Ốc bươu vàng hoành hành hại lúa đông xuân

H.LIÊN - M.PHƯỜNG 22/01/2017 16:46

(QNO) - Thời điểm này, cây lúa non sau gieo sạ đang trong thời kỳ phát triển ổn định, song tại một số vùng ở Đại Lộc, nạn ốc bươu vàng hoành hành khiến hàng chục héc ta lúa bị thiệt hại nặng nề, nông dân vùng lũ lại gặp khó chồng khó.

Hoành hành diện rộng

Cây lúa non hiện chừng 20 ngày tuổi, đang ở thời kỳ phát triển mạnh, đẻ nhánh sinh sôi. Song, tại các cánh đồng vùng trũng thấp, những cánh đồng nằm sát các ao hồ lại đối diện với nạn ốc bươu vàng sinh sôi, tàn phá. Thiệt hại nặng nề nhất là một số vùng trũng thấp ở các xã vùng B và rải rác ở một số cánh đồng của xã Đại Nghĩa, Đại Thạnh khiến nông dân rầu lòng.

Phong trào
Phong trào "bắt ốc bươu vàng" được người dân hưởng ứng song vẫn không cách gì tiêu diệt triệt để bởi loài này sinh trưởng nhanh, mạnh. Ảnh: LIÊN PHƯỜNG

Các cánh đồng thôn Hanh Đông, Hanh Tây, Tây Lễ, Mỹ Lễ của xã Đại Thạnh là nơi ốc bươu vàng sinh sôi mạnh. Ở những chân ruộng Bờ Mây, Cây Bứa, Bờ Chậu, Trục Cầu thuộc thôn Hanh Đông, bà con phải tiến hành gieo sạ lại đợt hai vì nhiều thửa ruộng bỗng thoắt trống huơ trống hoắc vì lúa non đã bị ốc ăn sạch. Nhiều người đỏ mắt tìm giống gieo sạ trở lại, có hộ đành chấp nhận sạ lại giống trôi nổi trên thị trường trong nỗi lo lắng; có hộ bỏ công lội vài ngày trời đi xin mạ, rồi cấy lại toàn bộ diện tích đã mất trắng.

Gia đình ông Trần Giá (thôn Hanh Đông) có 5 sào ruộng, khi cây lúa được 15cm thì ốc bươu đã tàn phá hết 3 sào. Gia đình ông Giá mặc dù đã dùng đủ loại thuốc để trừ khử ốc song vẫn không diệt được tận gốc, ngược lại ốc bươu có chiều hướng phát triển mạnh hơn. “Nghe nói phải dùng thuốc trộn với đất để rải trên ruộng, tôi cũng làm song chẳng thấy hiệu quả. Cứ 2-3 ngày tôi mang bình phun, song phun rồi vài ngày sau lại thấy cây lúa lần lượt mất dấu” - ông Giá ngao ngán.

Cũng như ông Giá, hộ ông Nguyễn Mười (thôn Hanh Tây) cũng dở khóc dở cười khi 3 sào ruộng ông đã xuống giống, chăm bẵm xanh tốt đã bị ốc phá hoại hết một nửa. “Chưa vụ nào mà ốc bươu vàng nhiều và gây hại lớn như vụ này. Hôm sạ xong chúng đã cắn phá rồi nhưng mức độ không ghê gớm như hiện nay. Chúng tôi vận động gia đình và người dân lân cận bắt ốc song không xuể vì quá nhiều” - ông Mười nói.

Tại cánh đồng Bàu Lùng, cánh đồng thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, có hàng chục hộ bị thiệt hại do ốc cắn phá lúa với diện tích lớn, 1-3 sào. Ví như, hộ bà Nguyễn Thị Hiếu (thôn Phiếm Ái 2) gieo sạ trên tổng diện tích 2 sào tại cánh đồng Bàu Lùng thì cả 2 sào đã bị ốc cắn phá, phải mua giống trôi nổi ủ gieo sạ trở lại. Cùng trên cánh đồng này, hộ bà Đặng Thị Đẩu gieo sạ hơn 1 sào lúa nhưng 3-4 ngày qua phải nhọc công đi tìm mạ để cấy dặm phần ốc đã phá sạch. Cạnh đó, bà Lê Thị Á bị thiệt hại gần 2 sào, phải kêu người và bỏ công xin mạ cấy dặm cả 4 ngày nay. Hộ ông Trần Nớp (thôn Đại Phú), hộ bà Mai Thị Lược (thôn Mỹ Liên) cũng nằm trong số hộ phải khổ sở gieo sạ lại từ đầu bởi nạn ốc hoành hành.

Khó tiêu diệt tận gốc

Tại các cánh đồng trũng thấp, gần ao hồ, kênh rạch này, theo nhận định chung của người dân, chưa năm nào ốc bươu vàng hoành hành và sinh sôi mạnh như năm nay. Nguyên nhân được cho rằng ốc bươu vàng là loài ăn tạp, có sự thích nghi cao với môi trường sống, ốc trưởng thành và ấu trùng có thể sống sót trong điều kiện khô hạn, trú ngụ dưới những bờ thửa, ao hồ, những vết chân chim nứt nẻ trên đồng. Hơn nữa, thời điểm này là dịp thuận lợi để ốc sinh sôi khi vụ mùa bắt đầu, nước bắt đầu về trên những cánh đồng tạo thuận lợi cho bà con gieo sạ. Cũng vì lẽ đó mà ốc có điều kiện sinh sôi mạnh. Nhiều người ngỡ ngàng không biết nguyên nhân và cách thức xử lý, số khác tốn tiền của mua thuốc hột, mua thuốc hóa học để phun song vẫn không thấy hiệu quả. Số bỏ công sức đi bắt ốc, diệt trứng ốc nhưng cũng “lực bất tòng tâm” khi ốc sinh trưởng quá mạnh và lớn nhanh như thổi. 

Những chân ruộng bỗng trống huơ vì toàn bộ lúa non đã bị ốc bươu vàng cắn phá. Ảnh: LIÊN PHƯỜNG
Những chân ruộng bỗng trống huơ vì toàn bộ lúa non đã bị ốc bươu vàng cắn phá. Ảnh: LIÊN PHƯỜNG

Trường hợp trên cánh đồng Bàu Lùng, xã Đại Nghĩa, người dân khổ sở khi nhiều chân ruộng ốc bám dày đặc, trứng ốc, ấu trùng ốc, ốc con lởm chởm trên mặt ruộng nhìn xa tựa như hạt lúa nẩy nầm. Bà Đặng Thị Đấu nói: “Ốc nhiều và lớn nhanh như thổi. Mới hôm trước còn thấy trứng ốc đỏ nằm đầy đồng, gieo sạ dẫm phải trứng ốc là thường, nhưng vài hôm thì thấy ốc con nằm la liệt đã bằng hạt lúa rồi. Kiểu này vài bữa nữa chúng lớn lên thì không kiểu gì lượm hết được”… Còn theo ông Phan Văn Nhược - Trưởng thôn Hanh Đông, xã Đại Thạnh hiện đã hơn 50% diện tích lúa của bà con trong thôn bị ốc tấn công trở thành cánh đồng trơ trọi và người dân đang thiếu mạ cấy bổ sung nghiêm trọng. Để hạn chế sự lây lan trên diện rộng, chính quyền thôn đã khuyến cáo người dân thường xuyên bắt ốc trưởng thành, thu trứng để tiêu hủy nhằm hạn chế sự phát tán. Chính quyền cũng khuyến cáo bà con nên sử dụng biện pháp thủ công và hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học quá mức.

Phong trào “ra quân diệt ốc bươu vàng” hiện đã được nhiều người dân xã Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân, Đại Hòa… hưởng ứng mạnh mẽ để cứu những diện tích cây lúa còn lại. Lão nông Võ Đình Bá (72 tuổi, thôn Bộ Bắc, xã Đại Hòa) những ngày này hì hục cùng gia đình đi bắt ốc. Nhiều người sửng sốt khi thấy đàn ốc bươu vàng to bằng mấy ngón tay cái nằm lởm chởm trên đồng ruộng. “Cả làng, cả xã đều phải bắt ốc, vừa bắt vừa phun mà chẳng đỡ tí nào. Ốc phát triển nhanh, sức người bắt không xuể. Số lượng ốc trên đồng ruộng năm nay phải nhiều gấp mấy lần so với những vụ trước và mức độ tàn phá cũng nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng tôi mong nhà nước, các nhà khoa học có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân chứ kiểu này mất mùa có thể xảy ra” - lão nông Võ Đình Bá chia sẻ. Đáng nói, từ phong trào bắt ốc này, số lượng ốc thu gom mỗi ngày lên tới hàng tạ, loại sinh vật này nhiều người chẳng dám ăn, chỉ xử lý bằng cách đập vỏ lấy phần ruột để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Phần còn lại vứt trên các cánh đồng, đường bê tông bốc mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường…

Theo đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, tình trạng ốc sinh sôi và phát triển mạnh tập trung cá biệt ở một số vùng đúng như người dân phản ánh. Ngay khi nhận thông tin từ địa phương, cách đây một tuần, phòng đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật huyện và các địa phương tiến hành khoanh vùng, không để lây lan; đồng thời phát động phong trào “bắt ốc bươu vàng”, thu lấy trứng để tiêu hủy bảo vệ đồng ruộng. Trạm Bảo vệ thực vật huyện đang tích cực phối hợp với bà con tìm cách thức xử lý triệt để, kết hợp cả phương thức bắt ốc lẫn phun thuốc tiêu diệt.  

H.LIÊN - M.PHƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ốc bươu vàng hoành hành hại lúa đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO