QNO) – Nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong năm 2023 có xu hướng tụt giảm so với các năm trước đây. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nguồn thu này khá ổn định, vượt kế hoạch đề ra và Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cũng đã ký kết với nhiều đối tác, đơn vị mới.
Tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih, (Đông Giang), trong tháng 7/2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam cùng Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã đàm phán, trao đổi liên quan đến việc xem xét phạm vi sử dụng DVMTR của Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp. Khu du lịch này được UBND tỉnh cho thuê với tổng diện tích hơn 94ha, nằm toàn bộ trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang. Chủ trương “Khai thác du lịch từ rừng kết hợp bảo vệ sinh thái rừng” đã được hiện thực hóa trên vào cao này. Và khi doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, hưởng lợi từ rừng thì họ sẽ có nghĩa vụ đóng quỹ DVMTR theo quy định.
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam thông tin, trong 2 tháng (7 và 8/2024) đơn vị đã đàm phán, ký kết 10 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1002, ngày 24/4/2024 của UBND tỉnh Phê duyệt bổ sung danh sách các đơn vị sử dụng DVMTR phải chi trả tiền chính sách năm 2024. Cụ thể gồm các đơn vị: Công ty TNHH Vân Long (Đại Lộc); Công ty TNHH MTV Bê tông Hiệp Hưng (Đại Lộc); Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Toàn (Thăng Bình); Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (Thăng Bình); Công ty TNHH Sản xuất Thành Sơn (Quế Sơn); Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang (Quế Sơn); Công ty CP An Thịnh Quảng Nam (Quế Sơn); Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Bình An Phú (Tiên Phước); Hợp tác xã Duy Sơn (Duy Xuyên); Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến (Tam Kỳ).
Năm 2023, thu tiền DVMTR năm 2023 hơn 175,4 tỷ đồng chỉ đạt 95,09% kế hoạch; trong khi đó 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh thu 100,1 tỷ đồng, kế hoạch cả năm giao 194,5 tỷ đồng (đạt 51,46%).
Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đồng thuận cao về nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Qua đó, góp phần huy động, gia tăng nguồn thu tiền dịch vụ hàng năm. Nguồn tiền của các công ty, xí nghiệp và hợp tác xã tham gia bảo vệ, cung ứng DVMTR góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc của nhân viên, giúp các đơn vị đối tác có thêm động lực tham gia bảo vệ rừng, phát triển kinh tế - xã hội.
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết thêm, những năm qua, việc tổ chức các đợt đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Nhờ đó, đảm bảo được tính công bằng, khách quan và nghiêm minh trong công tác thu ủy thác chi trả dịch vụ đối với đơn vị sử dụng DVMTR trên toàn tỉnh.
Tại cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam về tổ chức sơ kết 6 tháng, nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm 2024 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đánh giá cao sự hoạt động hiệu quả của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Đặc biệt là quản lý, sử dụng và giải ngân tiền trồng rừng thay thế đảm bảo quy định, kịp thời, không có trường hợp tồn tại, vướng mắc xảy ra.
Về nhiệm vụ quan trọng trong các tháng còn lại của năm 2024, đồng chí Hồ Quang Bửu yêu cầu các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh tích cực đôn đốc các cơ sở sử dụng DVMTR để thu đúng, thu đủ phấn đấu đạt 100% kế hoạch đề ra. Thêm vào đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiền chính sách đúng quy định của pháp luật.
Quảng Nam hiện có 42 đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND xã và cộng đồng có thực hiện chi trả DVMTR (11 chủ rừng là tổ chức, 13 chủ rừng là UBND các xã, 18 chủ rừng là cộng đồng thôn). Tính đến tháng 8/2024, có 80 đơn vị đã ký kết hợp đồng và thực hiện chi trả DVMTR (36 cơ sở sản xuất thủy điện; 12 cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch; 32 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước mặt, nước ngầm).