Ổn định đời sống vùng tái định cư thủy điện: Cần tái canh lâu dài cho người dân

TRẦN HỮU 23/10/2018 01:59

Trước những khó khăn của người dân vùng tái định cư (TĐC) thủy điện, các địa phương đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án và biện pháp cụ thể để đảm bảo lâu dài đời sống sản xuất.

Một góc làng tái định cư Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: T.H
Một góc làng tái định cư Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: T.H

Bất cập

Tại cuộc họp HĐND tỉnh với Sở NN&PTNT về đánh giá lại tình hình đời sống của người dân ở những khu TĐC của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra, các ngành và địa phương đánh giá là thu nhập bình quân đầu người của người dân TĐC đều thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh. Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản quy mô còn nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cấp. Quỹ đất sản xuất, nhất là đất lúa, đất màu còn hạn chế, chất lượng xấu dẫn đến hiệu quả đem lại thấp. Chủ đầu tư nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 4 bố trí TĐC trên đồi núi có độ dốc lớn, địa hình hẹp dễ bị sạt lở; còn thủy điện Đắk Mi 4 thì khai hoang đất bạc màu cằn cỗi, thậm chí nhiều diện tích không sản xuất được.

Một số công trình đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp không phát huy hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài dẫn chứng, tại địa bàn có khoảng 40 - 50% hệ thống thủy lợi mà Nhà nước đầu tư cho trồng trọt đều bỏ hoang vì không phát huy hiệu quả. Hiện người dân bản địa chuyển sang trồng keo nguyên liệu. Hậu quả lớn hơn, người dân khai hoang được 1ha đất rẫy thì đánh đổi 2ha rừng do đốt rừng nên không việc gì phải khuyến khích dân làm rẫy. Vì vậy giải pháp tối ưu là nên hỗ trợ kinh phí để họ tìm sinh kế khác phù hợp hơn. Một bất hợp lý khác, các ngành nghề đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số đều không mang tính ứng dụng thực tiễn cao, tâm lý thanh niên lại không muốn cảnh đi học xa nhà. Chính sách chuyển đổi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế sau TĐC chủ yếu bằng tiền mặt, trong khi người dân lại sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Theo Sở NN&PTNT, các xã, huyện đã đưa đề án, chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, áp dụng mô hình sản xuất mới thông qua lồng ghép các Chương trình 30a, 135, Quyết định 102 năm 2009, Quyết định 24 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ để người dân TĐC phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Cần ổn định đời sống lâu dài

Sở NN&PTNT cho biết, đến nay đã giao cho 1.255 hộ TĐC tại các dự án thủy điện tổng diện tích 1.103ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 980ha, bình quân mỗi hộ nhận 1,26ha; đất phi nông nghiệp 116,1ha, trong đó có 36,6ha đất ở.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, các ngành, địa phương phải rà soát, có số liệu cụ thể về diện tích cần giao đất, đã giao đất (đất ở và đất sản xuất). Vấn đề quan tâm là chất lượng cuộc sống của người dân có đảm bảo hay không. “Cần chọn những nội dung bức xúc nhất để triển khai thực hiện, trong đó chú trọng cả sử dụng nguồn thu thủy điện để lại. Với các công trình dân sinh, chủ đầu tư phối hợp địa phương quản lý, vận hành, sửa chữa thường xuyên và tuyên truyền để người dân sử dụng có trách nhiệm hơn” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh lưu ý. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Muộn cho rằng, ngành cùng các địa phương, đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch đất rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân TĐC thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Đắk Mi 4 với tổng diện tích 4.949ha, bình quân mỗi hộ nhận 4,45ha (chuyển sang đất sản xuất nông nghiệp và đất trồng rừng sản xuất). Tham mưu UBND tỉnh chuyển 1.319ha đất rừng phòng hộ Sông Tranh và đất do UBND xã quản lý; phối hợp với huyện Bắc Trà My giải quyết 924ha đất sản xuất nông nghiệp cho 348 hộ (trong đó có 144 hộ TĐC xã Trà Bui).

Để dân TĐC ổn định đời sống, UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế ràng buộc đối với chủ đầu tư dự án thủy điện trong giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân lâu dài hơn; quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện quỹ phục hồi thu nhập sau TĐC nhằm hỗ trợ người dân 5 - 10 năm. Cũng theo ông Lê Muộn, các địa phương cần tiếp tục giải quyết đất sản xuất, lồng ghép những chương trình dự án, đề án nâng cao đời sống cho người dân TĐC thủy điện. Đồng thời xử lý dứt điểm vướng mắc về cơ chế chính sách ổn định đời sống sản xuất cho vùng TĐC.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định đời sống vùng tái định cư thủy điện: Cần tái canh lâu dài cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO