Ô nhiễm không khí và nước ngầm

TRẦN HỮU 22/07/2015 08:34

Nhiều nơi đang đối mặt với tình trạng khói bụi ngột ngạt và nguồn nước dưới lòng đất nhiễm bẩn. Trong khi thiết bị máy móc đánh giá các chỉ số về mùi, khói bụi còn thiếu, thì kết quả quan trắc vừa qua tại 8 vị trí gần khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận cho thấy, 32 mẫu nước với hầu hết thông số COD, amoni và vi sinh vượt giới hạn cho phép.

Ngột ngạt không gian sống

Thời gian qua, việc mở rộng quốc lộ 1, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp đô thị… khiến môi trường thêm bụi bặm. Tại đường Thanh Hóa, đường Lê Thánh Tôn (TP.Tam Kỳ), mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn của Tập đoàn Xuân Thành chở vật liệu thi công đường cứu nạn cứu hộ ven biển để bụi đất rơi vãi trên đường. Ông Lương Hoài Vũ - người dân sống trên đường Lê Thánh Tôn (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) bức xúc: “Các xe chở đất công trình không chỉ hú còi với âm thanh lớn, mà còn phủ bạt sơ sài để đất bay mịt mù vào tận nhà dân. Lúc thi công cao điểm, tường nhà nhuốm đầy bụi đỏ”.

Phổ biến tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp. TRONG ẢNH: Ống khói của Nhà máy Sản xuất kính nổi Chu Lai. Ảnh: T.H
Phổ biến tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp. TRONG ẢNH: Ống khói của Nhà máy Sản xuất kính nổi Chu Lai. Ảnh: T.H

Theo Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, không khí xung quanh tại hầu hết khu vực nút giao thông dọc tuyến quốc lộ 1 gần đây có chiều hướng xấu lên, bụi và tiếng ồn thường xuyên vượt mức giới hạn cho phép. Nguyên nhân chủ yếu vì mở rộng quốc lộ 1, kèm theo mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng. Các khu vực đô thị ô nhiễm khí amoniac, hydro sulfur. Khí thải từ các lò đốt nhiên liệu, lò hơi của các nhà máy công nghiệp qua các ống khói rồi thải ra môi trường. Các Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai (Núi Thành), hay Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) thường xuyên ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Ô nhiễm môi trường không khí không gây hậu quả trước mắt mà âm thầm hủy diệt, đe dọa sức khỏe con người. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, nhưng các ngành chức năng gần như vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Theo ngành chức năng, việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí gặp khó khăn do phương tiện, thiết bị kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế; thiếu thiết bị máy móc đánh giá các chỉ số về mùi, khói bụi. Nhà máy Sản xuất kính nổi Chu Lai mấy năm nay tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí. Một cán bộ Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, rất nhiều doanh nghiệp không bảo đảm về môi trường không khí, nhưng trong xử lý mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở là chính.

Ô nhiễm nước ngầm

Các khu - cụm công nghiệp phổ biến khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm cho mục đích sinh hoạt, sản xuất. Quan trắc gần đây nhất của ngành chức năng cho thấy, đối với mẫu nước giếng tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Cụm công nghiệp Tây An (Duy Xuyên)… đều có mức độ ô nhiễm coliform cao nhất. Tương tự, khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành cũng bị nhiễm amoni. Cá biệt, có nơi ở xã Cẩm Nam (TP.Hội An), coliform tháng 5 vượt đến 230 lần ngưỡng cho phép. Đặc biệt, mẫu nước tại khu vực Tam Phú (TP.Tam Kỳ) có mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt (amoni vượt 6,7 - 17,5 lần, coliform vượt quy chuẩn có lúc ở mức 230 lần, clorua vượt giới hạn 1,7 - 2,9 lần…). Nguồn nước ở nhiều khu vực trên địa bàn Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) gần Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc như Viêm Trung, Ngân Hà, Ngân Câu, Tứ Câu, Ngân Giang hay các thôn An Khuông, Vĩnh An (xã Tam Xuân 2, Núi Thành)... có hiện tượng nhiễm bẩn. Nước giếng khoan bơm lên để dùng cho sinh hoạt có màu đục, mùi hôi khó chịu...

Từ năm 2015, Quảng Nam được trung ương cho phép điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Theo đó, các ngành tài nguyên - môi trường và nông nghiệp nỗ lực khai thác các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng khan hiếm nước. Bên cạnh đó, tham mưu ban hành nhiều chính sách, phân công trách nhiệm quản lý môi trường nước; triển khai xây dựng, thực hiện các quy hoạch lưu vực sông. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền các địa phương đánh giá tác động môi trường bằng việc cấp phép xả thải, thanh tra, kiểm tra, quan trắc môi trường nước… Những nơi nước ngầm bị ô nhiễm như xã Tam Xuân 2 (Núi Thành), Tam Phú (TP.Tam Kỳ), đang đầu tư, đưa nước máy về sử dụng, đáp ứng cho hàng nghìn hộ dân có nước sạch sử dụng.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ô nhiễm không khí và nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO