(QNO) - Với sự kiên trì, chịu khó, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1971, thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận, Quế Sơn) thành công với mô hình sản xuất nấm rơm, mang lại kinh tế ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Tiến làm đủ nghề như thợ hồ, đục đá, sửa xe đạp nhưng thu nhập rất thấp. Nhiều năm liền gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của xã.
Hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn khi lưng ông càng ngày càng gù đi, hạn chế khả năng lao động. Dù chữa trị nhiều nơi nhưng khoản chi phí khá lớn, lại là lao động chính trong nhà nên ông quyết định dừng chữa trị để có kinh tế nuôi vợ và 3 con ăn học. Có một thời gian ông đầu tư nuôi nuôi gà lấy thịt, tuy nhiên dịch bệnh khiến vốn liếng đổ sông, đổ biển.
Đầu năm 2007, ông có dịp đến thăm nhà và tham quan mô hình trồng nấm rơm của một người bạn ở Núi Thành. Nhận thấy nghề này không phải bỏ vốn nhiều, lại tận dụng được nguồn rơm rạ tại địa phương, rất phù hợp với điều kiện gia đình nên ông nhờ bạn chỉ dẫn cách làm. “Nhìn thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy hết khó khăn, từ kỹ thuật trồng, chăm sóc đến chọn giá thể rơm rạ, men giống... ” - ông Tiến kể.
Khởi đầu, ông trồng thử nghiệm nấm rơm trên diện tích 500m2 đất vườn. Nhờ thực hiện bài bản quy trình kỹ thuật nên nấm phát triển tốt, cho năng suất cao, hình dáng đẹp, được thị trường ưa chuộng. Nhờ thế mà chỉ năm đầu tiên đã cho ông lãi ròng không dưới 30 triệu đồng. Thấy nguồn thu nhập khá, cộng thêm sự hỗ trợ từ các đoàn thể của xã trong việc tiếp cận vốn vay, từ năm 2012 đến nay ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại lên 6.000m2 với 12 trại nấm. Nhờ trồng nấm rơm, gia đình ông đã thoát nghèo.
“Để trồng nấm phát huy hiệu quả, tôi sử dụng nguồn rơm nguyên liệu sạch, không nhiễm các loại nấm mốc ký sinh, đặc biệt chú ý kỹ đến men giống vì đây là yếu tố quyết định sự thành công. Khi đưa vào nhà trồng, phải chủ động phòng trừ các loại bệnh hại trên nấm. Nếu không quan tâm khâu này, năng suất và chất lượng nấm sẽ đạt thấp” - ông chia sẻ.
Để có nguồn giá thể sản xuất nấm, ông nhận thu mua rơm khô từ các đồng ruộng trong toàn huyện, xây dựng nhà chứa để bảo quản rơm được tốt hơn. Với sản lượng nấm ổn định, mỗi tháng ông xuất bán ra thị trường trong tỉnh và một số địa phương lân cận khoảng 500kg nấm, mức giá bình quân 70 nghìn đồng/kg. Mô hình của ông giúp 6 - 7 lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định, mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều năm làm việc tại trại nấm của ông Tiến, bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1972) chia sẻ: “Trước đây tôi làm nông, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào vụ mùa. Từ khi làm tại đây, công việc đỡ vất vả hơn, nhất là có nguồn thu nhập ổn định, có đồng ra đồng vào để lo cho gia đình, con cái ăn học”.