Thời gian ông ở chợ cũng ngót nghét nửa cuộc đời. Cũng chừng ấy năm, người trong chợ cưu mang ông như đứa con ruột của ngôi nhà lắm kẻ đi, người đến. Ở cái chốn tưởng chừng lắm thị phi, vậy mà tình người vẫn sáng bừng.
Ba giờ sáng, xóm An Lâu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) còn chìm trong không gian tĩnh mịch, yên ắng, thi thoảng ở đâu đó vang lên tiếng gà gáy đêm yếu ớt. Ông Bình lại thủng thẳng đi về phía chợ. Ông đi xách nước về để ở mỗi quầy hàng cho người ta rửa rau, thịt, cá,... Và cứ đến 6 giờ tối, dù làm gì, ở đâu ông Bình cũng quay về chợ quét dọn. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại mười mấy năm nay, không ai thuê, cũng không ai bắt buộc. Không ai biết ông mắc bệnh tâm thần lúc nào, dù bề ngoài có nhếch nhác nhưng từ trước đến nay ông tuyệt nhiên chưa từng gây sự, phá hoại bao giờ.
“Quán bà Đào” là một tiệm cơm nhỏ gần UBND xã Tam Lãnh. Nghe nhắc tới ông Bình, bà Võ Thị Đào (59 tuổi) chậm rãi kể lại. Hồi chưa mở quán cơm, bà còn chèo đò ở đoạn sông gần thôn Phước Lợi. Lúc nào chở hàng lên bến bà cũng thấy ông Bình ở đó. “Hắn đứng chờ có ai chở hàng nặng là chạy lại khiêng giùm. Họ chưa kịp nhờ thì hắn làm rồi” – bà Đào cười. Bà biết ông Bình từ đó. Sau này đường sá thông thoáng, chẳng ai đi đò nữa, bà Đào cũng về đây mở quán cơm. Được mấy ngày, thấy ông Bình lang thang trước quán, bà kêu vào cho ăn. Sau đó, ngày nào ông cũng đến quán bà Đào, tối thì xin bà cho ngủ ở lại. “Thấy hắn rứa, chẳng ai nỡ lắc đầu. Có lần tui hỏi, răng không về nhà ở với mẹ, với chị? Hắn im ỉm, bỏ đi đâu đó một chặp rồi quay về. Hắn tới chừ cũng hơn 50 tuổi rồi. Nhà hắn ở thôn Phước Lợi, cả gia đình hắn trên nớ ai cũng bị bệnh như rứa hết”.
Buổi sáng, khi trước mỗi quầy hàng đều đã có một xô nước đầy, ông Bình bắt đầu đi dạo quanh chợ để... ăn. Ông ăn phải đủ 4 - 5 quán, từ mì, bún, bánh đúc cho đến 1 - 2 ổ bánh mì. Ông ăn nhiều như vậy nhưng từ xưa đến nay, cả chợ chả ai tiếc với ông bao giờ. Có những hôm không lội bộ đi chơi qua Tiên Thọ, ông Bình ở chợ phụ giúp mọi người, ai nhờ gì ông cũng làm. “Người đi chợ thấy ổng như vậy, thỉnh thoảng cũng cho vài nghìn. Có đồng mô, ổng đem về quán bà Đào vuốt thẳng thớm rồi lấy gạch đè lên chứ không biết tiêu” – chị Lý bán thịt kể. Chỉ một lần, họ thấy ông Bình mang hết số tiền đã cất kỹ bao lâu nay qua Tiên Thọ. Đến lúc về, chân nam đá chân chiêu, mùi rượu nồng nặc cả người mới biết xấp tiền lẻ trong túi quần đã không cánh mà bay. Từ đó, cứ mỗi lần ai cho tiền ông Bình, người trong chợ đều lấy hết, họ giữ giùm để thi thoảng mua cho ông cái áo, cái quần hoặc thuốc men lúc ông ốm đau.
Người bán hàng ở chợ An Lâu từ bao giờ đã xem ông Bình là một phần không thể thiếu của chợ. Có hôm ông chẳng đi đâu, nằm ho sù sụ cả ngày ở quán bà Đào, thế mà cứ đến đúng giờ, ông lại ra chợ làm mấy công việc quen thuộc. Cả chợ ai nấy đều lo sốt vó. Có người đi mua thuốc bắc đem qua nhờ bà Đào nấu cho ông xông. Có chị còn nấu hẳn một ấm trà gừng bảo ông uống. Chị Luận bán rau nói: “Chắc nhờ trời nuôi, mà mấy năm nay chưa bao giờ ổng đau nặng, chỉ cảm cúm sơ sơ đã có người mua đủ thứ từ thuốc tây tới thuốc bắc cho uống rồi”.
Vừa rồi, quán cơm của bà Đào bị chủ đất lấy lại một phần lớn, nên ông Bình cũng không còn chỗ ngủ. Người ở chợ An Lâu biết vậy, chung tiền lại dựng cho ông một cái lều nhỏ, đầy đủ giường gối. Tối, khi quét dọn chợ sạch sẽ xong, ông đều bật đèn sáng trưng cả chợ. Ai hỏi làm gì mà bật đèn nhiều thế thì ông cười bảo: “Sợ ma kéo... chân!”. Chợ An Lâu, có lúc đông, lúc tàn, nhưng tình người ở đây chẳng bao giờ cạn.
PHAN VINH