Góc suy ngẫm

Ơn đất, ơn tổ… ngàn năm

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com) 06/04/2025 07:51

Cuối tuần này, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng Ba, nhiều nơi diễn ra các hoạt động hướng về cội nguồn, dòng họ, tổ tiên. Từ quê nhà đến vùng ngoại biên xa xôi nơi người trú xứ, lại gọi nhau rủ về giỗ tổ, bởi lòng dặn lòng:

quang nam 2
Bà con người Quảng cúng tế tổ tiên tại "Quảng Nam đồng châu tương tế hội"- Phan Thiết. Ảnh: M.NGUYỄN

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Xưa truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” đã lưu chuyện quốc phụ Lạc Long Quân cùng quốc mẫu Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong một bọc “trăm trứng nở trăm con”. Hay kể về họ Hồng Bàng, dòng Lạc Hồng, 18 đời vua Hùng kế thế; sau lại đến các tiên đế từ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… xây nền tự chủ, hiện diện quốc gia độc lập hùng cứ một phương.

Với vùng đất mở phương Nam, các tổ phụ từ miền Bắc, nhiều nhất là xứ Thanh - Nghệ, sớm vô khai phá đất mới, mở ra Quảng Nam thừa tuyên đạo. Một tài liệu cổ do TS.Huỳnh Công Bá đã phát hiện tại làng Uất Lũy (Điện Bàn) có lưu “Bắc địa tấu từ” (lời tâu về đất Bắc), cho biết có 24 vị thuộc 4 địa phương khác nhau trên đất Bắc đã vâng lệnh vua vào khai khẩn đất Điện Bàn, Quảng Nam.

Bản giao ước đó được lập vào triều Lê, nhằm ngày 12 tháng 5 năm Ất Hợi (1455), sau có sao chép và bổ sung, nhưng tựu trung như TS. Huỳnh Công Bá mô tả là “phúc trình của những người đi khai phá đất Điện Bàn và xã Châu Minh thời Lê để gửi lên chính quyền cấp trên, đồng thời cũng là những điều thuận ước xác nhận, kể rõ các việc đã làm của những người Việt tiền phong trên vùng đất này hồi đầu thế kỷ 15, về sau nó đã trở thành tư liệu lịch sử, lịch sử lập làng, trở thành “hành trạng” của các vị Tiền hiền khai khẩn tại địa phương, trở thành “thần tích” ở đình”.

Vậy theo hành trình dựng nước và mở nước, nói về tổ tiên thì tích lớp nhiều bậc, thủy tổ nước Việt mấy ngàn năm, rồi cao cao tổ, đến tổ khảo, tổ tỷ trong vài thế kỷ. Đâu xa, ngay tại Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Nam hiện tại, đã ghi dấu nhiều đời tổ có công lao mở đất, lập làng.

Khi tìm cứ liệu để dựng văn bia sĩ phu hay soạn văn tế nhân lễ giỗ tổ, người viết bài này thấy trùng trùng tư liệu về bao người từ sông Hồng, sông Mã, sông Lam… đến đây cùng cư dân bản địa khai sơn phá thạch, dựng Tam Kỳ “Bách thập bát xã”, lưu truyền ước nguyện hưng thịnh trong danh xưng vùng đất như Trường Xuân, vững như Bàn Thạch, đẹp như Kim Đới - đai vàng…

Đặc biệt các bậc tiền nhân đến đất này đã nối nghề truyền thống cha ông dựng nên mộc Văn Hà, nghề chiếu Thạch Tân, thuộc Kim hộ làm vàng, làng Tam Ấp làm mắm, làng nghề rèn Hồng Lư… quần cư, tụ nghề “kể từ Ông Bộ kể ra”…

quang nam 1
Tế văn tri ân tổ tiên người Quảng trên vùng đất mở phương Nam. Ảnh: M.NGUYỄN

Ơn tổ dòng họ, tổ nghiệp, tổ nghề đã được vinh danh trên nhiều công trình, kiến trúc cổ từ việc tiếp biến văn hóa để cộng sinh, xây mái đình bên cổ tháp, nào Chiên Đàn, Mỹ Thạch, Phương Hòa… Đồng thời xiển dương đất học, dựng Văn Thánh đề danh khoa bảng, giáo huấn điều lành, điều thiện như Nguyễn Dục “phẩm hạnh đoan chính” dạy vua.

Hoặc ghi dấu hào khí rừng rực chí Cần Vương cứu nước theo bước chân Hội chủ Trần Văn Dư để lập Nghĩa hội Quảng Nam đánh Pháp. Hay rộn tiếng Duy tân, theo gương cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lập hội đoàn, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Ơn đất, ơn tổ, cho nên trải qua bao cuộc kinh dinh, dù có đổi thay về đơn vị hành chính, xác lập lại địa đồ, thì “cương thổ tâm hồn” vẫn neo đậu trong lòng con dân xứ sở. Không những ở bản quán mà đi đến nơi xa lập làng mới cũng hướng về đất mẹ, tổ tiên.

Vậy nên không ngạc nhiên khi lên Tây Nguyên thấy những làng người Quảng còn mang theo tên gọi của quê xứ như Trường Xuân, Thạnh Mỹ, Quảng Lập, Quảng Hòa, Quảng Lạc (Lâm Đồng), Hòa Xuân, Quảng Điền (Đắc Lắc)… Mang địa danh nhắc gợi quê cha đất mẹ chưa đủ, còn gánh theo củ khoai Trà Đõa nổi tiếng từ miền cát Thăng Bình lên tận Gia Lai để khai sinh ra khoai Lệ Cần.

Nói xa mà rất gần, như khi thấy đứa em đồng hương từ phương Nam vừa gửi về hình ảnh bà con người Quảng xa quê tề tựu cúng tế tổ tiên ở “Quảng Nam đồng châu tương tế hội” giữa thành phố Phan Thiết, lòng xiết bao cảm xúc trỗi dậy. Rồi đây dù có đổi thay gì cũng mong mãi tiếp nguồn mạch này cho con cháu ngàn năm sau còn thương cây nhớ cội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ơn đất, ơn tổ… ngàn năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO