Sau một hồi ngó nghiêng hộ chiếu và visa nhập cảnh, bà nhân viên hải quan cửa khẩu ngước lên hỏi “vì sao mày chọn đến Gruzia?”. Tôi trả lời: “Vì những ngọn núi ở đây. Vì tao muốn đến xem nơi thần Prometheus bị xiềng khi đánh cắp lửa cho loài người”. Bà ớ ra một lúc rồi nhìn tôi bật cười. Dấu nhập cảnh đóng nghe “cộp” rõ to. Tôi thấy hình một con chim, chính xác hơn là một dãy núi màu xanh chuối non dưới dòng chữ ngoằn ngoèo như giun dế.
Đại Caucasus huyền thoại
Gruzia hay Georgia là một quốc gia có con người sống liên tục từ thời đầu đồ đá tại khu vực Kavkaz, nằm tại giao giới của Tây Á và Đông Âu. Gruzia có diện tích 69.700km2², dân số chỉ gần 4 triệu người (bằng khoảng 1/3 dân số TP.Hồ Chí Minh) - đúng nghĩa chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới. Vậy nên, rất thú vị là Georgia thường bị mọi người nhầm lẫn với Georgia - một bang ở miền đông nước Mỹ. Thú vị nữa là có đến hơn 70% diện tích của Gruzia là đồi núi với dãy Likhi chia Gruzia thành hai nửa đông - tây. Rồi dãy đại Caucasus ngăn cách Gruzia với các nước Bắc Kavkaz thuộc Nga.
Giờ thì tôi đã may mắn được đặt chân lên nhiều nơi thuộc dãy đại Caucasus huyền thoại gió lúc nào cũng vấn vít quanh người lữ khách. Và trước mắt tôi là trùng điệp núi non xanh mướt, đẹp đến mức tôi phải thở thật chậm để không bỏ sót một hình ảnh đáng tiếc nào. “Thần Prometheus bị xiềng xích ở đâu trên dãy đại Caucasus?” - lần nào tôi cũng hồi hộp hỏi Tkebuchava, cô bé hướng dẫn viên đi cùng. Bao giờ Tkebuchava cũng nháy mắt ẩn ý: “Em cũng chỉ biết đâu đó trên dãy đại Caucasus, cũng có thể là ngay nơi chúng ta đang đứng”.
Tu viện Jvari trên dãy đại Caucasus.Ảnh: TƯỜNG MINH |
Trong thần thoại Hy Lạp mà cả thế giới say mê, Prometheus có nghĩa là “người biết trước tương lai”, là một vị thần khổng lồ, con trai của Iapetus và Themis, anh em của Atlas, Epimetheus và Menoetius. Prometheus chính là vị thần tạo ra loài người và chính ông đã ăn cắp ngọn lửa từ thần Zeus và trao nó cho nhân loại. Thần Zeus sau đó đã trừng phạt bằng cách buộc ông vào một tảng đá trên dãy đại Caucasus nơi tôi đang đứng để một con đại bàng ăn gan của ông hàng ngày. Nhưng lá gan của ông cứ ban ngày bị ăn thì ban đêm lại tái sinh. Phải chăng đây là lý do khiến nội tạng của con người, gan là cơ quan duy nhất có khả năng tái tạo?
Mà đâu chỉ mỗi thần Prometheus. Dãy đại Caucasus còn lưu dấu một chuyện thần thoại Hy Lạp khác về nàng Medea ở xứ Colchis giúp chồng đoạt bộ lông cừu vàng của cha để trao cho đoàn thủy thủ tàu Argonauts. Chuyện “Bộ lông cừu vàng” là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc các vị nữ thần chỉ quan tâm đến việc báo thù, thỏa mãn cơn giận của mình, gây chuyện bất chấp đạo lý, không màng đến mọi bất hạnh của dân chúng. Và thường thì để hại đời một người giỏi, nữ thần lợi dụng đám đông, lợi dụng những người tài giỏi khác. Nhìn chung, các cuộc chiến tranh hầu hết đều xuất phát từ cơn ghen của các nữ thần.
Ở nơi cao nhất của dãy đại Caucasus, khoảng 2.200m so với mực nước biển, có một ngôi làng nhỏ mang tên Ushguli, được cho là ngôi làng cao nhất châu Âu, nơi được UNESCO công nhận là một trong những di sản thế giới ở Gruzia. Làng Ushguli bao gồm 4 làng nhỏ là Zhibiani, Chvibiani, Chazhasi và Murqmeli nằm sâu trong khu vực Svaneti, nổi tiếng với nền văn hóa độc đáo biệt lập khỏi phần còn lại của đất nước. Đây là những ngôi làng nhỏ vô cùng độc đáo với kiến trúc là những tòa tháp phòng thủ từ thời trung cổ còn sót lại kết nối với các ngôi nhà bằng đá hoang sơ trong làng. Để đến được những ngôi làng miền núi này, tôi phải mất gần hai giờ di chuyển bằng ô tô trên một con đường riêng biệt uốn lượn qua những ngọn núi.
Svaneti là nơi sinh sống của người Svan, những cư dân ở đây từ hơn 10 thế kỷ. Vùng đất này ngày trước là một phần của vương quốc Colchis. Mestia, thủ phủ hiện tại của vùng, là nơi hiện đại nhất. Nhưng chỉ cần bước chân ra khỏi trục đường chính của Mestia, đi lang thang, rẽ vào một vài ngõ nhỏ, tôi có cảm giác mình bước thẳng từ thế kỷ 21 sang thời trung cổ với những tháp canh bằng đá của người Svan từ thế kỷ 9 - 12 ngạo nghễ dựng đứng giữa trời.
Đất thánh thiêng liêng
Đất nước Gruzia bây giờ được hợp thành từ hai vương quốc cổ là Iberia và Colchis. Thủ đô Tbilisi của Gruzia hiện tại thuộc về vương quốc Iberia cổ. Và cách thủ đô Tbilisi 20 cây số là Mtskheta - thành phố từng là kinh đô của vương quốc Iberia từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Nên không giống như sự hỗn loạn về kiến trúc ở thủ đô Tbilisi do có đến 40 lần tái thiết bởi tàn phá của chiến tranh triền miên, Mtskheta gần như còn vẹn nguyên theo thời gian, lúc nào cũng như đang mơ màng, ngái ngủ trong những cơn mưa bụi.
Những bức bích họa bên trong thánh đường Svetitskhoveli.Ảnh: TƯỜNG MINH |
Cuộc sống của người dân Mtskheta gần như xoay quanh khu vực Svetitskhoveli – nhà thờ chính tòa Kitô được xây dựng từ thế kỷ 11, một trong những trung tâm tôn giáo của nước Iberia cổ và cả Gruzia đến nay còn nguyên vẹn. Ngày nay nhà thờ Svetitskhoveli vẫn là trụ sở của Giáo hội Tông truyền Chính thống Gruzia. Cô bé hướng dẫn Tkebuchava kể rằng “nhà thờ Svetitskhoveli còn có tên là “Cột của sự sống” vì tương truyền, khi xây dựng, người ta chặt một cây tuyết tùng để dựng cây cột chống thứ bảy trong nhà thờ. Cột chống này có rất nhiều phép màu và đó cũng là ý nghĩa của chữ Svetitskhoveli”.
Thánh đường Svetitskhoveli, còn nổi tiếng bởi là nơi từng lưu giữ chiếc áo choàng của Chúa Giêsu. Chiếc áo này được mang tới Mtskheta sau khi cuộc hành hình đóng đinh lên thánh giá diễn ra, bởi một người Do Thái từ Iberia. Cô bé Tkebuchava nói rằng áo choàng của Chúa được cất giữ trong nhà thờ cùng một kho báu vô cùng quý giá nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được vì nó được kết nối bởi một đường ngầm dài 8km ngoằn ngoèo nối với nhiều điểm trong thành phố và được chính quyền canh giữ vô cùng nghiêm ngặt.
Tôi không có đặc ân nhìn thấy áo choàng và kho báu, nhưng tôi đã được sờ tay lên những bức tranh cổ xưa của thế giới Kitô ở đây và nghe nói là vô cùng linh thiêng nếu cầu nguyện. Tôi đã được uống thứ nước thiêng từ một cái giếng cổ có tuổi đời bằng thánh đường Svetitskhoveli. Nó quý đến mức người ta chỉ cho du khách uống theo… những giờ và ngày nhất định trong tuần với niềm tin nó sẽ mang lại sự may mắn.
Tôi không rõ cây cột chống ấy, những bức tranh và những giọt nước giếng cổ ấy có màu nhiệm thật không. Chỉ biết chắc rằng, sự sống của Mtskheta vào ngày tôi đến đều xoay quanh nhà thờ Svetitskhoveli. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đó, người mộ đạo đến đó, những hôn lễ của đôi lứa cũng diễn ra ở đó. Và tôi còn may mắn được chứng kiến đủ ba phiên lễ trong vòng tuần hoàn của cuộc sống theo quan niệm của người Kitô: Lễ rửa tội cho em bé, lễ cưới, lễ tưởng niệm dành cho người đã khuất. Như trong mơ, tôi còn được hầu chuyện, chụp ảnh “tự sướng” với những vị tu sĩ mặc áo choàng đen như thể họ vừa bước ra từ những trang sách cổ mà tôi từng đọc, những phụ nữ choàng khăn lên tóc, hát thánh ca bằng tiếng Gruzia cổ xưa ma mị.
Đi một quãng nữa thôi ngược lên dãy đại Caucasus, cảm giác như tôi đang bồng bềnh đâu đó tận thời cổ đại khi chạm chân đến tu viện Jvari được xây dựng từ thế kỷ thứ 6. Tu viện Jvari nằm trên một đỉnh núi, nhìn xuống nơi hội tụ của hai con sông Aragva và Kura cũng từng được nhắc đến trong thần thoại Hy Lạp. Cô bé Tkebuchava tự hào đây chính là nơi được thi sĩ Mikhail Lermontov người Nga nhắc đến trong bài thơ Mtsyry bất tử: “Một vài năm về trước/ Nơi mà các con sông hội tụ gầm thét/ Hai dòng Aragva và Kura/ Có một nhà thờ...”. Nhà thờ được Mikhail Lermontov nhắc đến là Jvari - nghĩa là “cây thánh giá” trong tiếng Gruzia. Là bởi gần 2.000 năm trước, vào thế kỷ thứ 5, thánh Nino đã đến đây, cắm xuống cây thánh giá và tuyên bố đây là vùng đất của Chúa và sau đó tu viện được xây trùm lên cây thánh giá này.
Ở vùng ngoại ô thành phố Mtskheta có các tàn tích của pháo đài Armaztsikhe (từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên), vệ thành Armaztsikhe (từ thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên), di tích của “Cầu Pompey” (theo truyền thuyết, do đội quân lê dương La Mã của Pompey the Great xây dựng trong thế kỷ 1 trước Công nguyên), các di tích rời rạc của Cung điện hoàng gia (từ thế kỷ 1 tới thế kỷ 3 sau Công nguyên), gần bên là ngôi mộ từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên…
Còn nhiều lắm nhưng tôi không thể kể hết được vì mỗi viên đá ở xứ này cũng đều mang trên mình những ngàn năm huyền thoại…
Phóng sự của TƯỜNG MINH