Ổn định thị trường sau tết

VIỆT QUANG 22/02/2018 09:31

Sau tết, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh bình ổn trở lại, lượng cung dồi dào, thậm chí một số mặt hàng còn giảm giá sâu.

Người tiêu dùng đã mua sắm trở lại ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ sau tết.
Người tiêu dùng đã mua sắm trở lại ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ sau tết.

Giá cả chênh lệch

Nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại từ ngày mùng 3 Tết, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm tươi sống. Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Hội An, mặt hàng rau củ quả được bán với giá thấp. Dưa leo chỉ có giá 5 - 7 nghìn đồng/kg, xà lách có giá 7 nghìn đồng/kg, cải củ có giá 5 nghìn đồng/kg, cải bẹ có giá 6 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán hàng rau củ quả lâu năm ở chợ Hội An cho biết, chưa bao giờ nông sản lại có giá èo uột như những ngày này, chỉ bằng 1/2 so với thời điểm trước tết.

Tại nhiều cánh đồng rau sạch trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân cho biết rất khó khăn vì đầu ra sản phẩm không ổn định. Ông Hà Hải (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, Thăng Bình) chuyên tâm canh tác rau xà lách, cải củ và cải bẹ trên diện tích gần 1ha, cho biết: “Gia đình tôi là xã viên, bán rau sạch cho Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng (HTX Mỹ Hưng) nên không thể nói là bị ép giá được. Rau, quả chỉ có giá dao động trên dưới 5 nghìn đồng là quá thấp. Toàn bộ công sức của các thành viên trong gia đình coi như đổ sông đổ biển. Không biết đến bao giờ nông sản sạch mới có giá ổn định để sinh kế của chúng tôi bền vững”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc HTX Mỹ Hưng cho rằng, dù có muốn hay không thì cũng phải tuân thủ theo quy luật vận động của thị trường. Rau củ quả quá nhiều nên giá bán thấp, chúng tôi không thể lường trước được. Hàng hóa này không thể dự trữ lâu dài nên nhiều nông dân phải bán tống bán tháo, chịu lỗ nặng.

Trong dịp tết vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, tiêu hủy nhiều chai nước ngọt, kẹo, sữa, nước trái cây, nước nha đam, đường, tương đen, tương đậu nành, tương cà, măng khô, thức ăn bổ sung, cà phê gói, súp gia vị, hộp cà ri, chai dầu mè, gói hạt nêm... đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn lưu thông trên thị trường.

Trái với thực tế hàng rau củ quả giảm giá sâu, các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định giá bán sau tết. Về hải sản, cá ngừ có giá 150 - 200 nghìn đồng/kg, tôm có giá 250 - 400 nghìn đồng/kg tùy theo kích cỡ to hay nhỏ, cá thu có giá 250 - 300 nghìn đồng/kg. Gà ta còn sống có giá 120 - 150 nghìn đồng/kg, thịt bò dao động 250 - 350 nghìn đồng/kg tùy theo loại. “Giá cả hàng hóa trong và sau tết cũng như giữa miền xuôi và miền ngược không chênh lệch nhiều. Thời tiết trong và sau tết ấm áp, dễ chịu tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Co.opMart Tam Kỳ đã mở cửa bán hàng trở lại từ mùng 4 Tết. Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân trên địa bàn đã bắt đầu nhộn nhịp mua sắm trở lại. Hàng hóa được bán nhiều ở siêu thị là thực phẩm tươi sống và rau củ quả. “Trong tết chúng tôi bán hàng hóa tương đối chạy với tổng giá trị là 60 tỷ đồng, cao hơn năm trước. Sức mua của người dân cũng đã nóng dần lên. Lượng hàng hóa dồi dào, không thiếu bất kỳ sản phẩm nào, đáp ứng mọi yêu cầu của người tiêu dùng” - bà Trần Thị Như Lai, Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ nói.

Kiểm soát thị trường

Đánh giá về thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp tết vừa qua, ông Nguyễn Quang Thử cho biết, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, hệ thống siêu thị là địa điểm thu hút mua sắm của người tiêu dùng nhờ vào hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bán theo giá niêm yết. Hệ thống chợ truyền thống được các địa phương đầu tư xây mới, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Sau tết, nhịp mua bán, trao đổi hàng hóa, giao thương đã tăng dần ngay từ mùng 4 Tết. Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp để khống chế tình trạng sốt giá một số mặt hàng hay tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. “Để bình ổn thị trường, giá cả, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát các diễn biến mới nhất, đảm bảo cân đối cung cầu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân sau tết” - ông Nguyễn Quang Thử nói.

Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các ngành liên quan của tỉnh như công thương, y tế, nông nghiệp... quán xuyến chặt chẽ trong những ngày này. Trước đó, đoàn liên ngành đã kiểm tra 223 cơ sở kinh doanh, có 186 cơ sở đảm bảo các điều kiện theo quy định, nhắc nhở 28 cơ sở và đang chờ xử lý các cơ sở còn lại. Về kiểm soát thị trường, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, khống chế hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái cũng như kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 762 vụ vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, buôn bán hàng hóa, thực hiện dịch vụ trên địa bàn, nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng. Các sai phạm gồm không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh, kinh doanh sai địa điểm, kinh doanh hàng cấm, giả mạo nhãn hiệu. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra, nắm bắt thị trường sau Tết Nguyên đán, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm” -  ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định thị trường sau tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO