Sống trên ốc đảo, bốn bề là sông, đời sống người dân Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành) như con thuyền lênh đênh theo con nước. Chuyện vui - buồn, sướng - khổ thường ngày hay cả những nỗi lo hiện hữu trên từng gương mặt già, trẻ cũng từ chuyện nước nôi, đi lại. Đây vẫn đang là nút thắt chính quyền chưa thể tháo gỡ.
Sống nhờ nước mưa
Thu gom xô, chậu, lu nhựa đựng nước xếp dày dưới máng xối, ông Phạm Văn Quảng (67 tuổi, thôn Long Thạnh Tây) cẩn thận đổ nước vào bể chứa trước sân, chắt chiu từng giọt. Lớp cặn dưới đáy bể cuộn lên, lăng quăng hỗn loạn trong nước.
Ông Quảng vội giải thích, mấy ngày rồi mưa lớn, ông tranh thủ mở bể hứng nước mưa, chưa kịp đậy nên muỗi đẻ trứng. Chừ nắng ráo, nước đầy bể nên ra đậy kín, ít hôm là hết lăng quăng.
“Chừng ni nước thì uống cũng vài tuần, vô tiết nắng là cả một gia tài” - thấy tôi còn ngơ ngác, ông Quảng nói tiếp: “Cả làng này đều vậy. Đợi cặn lắng xuống, mang nước mưa vô lọc là dùng vô tư. Chứ không hứng, không trữ, không lọc nước mưa thì dân chẳng biết đào đâu ra nước để dùng mùa nắng. Nước máy bơm hút lên thì phèn, nhưng cũng chỉ bơm được mùa mưa hay đầu mùa nắng. Còn tầm tháng 5 trở đi, nắng gắt thì chịu thua, bơm lên toàn gặp nước mặn”.
Chỉ tay về hướng sau nhà, ông Quảng giới thiệu về một “nguồn sống” khác. Đó là cái giếng làng được người dân đóng năm 1975, là giếng duy nhất còn sử dụng đến ngày nay. Mùa nắng, xách được nước giếng là cả quá trình chật vật…
“Ngó quanh làng này, nhà có thể thiếu đủ thứ nhưng xe đẩy, xô và gàu xách nước là phải có. Mọi năm, càng vào hạ thì nước giếng cạn dần. Thử nghĩ, cả làng khoảng 80 hộ thì một cái giếng nhỏ sao đủ dùng? Người người xếp hàng dài, canh giữ cả đêm, bỏ công ăn chuyện làm, chờ nước rỉ ra là tranh thủ múc.
Tiếng xe đẩy nước rột roạt cả đêm, cả ngày. Rồi cũng chỉ xách được ít ngày, nắng hạn thì giếng cũng nhiễm mặn… Chắt chiu từng giọt nhưng nước giếng chỉ để tắm tưới vì phèn đóng lớp. Ăn uống vẫn phải dùng nước mưa” - ông Quảng nói.
Giếng làng mà ông Quảng nhắc đến cách cổng thôn Long Thạnh Tây chừng 200m. Thời điểm này giếng vẫn “bình yên”. Bà Đinh Thị Mẹo đi ngang, nhìn xuống giếng, buộc miệng: “Ngó nước đầy rứa, chứ chừng mấy nắng nữa là khô chừ”.
Như lời bà Mẹo, dân ở đây lạ đời lắm, mùa này cứ trông cho mưa. Mưa càng to nỗi lo càng giảm. “Chưa thấy ở mô khổ vì nước như ở đây. Mùa nắng, dùng nước gọi là tằn tiện chứ không phải tiết kiệm” – bà Mẹo nói.
Nước mưa dự trữ hết, giếng cạn, người dân Long Thạnh Tây bắt đầu phương án cuối: vượt sông chở nước. Nhà nào có thuyền to, chất thùng phuy, chạy xuống tận bến phà Tam Hải để mua. Sau đó chở về, bơm lại lên nhà. Vất vả, tốn kém nhưng họ chấp nhận, vì không còn cách nào khác.
Đò giang cách trở
Bình yên có lẽ là thứ Long Thạnh Tây dư giả nhất, trở thành hấp lực để những người thích xê dịch như tôi thường lui tới. Nhưng mỗi lần đi là thấm thía cảnh lụy đò. Còn nhớ năm trước, 2 chuyến qua ốc đảo này, một chuyến thuê ghe máy của người dân Tam Giang, còn một chuyến đi nhờ chiếc phà chở vật liệu xây dựng.
Chuyến này tôi quá giang chiếc ghe chèo của ông Lê Tấn Ích - người trước đây là Thôn trưởng thôn Long Thạnh Tây. Ông Ích sang sông chở đứa cháu gái cuối tuần về quê nội chơi. Chiếc ghe nhỏ chòng chành giữa sóng nước mênh mông.
Vừa chèo, ông Ích vừa thở dài: “Dân ở đây sướng hay khổ cũng do nước. Nước cho tôm, cá, cho người dân cái ăn. Nhưng khổ vì đò giang cách trở. Cái khổ ni liên đới nhiều thứ thiếu thốn khác, chẳng hạn như chuyện nước”.
Trước năm 2019, khi còn đương chức, ông Ích nhiều lần kiến nghị, đàm phán để giữ chiếc phà gỗ cho người dân Long Thạnh Tây. Ông kể, chiếc phà tuy cũ kỹ, qua nhiều lần sửa chữa nhưng đảm bảo nhu cầu cho người dân. Song, để duy trì tàu hoạt động, phải có người “đứng mũi chịu sào”, giữ an toàn cho bà con và phải có bằng thuyền trưởng hạng 3. Người lái phà trước đây khi ứng tuyển cũng chưa có bằng, nhưng thôn tạo điều kiện đi học để về phục vụ bà con.
“Thực tế, người này học về nhưng ngày lái chỉ khoảng 4 chuyến, mỗi chuyến cũng không mấy người đi, chủ yếu là học sinh, công nhân nên thu nhập rất thấp. Sau đó, chính quyền xã hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng để duy trì chiếc phà… Nhưng cuối cùng, người này cũng bỏ ngang... Chiếc phà nằm bờ thời gian thì xã kéo về bến, rồi bỏ không từ 2019 tới giờ” - ông Ích nói.
Dân Long Thạnh Tây phần lớn hành nghề chài lưới, nhà nào cũng có ghe nhỏ nên qua sông không phải chuyện khó. Nhưng thiệt thòi là học sinh. Mùa nắng, ít sóng gió thì tạm yên tâm. Còn vào mùa mưa, học sinh cấp 2, cấp 3 phải trọ hoặc nương nhờ nhà người quen bên Tam Giang. Với học sinh mẫu giáo, cấp 1, phụ huynh phải theo sát, đưa con đến tận trường. Gặp hôm mưa lớn gió lớn, họ đành cho con nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Thương cảnh học sinh đi học khổ sở, ông Trần Tấn Thưởng tự nguyện dùng chiếc ghe máy của mình đưa đón mỗi ngày. Tuy nhiên, ghe ông Thưởng hoạt động “bữa đực bữa cái” nên nhiều hôm phụ huynh phải “tự bơi” để con đi học đúng giờ.
Ông Phạm Minh Quang - Thôn trưởng thôn Long Thạnh Tây nói, xét theo quy định, ông Thưởng không có giấy phép hành nghề, chưa có bằng thuyền trưởng hạng 3. Do đó, nguy cơ tai nạn nếu khách đông, gặp buổi sóng to gió lớn hay có tàu hàng đi qua.
“Chúng tôi tha thiết mong các cấp xem xét, có phương án hỗ trợ để mở lại tuyến phà cho người dân Long Thạnh Tây” - ông Quang kiến nghị.
Bao giờ có nước sạch?
Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng nói, Long Thạnh Tây như gam màu chủ đạo cho bức tranh chung về những khó khăn của người dân xã đảo này.
Khoảng 2003 - 2006, xã Tam Hải có xây dựng đường ống nước sạch từ Tam Giang, vượt sông về cho người dân Long Thạnh Tây. Về sau, khi triển khai dự án nạo vét luồng sông Trường Giang, đường ống này bị đứt. Từ đó đến nay, người dân chủ yếu dùng nước giếng, nước mưa sinh hoạt.
“Lần nào làm việc với tỉnh, huyện, chúng tôi đều kiến nghị việc này. Mãi đến cuối năm 2022, huyện Núi Thành đầu tư đường ống ngầm từ khu vực cảng Tam Hiệp vượt sông đến Long Thạnh Tây rồi dẫn về khu vực trung tâm xã” - ông Hùng nói.
Đường ống hoàn thành, đồng hồ bắt tới nhà dân, nhưng nước thì chưa có. Ông Hùng cho biết, huyện Núi Thành và Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam không có tiếng nói chung về chuyện cấp nước.
“Huyện lo cho dân nên ưu tiên nguồn lực đầu tư, đúng theo quy định, còn phía công ty cũng có cái lý của họ. Chúng tôi có đề nghị công ty bắt đồng hồ tổng phía đầu đường ống để bán giá sỉ cho UBND xã, sau đó cấp cho dân. Song, công ty không chấp nhận do tỉnh không có quy định về vấn đề này.
Mới đây, phía công ty này đưa ra phương án lắp đặt hệ thống cấp nước cho một bể lớn trên địa bàn xã, sau đó xã tự bán cho dân. Nhưng duy trì hoạt động bể này không dễ, phải là người có chuyên môn, nhận trách nhiệm, đảm bảo độ an toàn của nước khi lưu trữ và cấp bán. Thật tình, xã rơi vào thế khó, không xử lý được thì mất lòng tin với dân” - ông Hùng nói.
Kiến nghị của ông Hùng, Tam Hải là xã đảo nên mong tỉnh xem xét ưu tiên hoặc có cơ chế đặc thù để sớm tháo gỡ “nút thắt” về nước sạch. Đồng thời xem xét, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, cấp mới lại phà hoặc chủ trương xã hội hóa cả 3 tuyến phà để đảm bảo việc đi lại cho người dân.
Nhìn dãy số đồng hồ nước trước sân vẫn nằm vạch xuất phát, nhìn con cháu của làng vẫn vượt sông đến trường, ai nấy ngậm ngùi nhưng đành bất lực. Bao năm rồi, chuyện nước, chuyện phà vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển. Người trẻ nản lòng dần rời đi, ốc đảo “người già” này vẫn ngày ngày nặng nợ với những toan lo…