Ô nhiễm môi trường: ngạc nhiên chưa?

ĐĂNG QUANG 08/08/2016 08:37

Tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhiều nhà máy, khu công nghiệp không còn là chuyện lạ, nhưng sao một số cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương vẫn tỏ ra “bất ngờ”, “ngạc nhiên”?

Sao lại bất ngờ được khi nhà máy nào đều cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng và đưa vào hoạt động?

Sao lại bất ngờ khi từ đầu đọc thuyết minh dự án đã biết nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất như thế nào?

Sao lại bất ngờ khi nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ rằng những ngành sản xuất nào tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (chẳng hạn thép, dệt nhuộm, chế biến thực phẩm...)?

Sao lại bất ngờ khi nhà máy xả ra chất thải gây ô nhiễm không khí, nguồn nước,... mà người dân sống quanh đó kêu la bức xúc?

Rõ ràng, sự “bất ngờ” chỉ có thể xảy ra trong mấy trường hợp: (1) Chủ dự án lừa (qua mặt) cơ quan quản lý về giải pháp công nghệ (để sử dụng công nghệ kém hoặc không vận hành hệ thống xử lý chất thải); (2) Cơ quan chức năng không đủ năng lực thẩm định dự án, nhất là đánh giá tác động môi trường và công nghệ xử lý chất thải; (3) Cơ quan chức năng bỏ qua khâu kiểm tra hậu dự án, quan trắc môi trường, giám sát việc xả thải; (4) Người có trách nhiệm duyệt và giám sát dự án đã “ăn xôi chùa” nên ngậm miệng, dù biết nhà máy có thể gây ô nhiễm vẫn lựa chọn cho đầu tư, hoạt động.

Cứ rà theo 4 giả thiết trên đây cho những trường hợp gây ô nhiễm môi trường mà công luận phản ánh thời gian qua sẽ thấy rất rõ những điều phi lý... bất ngờ. Để rồi ngạc nhiên chưa, từ Vedan xả thải ra sông Thị Vải, đến thép Formosa thải ra biển làm cá chết và chôn lấp chất thải bừa bãi, rồi dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang chỉ làm qua loa báo cáo đánh giá tác động môi trường, may mà phát hiện kịp. Không thể nói là bất ngờ nếu làm đúng các khâu thẩm định, lựa chọn dự án, kiểm tra, giám sát môi trường thường xuyên.

Đề cập vấn đề trên đây, nói xa để quay lại chuyện gần ở Quảng Nam. Đã từng xảy ra những vụ gây ô nhiễm môi trường như nhà máy thép Việt - Pháp ở Điện Bàn, nhà máy kính nổi rồi tới nhà máy sô đa ở Chu Lai, nhà máy chế biến sắn ở Quế Sơn, nhà máy cồn ở Đại Lộc... là những bài học, đòi hỏi Quảng Nam phải cảnh giác. Hiện nay, sau những hồ hởi về việc Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) có nhà máy dệt may Panko đi vào hoạt động, không phải không có những lo âu về việc xử lý chất thải. Bởi, công nghệ sợi - dệt - nhuộm - may cũng là ngành tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý tốt chất thải. Như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh này đã quyết định niêm phong xưởng dệt, nhuộm của Công ty Mei Sheng vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hay như tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu nhà đầu tư dự án Nhà máy sợi, vải màu Lu Thai chỉ được phép nhuộm các sản phẩm do nhà máy trực tiếp sản xuất, không được nhuộm các sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài để hạn chế nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm môi trường thượng nguồn các dòng sông trên địa bàn. Gần đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã quyết định dừng cấp phép 2 dự án dệt may tại các tỉnh phía Bắc vì lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm.

Đặc điểm của gia công sản xuất dệt là sự tiêu thụ ở mức cao về nước, nhiên liệu và nhiều loại hóa chất khác nhau trong một chuỗi gia công dài, làm phát sinh một lượng đáng kể các chất thải. Các vấn đề môi trường chính liên quan đến công nghiệp dệt là ô nhiễm nguồn nước do phát thải các dòng chất lỏng chưa được xử lý. Phát thải môi trường cũng không kém phần quan trọng là phát thải khí, đặc biệt từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi  và tiếng ồn quá mức cho phép. Do đó, cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các dự án trong lĩnh vực dệt - nhuộm, là việc cần thiết để lựa chọn cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời đảm bảo đầu tư các hạng mục xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.  

Giám sát xả thải và việc xử lý chất thải đối với các nhà máy thuộc diện tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là chuyện cần làm ngay, làm thường xuyên, đừng để “bất ngờ”.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ô nhiễm môi trường: ngạc nhiên chưa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO