(Xuân Nhâm Dần) - Khởi đầu từ giấc mơ xây dựng trên vùng đất nghèo một trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô của người đứng đầu Tập đoàn THACO - Trường Hải, giờ đây Khu công nghiệp THACO Chu Lai không chỉ hiện diện những nhà máy ô tô hiện đại mà đã trở thành hệ sinh thái đa ngành, sẵn sàng hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới. THACO Chu Lai cũng trở thành cánh chim đầu đàn của công nghiệp Quảng Nam.
Lựa chọn táo bạo
Ít ai biết rằng, THACO đến với Chu Lai là “mối lương duyên đặc biệt”. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai với chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư để phát triển công nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh khi ấy gồm ông Vũ Ngọc Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh đã vào Nam gặp gỡ các doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư vào Chu Lai. Và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO đã nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh về Chu Lai khảo sát đầu tư.
Nhờ THACO Chu Lai mà chúng tôi có được ý tưởng, nguồn lực để phát triển THACO trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
(Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO)
Ông Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhớ lại: "Thời điểm đó tôi làm Bí thư Huyện ủy Núi Thành. Sau khi đi khảo sát toàn bộ Chu Lai, anh Dương nhận thấy đây là vùng đất để phát triển công nghiệp ô tô với nhiều lợi thế.
Trước hết là lợi thế về mặt bằng. Lúc bấy giờ trong Nam không thể nào tìm được mặt bằng như Chu Lai để phát triển. Hai là cơ chế Chu Lai lúc đó vượt trội, thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư lớn. Thứ ba là nguồn nhân lực. Nghe anh Dương nói tôi có thể nhìn thấy niềm tin vào quyết tâm trong con người anh".
Và quyết định gắn bó với Chu Lai của người đứng đầu THACO là một quyết định có tính lịch sử, không chỉ mang ý nghĩa mở đường cho sự phát triển của chính THACO mà còn cho Quảng Nam và ngành công nghiệp ô tô của đất nước.
Ông Trần Bá Dương nói: "Tôi luôn thèm khát kinh doanh minh bạch, thể hiện lao động, sáng tạo và khao khát kinh tế đất nước hội nhập để doanh nhân Việt thực thi khát vọng một cách sòng phẳng. Điều đó tạo cho tôi ý chí để tôi ra Chu Lai - vùng đất lúc đó có thể gọi là khô cằn và thiếu thốn mọi thứ.
Nhưng tôi làm một chiến lược, mục tiêu xây dựng khu công nghiệp sản xuất ô tô tập trung mà ngay cả một số nước cũng chưa có quy hoạch. Hoặc không làm hoặc làm lớn, đón đầu hội nhập.
Chọn Chu Lai là quyết định táo bạo, nhưng là một xu thế tất yếu, khi tôi nghiên cứu tất cả nhà máy sản xuất ô tô trên thế giới, đều là những nơi khó khăn nhưng con người có ý chí, nghị lực, có khiếu với công nghiệp".
Năm 2003, THACO được cấp phép đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Cũng trong năm, nhà máy sản xuất và lắp ráp xe tải, xe bus đầu tiên được khởi công trên diện tích gần 38ha, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, công suất 25.000 xe/năm. Đội ngũ nhân sự buổi đầu hơn 500 người.
Năm 2004, nhà máy đi vào hoạt động với hệ thống dây chuyền hiện đại bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ, những chiếc xe tải đầu tiên được xuất xưởng, đến với khách hàng trên cả nước.
Hình thành hệ sinh thái đa ngành
“Đại bản doanh” của Trường Hải - THACO tại Chu Lai ngày càng mở rộng. Từ năm 2003 đến nay, THACO đã đầu tư phát triển Khu công nghiệp THACO Chu Lai với diện tích hơn 1.280ha, tổng vốn 80.500 tỷ đồng, gồm 35 công ty, đơn vị và hơn 9.700 nhân sự. THACO trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam lắp ráp đầy đủ chủng loại xe: tải, bus và du lịch.
Để hội nhập sâu rộng và trước xu thế thay đổi công nghệ với tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2017 đến nay, THACO đã mở rộng khu công nghiệp cơ khí và ô tô; đầu tư mới và nâng cấp toàn bộ các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện phụ tùng và cơ khí theo hướng tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành Trong đó, có những nhà máy được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á như Thaco Mazda, Bus Thaco…
Ngay từ đầu, THACO xây dựng chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe của THACO đạt bình quân 25% đối với xe con, 45% đối với xe tải và hơn 60% đối với xe khách. Và đến nay đã thành lập Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ - THACO Industries để đóng góp phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của đất nước.
Sau hành trình tạo dựng nền tảng, THACO xây dựng chiến lược phát triển mới, trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của đất nước: ô tô, nông nghiệp, cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, logistics, đầu tư - xây dựng và thương mại - dịch vụ có tính bổ trợ và tích hợp cao theo xu thế hội nhập quốc tế và số hóa.
Và tại Chu Lai, từ một trung tâm công nghiệp thuần túy về ô tô, bước vào giai đoạn phát triển mới, THACO Chu Lai đã được nâng cấp để trở thành hệ sinh thái đa ngành với tầm vóc lớn hơn.
Giải bài toán logistics
Để giải quyết “điểm nghẽn” về giao nhận - vận chuyển, chủ động và tiết giảm chi phí trong vận chuyển linh kiện, ô tô thành phẩm của THACO, từ năm 2005, ông Trần Bá Dương đã có một quyết định rất táo bạo: đầu tư tàu container và phát triển hoạt động logistics.
Sau khi thành lập các công ty vận tải biển và vận tải đường bộ, năm 2010, THACO xây dựng cảng Chu Lai trên diện tích quy hoạch 173ha, công suất 4 triệu tấn/năm. Năm 2012, cảng khánh thành, đưa vào hoạt động. Đây là công trình đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực giao nhận - vận chuyển tại Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Gắn cảng biển với vận tải đa phương thức, THACO bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển logistics với chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọn gói (gồm vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng, kho bãi), vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển của THACO vừa phục vụ các nhà đầu tư tại miền Trung.
Năm 2020, Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) được thành lập. Hiện THACO đang đầu tư bến cảng mới để đón tàu trọng tải đến 5 vạn tấn, từng bước phát triển cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ kết nối trong nước và quốc tế.
"Trong phát triển đa ngành của THACO, Chu Lai là một căn cứ có đủ tất cả ngành nghề của tập đoàn. Nhờ THACO Chu Lai mà chúng tôi có được những ý tưởng, những nguồn lực để phát triển THACO từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam” - ông Trần Bá Dương nói.