Ở rừng phía tây

LÊ XUÂN THỌ 13/02/2016 13:42

1.Trước mặt tôi là “huyền thoại sống” của đại ngàn Tây Giang - già Clâu Nâm. Pơ Ninh (xã Lăng) đang vào xuân. Già Clâu Nâm nhanh chóng đưa chúng tôi vào những câu chuyện cổ của người Cơ Tu. Ở đó, có giai thoại về lập làng, về những mùa rẫy, về những con trăng… Đôi lúc “phiêu” quá, ông kể bằng tiếng Cơ Tu, chúng tôi… khiếu nại, ông cười bẽn lẽn, rồi “chuyển ngữ”! Trên cánh võng, đứa cháu nội của ông không chịu ngủ, mắt chăm chú nhìn ông, như bị ma lực từ giọng kể đều đều của ông lôi đi.

Chuyện sưu tầm, lưu giữ truyện cổ tích Cơ Tu được già Clâu Nâm bắt đầu vào đầu những năm 2000. Khi ấy ông đang làm ở Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang. Nhận thấy số người biết truyện cổ dân gian đang ít đi, mà lớp trẻ lại ít chịu học, thế là ông rủ ông Bh’riu Liếc, nay là Bí thư Huyện ủy Tây Giang cùng tham gia. “Nhưng Liếc nhiều việc quá, không đi được. Già đi những thôn làng xa xôi, có khi mấy ngày trời, rồi ở đó thêm mấy ngày nữa, có khi hơn nửa tháng, để nghe dân kể. Cái bụng già ít chữ quá, nên “bắt” họ kể cho đến lúc già thuộc mới thôi. Bụng Liếc nhiều chữ hơn, nên già về già kể lại cho Liếc ghi, để mà giữ gìn” - già Clâu Nâm tâm sự.

Clâu Nâm với chiếc áo higoong cuối cùng ở Pơ Ninh. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ
Clâu Nâm với chiếc áo higoong cuối cùng ở Pơ Ninh. Ảnh: LÊ XUÂN THỌ

Chiều lòng khách, ông kể câu chuyện cổ tích “Thiện Ngã - Thiện Sát”. Đó là câu chuyện có nội dung tương tự truyện “Tấm Cám” của người Kinh. Bằng tình yêu cùng nỗ lực của chàng trai có tên Con Ếch, cô gái Thiện Ngã đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; rồi 2 người đến được với nhau. Clâu Nâm kết thúc truyện với vẻ đượm buồn. Hỏi mới biết, con cháu ông, lớp trẻ trong làng, không mấy người chịu đọc, chịu nghe ông kể chuyện cổ như lớp trước. Bỗng ông bật cười, kiểu chua xót: “Bọn nó nay mở toàn nhạc lạ huơ, âm thanh thình thịch, điếc cả lỗ tai”. Rồi vào chái nhà, lấy ra chiếc áo higoong - được làm từ vỏ cây rừng, ngậm ngùi: “Đây, chiếc này, là chiếc duy nhất còn lại ở Pơ Ninh đấy, bọn trẻ có chịu học làm theo đâu, mà tôi thì đã già quá rồi”.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc. Ảnh: Alăng Ngước
Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc. Ảnh: Alăng Ngước

2. Về cái “dự án” sưu tầm truyện cổ tích Cơ Tu, ông Liếc cho tôi xem file word bản thảo, bảo rằng đang hoàn thiện, rồi sẽ in sách. Đó là việc cần thiết để gìn giữ truyện cổ tích Cơ Tu, cũng giống như ông và vài cộng sự của mình đã viết vài cuốn sách về đất, con người, văn hóa Cơ Tu trước đó. Ông kể bằng giọng đầy say mê. Hệt như lúc ông kể về rừng pơ mu - ở thời điểm quần thể được công nhận là Cây di sản. Tất nhiên là… có khoe, về chuyện số lượng cây di sản nhiều nhất nước. Nhưng trên hết, là những xúc cảm về việc người dân ở đây ý thức gìn giữ rừng pơ mu, nó đủ để ông giấu nhẹm “công lao” của mình đối với quần thể pơ mu đầy kiêu hãnh.

Tôi biết được điều này, sau chuyến đi đến thôn A Rầng 1, xã A Xan. Hôm ấy, tôi gặp già Pơloong Jim và hỏi đường vào rừng pơ mu. Mắt già Jim sáng lên, thành thật: “Người làng mình, rồi cả A Rầng 2 và Ganil nữa, gọi rừng pơ mu là rừng pơ mu của Liếc”. Tôi hỏi vì sao thế, già Jim thủng thẳng: “Thì Liếc nó kêu gọi mọi người giữ rừng, xin rừng được là di sản. Người mình nghe lời Liếc, không chặt phá pơ mu đâu, phải giữ cho con cháu”. Sau mới biết, những lần về làng, Bh’riu Liếc như đứa con trở về với núi. Dẹp áo mũ quan trường sang một bên. Những người lớn, hoặc ngang hàng với Bh’riu Liếc, gọi ông vẻn vẹn bằng “Liếc” hoặc dùng từ phiếm chỉ “nó”, rất gần gũi. Thời buổi này, quan gần gũi trong mắt dân, được bao nhiêu người?

LÊ XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở rừng phía tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO