Ở núi hay xuống phố...?

LÊ VĂN CHƯƠNG 13/01/2024 08:00

Anh Pơ Loong Non có 2 bằng đại học, nhưng hàng ngày vẫn phải xoay tròn với công việc nội trợ, vì vợ đã rời xã Ga Ri (Tây Giang) xuống Đà Nẵng. Cách đó không xa, chị Pơ Loong Thị Mới có bằng nữ hộ sinh, nhưng công việc hàng ngày là chăn dắt đàn gia súc ngoài rìa núi. Ở nơi cao, xa thăm thẳm trên đỉnh Trường Sơn, rất nhiều thanh niên thế hệ 9X, Gen Z ấp ủ ước mơ với tấm bằng đã học.

Anh Pơ Loong Non chăm sóc con ở nhà để vợ đi làm xa. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Anh Pơ Loong Non chăm sóc con ở nhà để vợ đi làm xa. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Nhà có 3 tấm bằng

Đồn Biên phòng Ga Ri nằm trên một mỏm đồi yên ngựa. Sáng sớm và chiều tối, thôn Pứt ở phía đối diện cứ hiện ra rồi lại ẩn đi trong mù sương. Con đường lọt xuống thung lũng rồi lên một triền đất dẫn tới thôn Pứt nằm ở độ cao 1.700m so với mực nước biển.

Ngôi nhà cuối cùng ở thôn này là gia đình anh Pơ Loong Non (SN 1994) và chị Bling Thị Nhoong (SN 1994). Vợ chồng anh Non là điển hình cho thế hệ 9X loay hoay với quyết định ở lại hay rời núi?

Có tiếng lào xào của đoàn người băng ngang qua nhà anh Non. Đó là người trong thôn Pứt tranh thủ vào rừng từ sáng sớm để hái măng, đến chiều tối thì mới trở về nhà.

Anh Đinh Lỗ, dân tộc H’rê, quê ở huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, là thợ cơ khí bậc 5/7, kinh nghiệm 20 năm làm công nhân ở các công ty thuộc Tập đoàn Vinashin cho biết, anh thường chia sẻ với thanh niên vùng cao xuống đồng bằng làm việc. Thế mạnh của người vùng cao là sức khỏe tốt, leo trèo ở các độ cao thì không ai bằng. Những điểm yếu là sống tập thể không hợp nhau là bỏ về; hoặc gặp công việc gì mới thì đều nói “khó quá, lạ quá”. Vì vậy các bạn phải nỗ lực thì mới bám trụ được với công việc ở miền xuôi.

Gia đình anh Non luôn trở thành “điểm nhìn” của bà con trong thôn, với hy vọng cặp vợ chồng có đến 3 tấm bằng sẽ làm được đột phá. “Cát mà pơ rợ - vẫn chưa có việc làm”, anh Non thường nói với mọi người như thế, trong khi ánh mắt thả rơi về phía mỏm núi A Dách với vẻ mông lung.

Anh Non từng đi lính biên phòng, từng là sinh viên ngành thể dục thể thao và ngành sư phạm, được học nhiều, cộng với sức khỏe và khuôn mặt điển trai, Non kỳ vọng một ngày nào đó sẽ trở thành ngọn cây nhô lên giữa buôn làng.

Tôi kể cho anh Non nghe rất nhiều trường hợp tương tự ở vùng cao tại các địa phương bên cạnh để động viên anh. Ví dụ ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, em trai của ông Hồ Văn Khưn - Bí thư Đảng ủy xã, dù cầm tấm bằng đại học đã 6 năm rồi, nhưng vẫn không được bố trí công việc, vì vị trí công việc ở vùng cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ngồi kể chuyện khởi nghiệp ở vùng cao, tôi cảm nhận không khí trong ngôi nhà này dường như lạnh hơn cả vùng lòng chảo rộng mênh mông nằm ở bên hiên.

Chị Nhoong cho biết, 4 tháng nay mới về thăm gia đình 1 lần. Chị xuống Đà Nẵng làm công nhân cho một công ty thủy sản. Ở khu tập thể, có rất đông công nhân là người vùng cao ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi và là sinh viên ra trường chưa có việc làm. Hiện nay thu nhập mỗi tháng cộng với tiền tăng ca được 6 triệu đồng, nên chị tạm an phận với công việc trái với tấm bằng sư phạm âm nhạc, hệ trung cấp.

Ước mơ nữ hộ sinh

Trên con đường băng qua thôn A Rooi, tôi tìm gặp nhân vật được nhiều bà con ca ngợi và kỳ vọng sẽ hết “cát mà pơ rợ”, đó là chị Pơ Loong Thị Mới, tốt nghiệp chuyên ngành nữ hộ sinh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam.

Anh Pơ Loong Ngol, một người xem chị Mới là ân nhân, tâm sự, cậu con trai được vợ anh sinh đúng vào ngày mưa gió 23/10/2014. Cách đây 10 năm, đường từ thôn A Rooi đến trạm xá ngập trong bùn lầy vì chưa được đổ bê tông. Vậy là anh Ngol đi tìm chị Mới.

Chị Pơ Loong Thị Mới ước mơ được bố trí công việc nữ hộ sinh. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Chị Pơ Loong Thị Mới ước mơ được bố trí công việc nữ hộ sinh. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Chồng của Mới là anh ZơRâm Nhất cứ giãy nảy vì vợ mình không phải “người nhà nước”, chưa xin được biên chế, lỡ nguy hiểm thì sao. Còn chị Mới thì hơi lưỡng lự, sau đó nói rằng, không thể để sản phụ đau quằn quại.

Vậy là chị hỗ trợ cho chị ZơRâm Thị Hới sinh con. Chị Hới sinh khó, nhưng cô nữ hộ sinh vẫn thao tác thành thạo và rất bình tĩnh, cuối cùng một cậu bé trai kháu khỉnh ra đời.

Chị Pơ Loong Thị Mới (sinh năm 1989) kể hoàn cảnh gia đình ở vùng cao thì khó khăn, nhưng cố gắng đi học, nuôi ước mơ khoác áo blouse.

Chị Mới kể: “Năm 2011 đến năm 2013 em xuống Tam Kỳ học chương trình nữ hộ sinh, trong thời gian đi thực hành ở bệnh viện, ca trực từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng, mỗi khi thấy đồng nghiệp ăn khuya và uống một hộp sữa tươi là em không dám nhìn, bởi trong túi không có tiền, bụng thì đói”.

Để trở thành nữ hộ sinh giỏi, Mới cố gắng nghe và ghi nhớ nội dung bài học. Khi đi thực hành, Mới luôn chú tâm hết sức, hỏi thăm cặn kẽ về cách xử lý các tình huống đối với sản phụ, kể cả đối với các trường hợp sản phụ sinh con ở các địa phương vùng cao, điều kiện thiết bị y tế không đầy đủ, nhờ đó Mới được các thầy cô giáo đánh giá rất cao.

Chiều muộn giữa núi rừng, Mới kể chuyện xong vội vã lùa đàn bò và bầy dê về trang trại nằm bên vách núi. Trong cái se lạnh căm căm của núi rừng, nhưng khuôn mặt của Mới vẫn ửng đỏ, ánh mắt và nụ cười hiện ra đường nét của một phụ nữ đầy phúc hậu. Hiện nay con đường bê tông đã vươn tới tận thôn bản, nên Mới động viên chị em nên đi tới trạm y tế khám đúng định kỳ, chủ động tới cơ sở y tế mỗi khi chuyển dạ.

Anh Pơ Loong Hêm gặp tôi và cho biết, gần 10 năm trước, gặp đúng ngày mưa to gió lớn lắm, vợ anh sinh con và gia đình năn nỉ chị Mới sang giúp. Thai bị dính nhau, sinh rất khó, vậy nhưng vẫn được hỗ trợ sinh con thành công, chị Mới giúp đỡ miễn phí cho bà con, nhưng sao giờ này vẫn thất nghiệp - cát mà pơ rợ?

Về quê hay ở phố?

Em BRíu Thị Bé (SN 1999, ở thôn A Tu 2, xã Ch’ơm), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2022, hiện nay em ruột là BRíu Hùng đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Quảng Nam. Là thế hệ Gen Z nên có tầm nhìn khác.

Bé cho biết, mình thuận lợi hơn các anh chị là chưa lập gia đình, nên hiện nay vẫn đi làm tạm thời ở Đà Nẵng và hy vọng sẽ tìm được công việc phù hợp trong tương lai.  

Nhiều bạn trẻ ở xã Ga Ri sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp đã lưỡng lự với ý định ở lại miền xuôi hay trở về quê nhà. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Nhiều bạn trẻ ở xã Ga Ri sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp đã lưỡng lự với ý định ở lại miền xuôi hay trở về quê nhà. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Vừa nhắc chuyện “sinh viên ra trường phải chọn ở lại phố, hay về quê để đi nương rẫy”, anh Zơ Room Nhê (SN 1990) - Trưởng thôn A Rooi, xã Ga Ri nói ngay như sợ trôi mất nỗi niềm canh cánh trong lòng, rằng có nhiều trường hợp lắm, riêng thôn A Rooi đang có 25 em. Có mấy em ra trường sớm thì xếp được việc, như em A Lăng Năm tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, hiện nay giữ chức thôn đội.

Sinh viên vùng cao nên chọn học nghề phù hợp hay cứ phải vào đại học? Mang suy nghĩ này và trong các chuyến công tác đến các huyện vùng cao ở các tỉnh lân cận, tôi bắt gặp thực tế nơi nào cũng giống nhau.

Ông Đinh Ngọc Ước - Bí thư Chi bộ xã An Trung, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ: “Gia đình tôi cho con chọn học chuyên ngành quản lý rừng, vậy nhưng trở về địa phương và vẫn thất nghiệp như nhiều sinh viên khác”. Anh Hồ Tha - Trưởng thôn Ka Óoc, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình thì cho biết, phần lớn em học đại học, trung cấp và khi ra trường đều cố gắng đi làm ở miền xuôi, nếu trở về núi Giăng Màn này thì biết làm cái chi!

Ông Lê Hoàng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Tr’hy (Tây Giang) chia sẻ câu chuyện lo việc làm cho sinh viên vùng cao ra trường. Ông Linh cho biết, địa phương cũng sốt ruột với vấn đề này, nên đã liên kết với các doanh nghiệp để có hướng tuyển dụng lao động ra nước ngoài, hy vọng các em đi bằng con đường đó để sau này mở mang, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở núi hay xuống phố...?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO