Ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 09/01/2017 09:21

Ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng, tăng thu, tiết kiệm chi, quản lý chặt nợ công… cho năm 2017 là những vấn đề quan trọng được đề cập nhiều tại hội nghị trực tuyến tài chính - ngân sách với 63 tỉnh thành do Bộ Tài chính chủ trì hôm ngày 6.1.2017.

Kích thích tăng trưởng của doanh nghiệp, quyết liệt tăng thu, giảm chi và cân đối ổn định ngân sách là mục tiêu của điều hành ngân sách năm 2017. Ảnh: Đ.H
Kích thích tăng trưởng của doanh nghiệp, quyết liệt tăng thu, giảm chi và cân đối ổn định ngân sách là mục tiêu của điều hành ngân sách năm 2017. Ảnh: Đ.H

Nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng

Ngày 6.1.2017, Bộ Tài chính công bố thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán, tương ứng 79,6 nghìn tỷ đồng. Nếu thu ngân sách trung ương chỉ cơ bản đạt dự toán thì thu ngân sách địa phương vượt 18,6% (tương ứng 77,8 nghìn tỷ đồng). Có khoảng 58/63 tỉnh, thành thu đạt và vượt dự toán. Không công bố số liệu cụ thể, nhưng chi ngân sách cho là đã được điều hành chặt chẽ. Có không ít thời điểm nguồn thu ngân sách tập trung chậm, nhưng vẫn đảm bảo theo đúng dự toán, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của đơn vị sử dụng ngân sách. Kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả khi các bộ, ngành và địa phương đã chi phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, quy định, hạn chế thấp nhất thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thừa nhận việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư vẫn rất chậm. Kết thúc năm 2016, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới chỉ đạt khoảng 80% dự toán. Vốn trái phiếu chính phủ ước đạt 55,2% dự toán.

Ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng trên cơ sở kết quả thực hiện thu, bộ đã rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai đã bảo đảm cân đối ngân sách trung ương, giữ mức bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán Quốc hội phê chuẩn. Ngành tài chính đã chủ động đề xuất, thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước trong thu, chi, giữ bội chi Quốc hội, Chính phủ đề ra và cho phép. Cơ cấu, nâng cao tính bền vững nợ công, kiểm soát lạm phát. Chủ động hội nhập tài chính khu vực và quốc tế và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận việc điều hành vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Xây dựng thể chế, chính sách chưa kịp tiến độ, nợ đọng thuế lớn, giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm. Việc phân bổ, sử dụng vốn vay còn dàn trải. Hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp. Chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức vẫn còn xảy ra và tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư chậm so yêu cầu đề ra 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP). Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73%, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Tất cả khoản nợ này đều nằm trong diện đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

Khác với điều trần của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tỷ lệ nợ công đã tăng rất nhanh. Mức tăng trung bình trong năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nợ công (64,98%) đã kịch trần. Nếu tính đầy đủ nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ…, nợ công đã vượt trần cho phép.

Tăng thu và giảm chi

Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 khoảng 1.212,18 nghìn tỷ đồng (thu nội địa 990,28 nghìn tỷ đồng, thu dầu thô 38,3 nghìn tỷ đồng (giá 50 USD/thùng), thu xuất nhập khẩu 180 nghìn tỷ đồng và thu viện trợ 3,6 nghìn tỷ đồng). Chi ngân sách nhà nước sẽ vào khoảng 1.390,48 nghìn tỷ đồng (357,15 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, 896,28 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, 163,84 nghìn tỷ đồng chi trả nợ gốc và 98,9 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi vay. Theo dự toán này, bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ ở mức 3,5% GDP (178,3 nghìn tỷ đồng). Nhiệm vụ phải huy động trong năm 2017 khoảng 340,15 nghìn tỷ đồng để bù đắp bội chi (183,62 nghìn tỷ đồng) và chi trả nợ gốc (156,53 nghìn tỷ đồng).

Hầu hết địa phương tham dự hội nghị đều thống nhất với đánh giá và quan điểm điều hành, quản lý tài chính - ngân sách. Mối quan tâm chung của các tỉnh, thành hiện tại là Chính phủ, Bộ Tài chính cần nới rộng, tăng hạn mức, tỷ lệ dư nợ vay ngân sách địa phương để tự địa phương có thể chủ động vay vốn đầu tư phát triển, tăng tỷ lệ điều tiết số thu ngân sách trung ương và địa phương để có thêm nguồn lực và thưởng thu vượt dự toán. Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết không ít địa phương đã có những bước tiến mới về cải cách bộ máy chính quyền, có những đột phá nên thu ngân sách vượt dự toán, nhất là thu thuế xăng dầu, kinh doanh bất động sản, vận tải. Những cải cách thủ tục hành chính đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện còn khá lớn khối tài sản lớn đang nằm nhiều trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu xã hội hóa tốt thì sẽ bớt gánh nặng đối với ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng năm 2017 sẽ là một năm đầy khó khăn. Ông Dũng yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Kiểm soát nợ công, bội chi ngân sách, trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Quyết tâm thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán Quốc hội. “Kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán đến ngày 30.6.2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, trừ những trường hợp đặc biệt được Thủ tướng quyết định. Chủ động hướng dẫn, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công 2017. Quản lý chặt chẽ, đúng quy định và hạn chế các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chi thường xuyên tăng là nguyên nhân chính khiến ngân sách luôn căng thẳng. Dư địa chính sách tài khóa còn rất hạn hẹp. Cân đối ngân sách khó khăn. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ, nên để có vốn đầu tư, vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, giảm bội chi ngân sách dưới 3,5% GDP, lạm phát khoảng 4% không hề đơn giản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách đột phá thu, chi ngân sách. Tiến tới loại bỏ tư duy kinh tế kiểu cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực tài chính và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi bộ, ngành, địa phương để xóa bỏ bao cấp, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện. Theo Thủ tướng, bên cạnh quyết liệt tăng thu, cần chấn chỉnh lạm thu các khoản đóng góp ở cơ sở đang gây bức xúc trong xã hội, tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp. Đồng thời rà soát các chính sách ưu đãi thuế hiện hành đã hợp lý, hiệu quả. Nếu ưu đãi nào ít tác dụng, lại gây thiệt cho ngân sách thì nhanh chóng loại bỏ. Triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, chống lãng phí, rà soát những khoản chi bất hợp, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, nhất là tài sản công, quản lý chặt, công khai, minh bạch ngân sách nhà nước… thể hiện tinh thần, trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO