Ốc đảo bơ vơ...

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT 03/11/2016 08:45

Một vùng đất kỳ lạ, 3 mặt đều giáp sông và biển, chỗ tiếp nối với đất liền duy nhất cũng phải băng qua một con lạch. Đó là ốc đảo Xuân Mỹ của xã đảo Tam Hải (Núi Thành), mùa này như chơ vơ giữa bốn bề sông nước...

Giữa bốn bề sông nước

Tôi trở lại Xuân Mỹ vào một ngày trời mưa như trút nước, ốc đảo đang bị cô lập, quạnh quẽ hơn bao giờ hết. Cả thôn thưa vắng, chỉ có dăm ba ngôi nhà hé cửa. Ông Huỳnh Văn Hà lò dò mở cửa mang mớ lưới bước sang ngôi nhà bên cạnh. Gia đình ông Hà có 4 nhân khẩu, 2 con mải mê lập nghiệp tận miền Nam, ở nhà bó gối nhìn trời mưa cũng buồn, ông sang nhà hàng xóm cùng đan lưới vừa tán gẫu, một công đôi việc. Tại nhà ông Lê Văn Tỵ, ông Hà thoăn thoắt đan vá, kể về cuộc mưu sinh. “Ở đây chỉ có 2 nghề, một là nuôi tôm, nuôi hàu còn lại là đánh bắt thủy, hải sản. Nghề nào cũng cơ cực. Nước chảy, thoi đưa… rồi cũng một phận đời” - ông Hà nói. Câu chuyện chậm rãi, trầm buồn, giăng mắc như trận mưa tối trời tối đất. Vụ cá chính, ông Hà làm “bạn” cho các tàu lưới vây trên địa bàn Tam Hải, chuyến được thì chia, chuyến mất thì… huề vốn, vì không phải chịu phí tổn nên coi như được “bao ăn ở” trên tàu. Tàu cá mà ông Hà theo làm bạn biển chỉ có công suất 90CV, nghề lưới vây ngày thì được chăng hay chớ. Đắp đổi qua ngày vậy mà 2 vợ chồng ông Hà cũng chắt chiu, dành dụm, chạy vạy nuôi 2 con ăn học đàng hoàng. “Kệ, đâu rồi cũng vào đấy, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Hôm nay mình chạy qua mượn lon gạo thì cũng có khi láng giềng hỏi mượn dăm đồng. Có qua có lại, nghèo mà đùm bọc lấy nhau cũng thỏa lòng” - ông Hà nói.

Ông Huỳnh Văn Hà, ông Lê Văn Tỵ đan lưới làm rớ.
Ông Huỳnh Văn Hà, ông Lê Văn Tỵ đan lưới làm rớ.

Cùng hoàn cảnh, ông Tỵ thân với ông Hà như anh em ruột trong nhà, có chi cũng trao qua đổi lại. Ông Tỵ cũng đi làm bạn biển cho chủ tàu cá ở xã, cứ đến mùa biển động là 2 ông rủ nhau ra sông Trường Giang làm rớ. Khoảng đầu tháng 11 hằng năm là ông Tỵ, ông Hà giăng cột tre giữa lòng Trường Giang. Ở cái khu vực Cửa Lở là nơi giao nhau của dòng mặn từ biển vào và dòng ngọt từ sông ra nên cá tôm tụ nhiều. Nhiều bữa, thu được dăm ba ký tôm đất bán cũng được tiền. Mùa này khan hiếm hàng thủy sản nên nhiều khi cũng dư dôi, dành dụm có đồng ra đồng vô, phải không trong thôn xóm. Đêm tối, họ treo đèn sáng rực, lấp lóe dẫn dụ cá tôm. Rớ quay đơn giản chỉ gồm 4 thân tre dài buộc lấy nhau có gắn tấm lưới dài và dày để vơ lấy cá tôm. “Mỗi lần hạ và cất rớ bắt cá tôm chỉ mất chừng mươi hay mười lăm phút, nhiều thành viên tụ lấy nhau vây cá, nom rất rộn rã. Lúc trúng, cá, tôm quẫy tung tóe, lấp lóa ánh bạc, rất bắt mắt, chúng tôi chỉ trông có đó để xua đi cảnh ngủ gà ngủ gật” - ông Tỵ nói.

Nhà tránh bão lụt che chở cho người dân qua mùa biển động. Ảnh: N.Q.V
Nhà tránh bão lụt che chở cho người dân qua mùa biển động. Ảnh: N.Q.V

Trận mưa đầu mùa biển động khiến không gian thôn Xuân Mỹ vốn nhỏ như càng thêm bé lại. Làng xóm vắng hơ vắng hắt. Bà Huỳnh Thị Hạnh - Phó Trưởng thôn Xuân Mỹ cho biết, địa phương có 70 hộ nhưng chỉ có chừng 150 nhân khẩu thường trú. Làng nghèo khó, tách biệt nên hầu như chỉ có người già mới gắn bó, tụi trẻ thênh thang tìm chân trời mới tận đẩu đâu, lắm khi lễ tết trở về rồi lại mong sớm ra đi. Bà Hạnh người nhỏ gầy, chừng 60 tuổi, lam lũ, chỉ xa rời làng quê khi phải đi họp hành nơi trung tâm xã đảo. Bà bảo, Xuân Mỹ là thôn 4 trước đây, sát với đất liền thôn Bình Trung cũng thuộc Cửa Lở. Cách đây vài chục năm, từ Xuân Mỹ đến trung tâm xã đi bằng đường đất nối liền, không tốn công, tốn sức và cơ cực như bây giờ. Đúng như tên dân gian Cửa Lở, biển ngày một ăn sâu vào đất liền đã cắt đứt thôn Xuân Mỹ với các thôn khác, vì thế mà làng quê này trông bơ vơ giữa bốn bề sông nước.

Cái nghèo đèo cái khó

Theo bà Huỳnh Thị Hạnh, thôn Xuân Mỹ có 70 hộ thì có đến 30 hộ nghèo. Đời sống của người dân rất bấp bênh do kinh tế không ổn định. Ở vụ chính, ngư dân đi biển nhưng chỉ làm “bạn” cho các chủ tàu công suất nhỏ nên chỉ hoạt động ở tuyến lộng và ven bờ, hiệu quả kinh tế thu được thấp. Còn mùa biển động, không đi biển được, đánh bắt thủy sản ở sông Trường Giang cũng khó khăn, có khi cả tuần gặp gió giật mạnh, không người dân nào đi rớ được.

Hòa Bình là thôn hẻo lánh nhất của vùng đất Tam Hòa (Núi Thành). Từ đây muốn đến được Xuân Mỹ phải băng qua 2 cây cầu nối liền 2 con lạch dài hơn 100m. Bà Hạnh bảo, 1 cây mới xây xong, nghiệm thu, bàn giao để thôn đưa vào sử dụng cách đây mấy tháng. Cây cầu còn lại được Ngân hàng Thế giới tài trợ, sử dụng từ năm 2009 đến nay. “Nếu không có 2 cây cầu này thì người dân phải chèo ghe để đi. Khi lạch cạn nước vào mùa khô thì mọi người í ới gọi nhau khiêng xe đạp, xe máy lội qua để mà có phương tiện đi vào đất liền” - bà Hạnh nói. Đó là con đường bộ duy nhất, vào đến Tam Hòa, phải qua một cây cầu khác nối 2 bờ sông Trường Giang thì người dân Xuân Mỹ mới có thể đến được quốc lộ 1. Từ ốc đảo Xuân Mỹ muốn đến được trung tâm xã đảo Tam Hải phải đi bằng đò, mất chừng nửa tiếng đồng hồ. Ở Xuân Mỹ, bến đò vắng lặng, trông đìu hiu như phận chồng hờ. Thưa vắng, không dễ chi có lượt người qua trung tâm xã đảo nên con thuyền nằm bó gối nơi bến bãi. Người chèo đò ngẩn ngơ trong giây lát khi tôi hỏi, như vừa mới giật mình. “Năm khi mười bận mới có người qua bển (trung tâm xã đảo). Người dân ở đây quen rồi, chỉ khi có chứng giấy chứng tờ thì mới qua thôi, họ không muốn rời xa nơi này” - ông lái đò nói. Tôi hỏi tên, ông lim dim mắt, trả lời là phận vô danh nơi hẻo lánh, có như không, hư vô như gió, như nước cứ vồ vập vào nơi này.

Mùa biển động, mọi sinh hoạt ở Xuân Mỹ càng thưa vắng hơn. Mấy đầm tôm trơ trọi trong gió, trong mưa, chẳng mấy ai đoái hoài. Quan tâm cũng vậy thôi, có mấy ai khấm khá từ nuôi tôm tự phát, nhỏ lẻ đâu. Gió ràn rạt từ biển thốc vào, ngay đến trưa mà mọi người cũng chỉ ơ hờ nhóm bếp. Bụi, khói quyện trong mưa, trong gió vẽ vào không trung cái màu xám xịt không thể định hình. Bà Hạnh bảo, ở đây thiếu thốn đủ thứ. Ngay như nước sạch sinh hoạt cũng không có. Trước đây toàn thôn có giếng chung cho cả làng thì đã khô kiệt từ mấy năm nay rồi. Lắm khi người dân phải ôm đồm mang áo quần ra sông giặt giũ. Nước uống thì tiết kiệm từng giọt, mỗi bình nước có giá bán cao so với mặt bằng, mà đi lại vất vả quá nên ai cũng dùng dè dặt. “Trước đây có đường dẫn ống nước sinh hoạt từ thôn Hòa Bình sang cung cấp cho nhu cầu tối thiểu của người dân nơi đây. Bẵng đi mấy năm nay thì bên đó họ cắt vì thiếu nước nghiêm trọng. Cái chi cũng thiếu thốn mà có của để đâu mà mua được nước sinh hoạt về dùng” - bà Hạnh nói.

Ở ốc đảo Xuân Mỹ, cái sự học hành của con em còn khó hơn gấp bội. Trong thôn có 2 dãy phòng học nhưng đã bỏ hoang từ lâu, bàn ghế chỏng chơ, cửa kính tanh bành. Ông Huỳnh Văn Hòa, nguyên là Phó Trưởng thôn này cho biết, phòng học xây xong thì thiếu giáo viên đứng lớp. Không một giáo viên nào muốn gắn bó với sự nghiệp trồng người ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Nghe đâu, số học sinh quá ít ỏi mà giáo viên chẳng mặn mà giữ lớp nên… thôi. Hàng ngày, số học sinh tiểu học và THCS của thôn Xuân Mỹ phải xin qua tá túc ở xã Tam Hòa học hành. Còn học sinh cấp ba phải khăn gói lên thị trấn Núi Thành ở trọ, theo đuổi con chữ. Ông Hòa cho rằng, do gia cảnh quá khó khăn nên không có nhiều học sinh ở đây học hành đến nơi đến chốn. “Muốn đổi thay ở vùng đất này thì con cái phải học hành cho đường hoàng, đỗ đạt, đi làm dành dụm về xây dựng quê hương. Nói là vậy nhưng học sinh ở đây ít có em nào quyết chí như vậy. Có một số tốt nghiệp đại học mà không thể xoay xở được việc làm cũng về quê sống tạm bợ, tội nghiệp lắm” - ông Hòa nói.

Cái nghèo đèo cái khó, cái khó bó cái khôn, nhịp sống ở ốc đảo Xuân Mỹ chẳng đổi thay mấy trong vòng 10 năm qua dù hạ tầng đã được Nhà nước bổ sung xây dựng. Sức bật không có, gánh nặng cơm áo bủa vây. Bà Hạnh nói: “Khổ lắm, sống ở đây, chết cũng ở đây. May mà còn có quê hương sum vầy, lá rành đùm lá rách”. Trong cơn mưa dằng dặc, bà Hạnh chỉ ra ngôi nhà 2 tầng được Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam tài trợ xây dựng bề thế vào năm 2012, nói: “Mùa biển động rồi, thiên tai ùa ập tứ phía, bão có, lụt có, ngôi nhà tránh bão lụt đó cưu mang các phận người ở đây. Cứ qua bão bùng là mùa xuân trở về mà”. Tôi chờ cho cơn mưa tạnh hạt để chụp tấm ảnh rồi trở về trong nỗi canh cánh về cuộc sống đang còn rất bấp bênh của nhiều người nơi ốc đảo Xuân Mỹ.

Ghi chép của NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ốc đảo bơ vơ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO