Ổn định để phát triển

ĐĂNG QUANG 24/02/2020 11:13

Thời điểm này, các ngành, địa phương trong tỉnh đang ráo riết tổ chức việc đánh giá kết quả các chương trình phát triển 5 năm (2015 - 2020) để đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn mới.

Ở quy mô cấp tỉnh đã có nhiều hội thảo, hội nghị để nhìn nhận lại chặng đường đi qua, những mặt thành công và hạn chế, góp ý cho hoạch định chiến lược phát triển. Nổi lên trong kết quả đánh giá có hai chỉ tiêu lớn chưa đạt so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, gồm: Tốc độ tăng thu ngân sách và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm.

Với chỉ tiêu về tốc độ tăng thu ngân sách, ai cũng thấy rõ ràng nguồn thu phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nền kinh tế nói chung và cộng đồng của doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên hai thành tố cơ bản đó đều có hạn chế khó khắc phục, đặc biệt là thu ngân sách phụ thuộc quá lớn vào Thaco với ngành hàng ô tô. Do vậy, khi doanh nghiệp này “hắt hơi” thì ngân sách “sổ mũi” ngay, mất thế ổn định.

Với chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân, cho thấy chương trình giảm nghèo và các chương trình phát triển nông thôn, miền núi còn có nhiều trở lực, nhất là việc chưa kéo giảm, thu hẹp được nhiều về khoảng cách đời sống, thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi.

Thực tế được đánh giá qua con số thống kê, dù tỷ lệ hộ nghèo ở 9 huyện miền núi giảm đáng kể, từ 40,85% năm 2015 xuống còn 20,85% năm 2019, bình quân mỗi năm giảm 5%, nhưng đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trong khi đối mặt với cái nghèo thì khu vực nông thôn, miền núi còn tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định do tác động ngày càng gay gắt của hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh hoành hành, năng lực tổ chức sản xuất còn hạn chế và thị trường nông sản bấp bênh…

Do vậy, dù tính cả tỉnh, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 75 triệu đồng nhưng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ hơn 42 triệu đồng/người/năm.

Một trong những mục tiêu chiến lược hỗ trợ thời gian qua để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của khu vực nông thôn là chương trình xây dựng nông thôn mới. Song theo đánh giá thì chất lượng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững, có sự chênh lệch lớn giữa khu vực đồng bằng và miền núi. Thậm chí, qua rà soát mới đây thì trong số 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2011 đến 2018, có đến 29 xã rớt từ 1 đến 3 tiêu chí.

Trước những thực trạng và đánh giá nêu trên, việc đề ra giải pháp để khắc phục các hạn chế, chỉ tiêu chưa đạt cần những động thái quyết liệt, kế hoạch khả thi. Dự báo khi quy mô nền kinh tế đã lớn (với khoảng 110 nghìn tỷ đồng) thì chỉ tiêu tăng trưởng nhanh và tăng nguồn thu ngân sách là không dễ. Vì thế có ý kiến nêu là trong vòng 5 năm tới nên đặt nặng mục tiêu duy trì ổn định nhịp điệu tăng trưởng, đồng thời gia tăng năng lực sản xuất, phát triển toàn diện để có nguồn thu bền vững, rồi mới tính đến mức độ khá hơn.

Đối với công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức thu nhập, nên dự lường chuẩn nghèo có thể sẽ điều chỉnh theo tiêu chí cao hơn, hoặc vì tác động của thiên tai, dịch bệnh mà suy giảm. Do đó, việc ổn định sống nhân dân, tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường nông sản… là các giải pháp cần tập trung cao độ.

Cuối cùng, bất cứ lĩnh vực nào, nhất là các ngành kinh tế, đều cần quản lý rủi ro. Như du lịch đang chịu rủi ro cao do dịch bệnh, thì việc cần kíp là duy trì sự ổn định, xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, phát triển bền vững trong khi kỳ vọng trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO