sớm lớn thứ 5 trên toàn thế giới, nhiều hơn các ca tử vong vì sốt rét, tai nạn đường bộ, suy dinh dưỡng hoặc sử dụng rượu bia.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra việc rút ngắn tuổi thọ cho trẻ em không phải là như nhau. Trẻ em ở Nam Á sẽ bị cắt ngắn 30 tháng vì sự ô nhiễm không khí ngoài trời cũng như không khí trong nhà. Ở Đông Á khoảng 23 tháng, so với khoảng 20 tuần cho trẻ em ở các khu vực phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Trong khi đó, tuổi thọ tại Bangladesh bị rút ngắn cao nhất là 1,3 năm; còn tại Ấn Độ, Nigeria và Pakistan là khoảng 1 năm.
Bất chấp cải cách chính phủ để giảm mức độ ô nhiễm, Trung Quốc vẫn là quốc gia châu Á có tỷ lệ tử vong cao nhất do ô nhiễm không khí, khoảng 852.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm trong năm 2017.
Khách du lịch đeo khẩu trang vì ô nhiễm không khí tại Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AP |
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, Thái Lan phải chuẩn bị thêm khẩu trang chống bụi siêu mịn cho khoảng 300 đại biểu dự Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra trong 2 ngày 4 và 5.4 ở Chiang Rai, một tỉnh thuộc cực bắc Thái Lan.
Trước đó ngày 2.4, nhà chức trách Thái Lan thông báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Chiang Rai nằm trong khoảng 240 - 250, ngưỡng không an toàn cho sức khỏe.
NAM VIỆT