Khi khuyên người ta học sử, các vị tiền bối nhắc rằng “Dân ta phải biết sử ta/ cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy mà giờ đây, người ta lại đặt chuyện “xóa bỏ” tên gọi môn lịch sử trong nhà trường phổ thông(?).
Nguồn cơn bắt đầu từ Bộ GD-ĐT, khi đưa ra hướng cải cách chương trình giáo dục, với việc tích hợp kiến thức của các môn học. Theo đó, tên gọi môn lịch sử sẽ “biến mất”, còn nội dung kiến thức của nó cùng với các môn địa lý, giáo dục công dân, an ninh – quốc phòng sẽ được tích hợp vào môn mới, gọi là Công dân với Tổ quốc. Xin nói ngay, tên gọi môn học mới nghe “rất kêu” nhưng nội hàm khái niệm có vẻ rất chông chênh ở góc độ khoa học. Theo nhiều giáo viên dạy sử lâu năm, môn học thường xuất phát từ những cơ sở nghiên cứu khoa học. Lịch sử là một khoa học cũng như toán học, sinh học… Thiển nghĩ, lâu nay môn lịch sử chưa được số đông học sinh yêu thích là vì cách biên soạn nội dung và phương pháp giảng dạy còn một số vấn đề thiếu khoa học vừa thiếu tâm huyết. Dạy và học lịch sử mà như “nhồi sọ” với quá nhiều sự kiện, con số, lại phiến diện về sự thật, thiếu nghiên cứu so sánh, đối chiếu thực chứng tư liệu, thiếu trải nghiệm qua điền dã, là gốc rễ của vấn đề làm cho môn học trở nên nặng nề, khô khan, không hấp dẫn. Lẽ ra, việc cải cách chương trình là làm sao để hóa giải những hạn chế đó, chứ không phải “xé lẻ” môn lịch sử để “nhét” kiến thức vào môn khác.
Thực ra, để tìm những kiến thức lịch sử có tính phổ quát, giờ đây có nhiều kênh hơn hồi xưa nhiều. Đặc biệt là nhờ công nghệ tân tiến, nhiều tư liệu đã được số hóa và đưa lên mạng tra cứu. Nói vui như người ta đã “chế” lại câu vè đã dẫn ở đầu bài rằng “Dân ta phải biết sử ta/ Ai mà không biết thì tra gu gồ (google)”. Ơn giời, “cậu gu gồ” đây rồi! Một công cụ tra cứu thật tiện lợi, nhanh chóng để biết những kiến thức phổ quát. Nhưng nói cho ngay, cũng có lúc “cậu gồ” đưa tư liệu thiếu đầy đủ, chuẩn xác, và “cậu” cũng không thể làm thầy mọi thứ. Học sử có sự giao cảm mà công nghệ không thể làm thay được con người.
Ai cũng biết, lịch sử là gốc nền cho sự hiểu biết và vun đắp tình cảm nhân văn cho mỗi công dân ở mỗi quốc gia. Lịch sử dựng nước và giữ nước cho ta cảm quan về Tổ quốc, dân tộc. Lịch sử xã hội đem lại những trải nghiệm để ứng xử với cộng đồng. Hầu khắp lĩnh vực đều có lịch sử của nó, mà nếu được nghiên cứu, học hỏi sẽ đúc kết những quy luật vận động và phát triển làm nền tảng hoạch định chiến lược cho mai sau. Do vậy, lịch sử đâu chỉ là kiến thức nền để con người hiểu được quá khứ mà còn hướng đến tương lai. Và, như thế vẫn chưa đủ. Nếu chỉ cần kiến thức thì hoàn thiện số hóa đầy đủ tư liệu và đưa hết cho “cậu gu gồ” quản thư viện tra cứu là xong. Điều cần là việc xây đắp tình cảm và lối ứng xử tốt đẹp cho lớp trẻ qua việc học sử. Học với một nội dung chương trình thực sự cần thiết, phù hợp từng độ tuổi, và phải thực sự là những bài học bổ ích, hấp dẫn, gợi lên cảm xúc. Đó phải chăng là hướng cần đổi mới, chứ không phải cứ “thí nghiệm” cải cách chương trình giáo dục bằng thao tác kỹ thuật tách nhập nội dung rồi đổi tên gọi môn học như thế?
NGUYỄN ĐIỆN NAM