Ô nhiễm tiếng ồn tại các điểm du lịch Hội An

KHÁNH LINH 21/11/2014 10:06

Du lịch Hội An đang hướng đến sự phát triển bền vững với nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Thế nhưng vấn đề ô nhiễm tiếng ồn vẫn chưa được nhiều điểm du lịch quan tâm đúng mức.

“Đảo karaoke”

Ông Trần Láng - chủ nhà nghỉ Thư Trang (Cù Lao Chàm, Hội An) vẫn còn nhớ câu chuyện về một du khách châu Âu đến nghỉ trọ tại đây đã phản ứng khi nghe tiếng loa phát thanh trên đảo vào lúc sáng sớm. “Lúc đó tôi đang ở trước nhà tự nhiên thấy ông ta chạy về phía UBND xã, vừa chạy vừa vung tay chỉ chỏ cái loa, la hét om sòm” - ông Láng kể. Theo ông Láng, vị khách đã bị làm phiền lúc sáng sớm khi đang ngon giấc nên mới có cách hành xử như vậy. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp phản ứng của du khách khi nghỉ qua đêm tại Cù Lao Chàm. Nhiều khách ban đầu đặt phòng ở dài ngày, nhưng chỉ qua một buổi sáng họ đã trả phòng quay về đất liền với lý do: “Tôi bỏ tiền ra đây du lịch để nghỉ ngơi sao lại lại quấy rầy làm ồn không cho tôi ngủ”. Theo ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, các loa trên đảo hiện được đặt tại UBND xã, mỗi sáng đúng 5h - 6h20 sẽ bật phát thông báo về tình hình kinh tế - xã hội của xã; thời tiết khí hậu cho ngư dân biết… “Cái loa không đơn thuần chỉ là thông báo tin tức, thời sự trên đảo mà còn là một nét văn hóa đã gắn với đời sống người dân bao năm nay nên dù bây giờ có ảnh hưởng đến du khách cũng khó thể thay đổi được” - ông Dũng nói.

Du khách rất thích thú với không gian yên tĩnh tại các vùng quê sông nước. Ảnh: K.L
Du khách rất thích thú với không gian yên tĩnh tại các vùng quê sông nước. Ảnh: K.L

Không chỉ du khách phản ứng, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại điểm du lịch cũng trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành Hội An. Tại khu rừng dừa Bảy Mẫu, phường Cẩm Thanh, vài năm trở lại đây lượng khách đến tham quan ngày càng đông, kéo theo nhiều hàng quán, khu du lịch mọc lên  phục vụ du khách. Để đáp ứng nhu cầu giải trí vui chơi, một vài điểm đã tổ chức các chương trình ca nhạc, hát karaoke cho khách gây náo nhiệt ảnh hưởng không nhỏ đến các nhóm khách khác đang tham quan rừng dừa, nhất là những người lớn tuổi muốn trải nghiệm cảm giác thanh bình của một vùng quê sông nước. “Mỗi khi đưa đoàn qua những điểm này, du khách nước ngoài hay hỏi tôi một cách mỉa mai là đây có phải là đảo karaoke không, sao ồn vậy?” - ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Du lịch Khoa Trần kể. Theo ông Khoa, đây là cách làm du lịch phản khoa học khi biến một vùng sông nước có môi trường sinh thái yên bình thành một nơi ăn nhậu ồn ào. “Tôi đã nhiều lần báo với chính quyền xã Cẩm Thanh nhưng vẫn không thấy thay đổi gì cả” - ông Khoa cho biết.

Điều chỉnh dần

Các nhà khoa học đã cảnh báo, ô nhiễm tiếng ồn sẽ làm tăng huyết áp, gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh. Một số công trình nghiên cứu gần đây cũng đã xếp ô nhiễm tiếng ồn đứng đầu danh sách ô nhiễm trong không khí có hại đối với sức khỏe con người. Còn theo quy định, cường độ âm thanh tối đa cho phép ở trong các khu vực chung cư, nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính từ 6h - 21h là 70dB, từ 21h - 6h là 55dB… Điều đó chứng tỏ tiếng ồn luôn tác động không tốt đến cuộc sống của những người xung quanh. Tuy nhiên, việc hạn chế tiếng ồn tại các điểm, khu du lịch hiện tại không hề dễ dàng vì còn tùy thuộc vào sự hợp tác, phối hợp của nhiều bên liên quan, nhất là doanh nghiệp. Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp khẳng định, việc duy trì hệ thống loa truyền thanh trên đảo là cần thiết nên không thể dẹp bỏ ngay được. “Vấn đề bây giờ là cần phải tính toán bố trí lại hệ thống loa sao cho hợp lý, bên cạnh đó các chủ nhà nghỉ cũng phải thiết kế phòng ốc của mình sao cho phù hợp để không ảnh hưởng đến khách” - ông Dũng nói. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay loa phát thanh trên Bãi Làng đã được dịch sang hướng khác và thời gian phát cũng được chuyển sang buổi trưa.

Còn tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, hiện tại các điểm du lịch tổ chức hát múa âm nhạc gây huyên náo ảnh hưởng đến du khách đã được chính quyền địa phương kiểm tra nhắc nhở, bước đầu đã thuyên giảm. “Chúng tôi đã cảnh báo doanh nghiệp là nếu còn tổ chức những hoạt động như nhậu nhẹt ca hát làm ồn sẽ rút giấy phép vì đây là nơi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng không thể vì một bộ phận khách mà có thể làm ảnh hưởng đến các du khách khác được” - ông Thanh quả quyết. Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn là một vấn đề tồn tại lâu nay ở Hội An, kể cả trong khu vực nội thị và một số điểm tham quan phố cổ như Chùa Cầu, các hội quán… nhưng rất khó thể giải quyết dứt điểm. Nổi cộm nhất là việc các hướng dẫn viên “tranh nhau” thuyết minh giới thiệu cho khách tại cùng một điểm tham quan dẫn đến sự ồn ào, hỗn tạp. “Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc điều tiết khách tại một số điểm tham quan trong phố cổ như khống chế số khách cụ thể vào mỗi điểm trong thời gian nhất định, cấm dùng loa công suất lớn… nhằm hạn chế tiếng ồn nhưng hiện tại chưa thể làm ngay được mà phải từ từ để tạo thói quen cho khách và doanh nghiệp thích ứng dần” - bà Thủy cho hay.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch không chỉ tạo ra những điểm đến hấp dẫn hay sản phẩm đặc trưng, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp và chính quyền địa phương có chung ý thức trách nhiệm để gìn giữ “thương hiệu” du lịch, trong đó có việc bảo vệ không gian trong lành yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn… Đó là điều mà ngành du lịch và các địa phương cần quan tâm đúng mức hơn trong thời gian tới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ô nhiễm tiếng ồn tại các điểm du lịch Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO