Ổn định thị trường cuối năm

VIỆT NGUYỄN 29/11/2018 02:06

Nhiều giải pháp khả thi đang được các ngành chức năng triển khai để cân đối cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Sức mua ở chợ Tam Kỳ chưa cao. Ảnh: QUANG VIỆT
Sức mua ở chợ Tam Kỳ chưa cao. Ảnh: QUANG VIỆT

Cung vượt cầu

Khảo sát tại chợ Tam Kỳ, chúng tôi nhận thấy hàng hóa dồi dào, phong phú mẫu mã, đa dạng chủng loại. Hàng may mặc được bài trí rất bắt mắt, giá cả phải chăng. Anh Đinh Huỳnh Tuấn - chủ hai shop áo quần may sẵn cho biết, bán hàng quanh năm nhưng trông chờ chủ yếu vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nên chuẩn bị hàng hóa dồi dào vào thời điểm này. Các sản phẩm kinh doanh tại đây gồm các loại quần jean, áo phông cho giới trẻ, áo ấm, áo khoác cho mọi lứa tuổi, giày dép thời trang, áo sơ mi, mũ, nón, túi xách có giá 100 - 200 nghìn đồng/sản phẩm. Hầu hết sản phẩm trên đều được đặt mua ở TP.Hồ Chí Minh chuyển về buôn bán. “Hàng hóa nhiều như vậy nhưng lác đác người mua, chỉ sợ phải xả hàng cuối năm thì thua lỗ. Bây giờ kinh doanh qua chợ online, siêu thị, các quầy hàng thời trang cao cấp thu hút ưa chuộng của khách hàng nên mình khó đọ lại. Trước đây, chúng tôi bán hàng tất bật cho mọi lứa tuổi thì nay chủ yếu chỉ bán cho người cao tuổi, trung niên” - anh Tuấn nói. Cũng tại TP.Tam Kỳ, ở các chợ Hòa Hương, Vườn Lài hàng hóa được trang hoàng gọn ghẽ, tươm tất nhưng đều thưa vắng khách hỏi mua.

Tại chợ Hội An, hàng hóa phong phú nhưng cũng vắng khách mua. Anh Trương Đình Khương chuyên bán sỉ các mặt hàng dân dụng cho biết, sức mua vào thời điểm này rất kém so với mọi năm trước. Theo anh Khương, hiện nay kinh doanh hàng hóa phải cạnh tranh khốc liệt lắm. Đời sống ngày càng được nâng cao, vật chất đủ đầy chứ không thiếu trước hụt sau nên sức mua cứ giảm dần. Tại chợ Hà Lam, nhiều tiểu thương cũng trong tình trạng tương tự, nhiều mặt hàng tồn kho dài ngày chưa bán được để thu hồi vốn. Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, giao thông ngày càng hoàn thiện nên từ thành thị cho đến các vùng xa xôi của huyện đều dồi dào hàng hóa. “Không sợ thiếu hàng chỉ sợ sức mua yếu. Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp khuyến mãi giá đến 40% để kích thích người mua hàng. Có thể phải đến tháng chạp thì hàng hóa sẽ được thông thương tốt hơn” - ông Hòe nói.

Ổn định mua sắm

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, người dân khó được cung ứng đầy đủ hàng hóa nên đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp, các nhà phân phối, các đại lý cung cấp thực phẩm thiết yếu để triển khai sâu rộng cuộc vận động đưa hàng Việt về nông thôn, tạo đa dạng nguồn hàng hóa, ổn thị trường phục vụ tết. Chương trình kết nối cung cầu sẽ được tổ chức nhiều đợt từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để các làng nghề, các hợp tác xã trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố giao thương, quảng bá, bán các sản phẩm đặc sản, các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu, qua đó vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vừa tạo nguồn hàng đa dạng phục vụ tết dồi dào. Các chương trình kích cầu tiêu dùng sẽ được chú trọng từ đầu tháng 12 đến. Sở sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, tăng khả năng tiếp cận hàng thiết yếu cho người khó khăn, người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa sẽ được tăng cường từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để khống chế hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng. Các đội quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương đấu tranh chống gian lận thương mại, kiểm tra bán hàng theo niêm yết giá ở các chợ, trung tâm thương mại. Hàng hóa được vận chuyển qua các tuyến đường nằm trên địa bàn tỉnh sẽ được giám sát thường xuyên, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. “Chúng tôi đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận trong đo lường, đóng gói nhằm thu lợi bất chính. Các loại hàng cấm, giả mạo thương hiệu sản phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được ngăn chặn, ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng” - ông Sơn nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định thị trường cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO