Ốc đá, măng rừng “kết bạn” với nhau trong thực đơn của người vùng cao, trở thành món ăn dân dã đãi khách phương xa, cái “duyên rừng”đậm đà, lạ miệng ấy đã khiến biết bao thực khách miền xuôi đâm ghiền.
Mùa mưa, người dân ở các huyện miền núi như Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My… thường hái măng rừng về để chế biến các món ăn và đem xuống chợ bán. Sau những cơn mưa, đất ẩm, măng rừng đội đất nhô lên. Hiện nay, lợi nhuận kinh tế từ keo lá tràm khá lớn nên cây tre rừng bị chặt bỏ, thiêu rụi tận gốc, tre chỉ còn mọc dọc theo bờ sông, bờ suối. Sông, suối cũng chính là nơi trú ngụ sinh sôi nảy nở của ốc đá. Ốc có màu đen chuyên bám vào đá nên người ta gọi là ốc đá. Thời điểm để bắt ốc lý tưởng nhất là vào sáng sớm và ban đêm, bởi thời gian này ốc vào bờ kiếm ăn. Những đêm trăng sáng, sau đợt mưa dông, ốc càng nhiều hơn ngày thường. Ốc bám dày đặc trên đá, người bắt cứ thế mà lượm. Ốc bắt về chà sạch, ngâm với nước vo gạo vài giờ, chặt đuôi, thế là xong khâu chuẩn bị. Ốc đá có thể chế biến được nhiều món khá hấp dẫn như ốc xào sả, cháo ốc…
Ốc đá, măng rừng là món ăn dân dã mang “duyên rừng” đậm đà, lạ miệng.Ảnh: THIÊN NGA |
Măng rừng sau khi hái về, bóc vỏ cứng bên ngoài, giữ lại phần thân mềm, xắt lát tròn mỏng, ngâm nước xong, rửa sạch. Bỏ măng vào nồi, đổ nước xâm xấp, bắt lên bếp nấu cho đến khi nước sôi vồng rồi đổ măng ra rổ. Khi luộc không đậy nắp nồi để giảm bớt vị đắng của măng. Măng rừng cũng như ốc đá, có thể chế biến được nhiều món. Cách ăn đơn giản nhất là măng rừng luộc chấm muối ớt xanh. Sau vị đắng nhẩn với những ai lần đầu thưởng thức là vị ngọt mát, tê tê cay nồng của ớt rừng đọng nơi đầu lưỡi. Nhưng có lẽ, độc đáo và có vị lạ nhất vẫn là sự kết hợp giữa ốc đá và măng rừng, tạo nên cái “duyên rừng” đậm đà.
Sau các khâu chuẩn bị nguyên liệu như đã nói ở trên, bắt nồi khử hành phi, sau đó đổ cả ốc và măng đã luộc vào cùng lúc, trộn đều, nêm muối, rồi đổ nước vào, chờ đến khi nước sôi khoảng 2 phút, nhắc xuống nêm ít bột ngọt hoặc đường tùy sở thích, thêm một ít rau xanh như bồ ngót, lá lốt. Theo người dân địa phương, món ốc đá, măng rừng không dùng nhiều gia vị, càng ít gia vị, món ăn càng ngon và mang hương vị riêng. Cái mùi hăng, vị ngọt xen lẫn vị đắng của măng rừng kết hợp với vị béo ngọt của ốc đá thì không lẫn vào đâu được. Chưa hết, măng rừng khi ăn nghe giòn tan trong miệng tạo cảm giác thích thú. Hương vị đậm đà, lạ miệng của món ăn thuần khiết núi rừng này trong khung cảnh ấm áp của bếp lửa sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên với thực khách miền xuôi.
THIÊN NGA