Trở lại với hành trình cùng nụ cười trọn vẹn dành cho những em thơ Việt Nam, chuyến đi này, “ông bụt” từ Nhật Bản - Giáo sư, bác sĩ Tadashi Yamamoto còn có người con trai đồng hành, như ngầm hẹn rằng anh sẽ tiếp câu chuyện cổ tích của cha mình với Việt Nam...
1. Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đón những người bạn Nhật đặc biệt. Họ, đã 3 năm rồi mới lại đặt chân trở lại xứ Quảng. Giáo sư, bác sĩ (GS.BS) Tadashi Yamamoto nói, chuyến đi lần này ông trông ngóng rất nhiều.
Bởi không chỉ là những cuộc phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em lẫn người lớn, chuyến đi của người già sắp chạm ngưỡng 80 với dày đặc kỷ niệm cùng Việt Nam, còn là một cuộc trở về.
Sau khoảng thời gian đại dịch COVID-19 với những mất mát xảy ra trên toàn cầu, điều còn lại mỗi người giữ được, là những câu chuyện thiện lương gieo nhặt, là lòng tử tế lan tỏa và may thay được tiếp nối bởi nhiều thế hệ.
Người Việt gọi GS.BS Tadashi Yamamoto là ông tiên, ông bụt. “Phép lành” người đàn ông này gieo xuống, đang tỏa nắng bằng những nụ cười tươi trên môi em thơ - nụ cười lộ hàm răng cùng khuôn miệng duyên dáng mà tạo hóa ban cho mỗi người.
Từ gần 30 năm trước, năm 1995, chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam của ông Tadashi Yamamoto, đã ghi dấu những khoảnh khắc đồng cảm.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê tại Nhật, giống hệt như những nơi tôi đến ở Việt Nam vậy, ở đâu cũng có những đứa trẻ bị sứt môi và bị xã hội hắt hủi. Chính vì thế, tôi hiểu rất rõ nỗi buồn của các em và cả các bậc cha mẹ nữa!” - ông Tadashi Yamamoto nói.
Khi ấy, ông vẫn đang là GS.BS chuyên về phẫu thuật hàm mặt tại Bệnh viện Đa khoa Toyohashi, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Năm 2000, từ lời rủ rê, “thủ thỉ” của một thông dịch viên tiếng Nhật, người Quảng Nam, GS.BS. Tadashi Yamamoto chọn Quảng Nam là điểm đến trong hành trình hằng năm của mình.
Và trong suốt cuộc hành trình phẫu thuật thiện nguyện của mình, không chỉ với những vùng xa xôi cách trở khó nghèo của Việt Nam, những đứa trẻ kém may mắn của Trung Quốc, Campuchia... cũng từng được người đàn ông Nhật này mang lại nụ cười. Tất cả đều miễn phí.
2. Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam dự tính làm một cuộc gặp mặt và tri ân GS.BS. Tadashi Yamamoto, ngay mốc 20 năm ông gắn bó với bệnh nhân của Quảng Nam. Nhưng đại dịch khiến những dự tính phải lùi lại. Để những ngày cuối tháng 6 vừa qua, y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam lấp lánh hạnh phúc khi gặp lại những người bạn cũ.
Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc bệnh viện nói, tính đến năm nay, sau khoảng gián đoạn 3 năm dịch bệnh, bệnh nhân sứt môi hở hàm ếch được GS.BS. Tadashi Yamamoto trả lại nụ cười đã lên đến con số hơn một ngàn. Những giáo sư, bác sĩ Nhật Bản không đơn thuần là đồng nghiệp, cộng sự trong những cuộc mổ làm lành thương tổn mà trở thành những người bạn quý, người thân của mỗi y bác sĩ.
Nhiều năm trước, bằng uy tín của mình, GS.BS. Tadashi Yamamoto đã vận động các trang thiết bị y tế từ bệnh viện, bạn bè tại Nhật để gửi đến Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, số lượng thiết bị từ Nhật gửi sang cho các bệnh viện của Việt Nam phục vụ vận hành phẫu thuật đã hơn chục container, với trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, ông đã tặng trang thiết bị hỗ trợ thêm cho các phòng mổ với đầy đủ đèn mổ, giường mổ, máy gây mê, máy đo điện tâm đồ vào năm 2002. Đặc biệt, nhờ ông và đứa con trai đang là bác sĩ Bệnh viện Toyota mà hãng Toyota đã tài trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam một xe cấp cứu trị giá hơn một tỷ đồng.
Nhưng điều đáng trân quý nhất, không phải chỉ ở mỗi nụ cười trọn vẹn ông mang lại cho trẻ thơ, mà còn là tinh thần của thế hệ đàn anh - luôn sẵn sàng chia sẻ và truyền nghề. Mỗi ca phẫu thuật, ông đều muốn có các y bác sĩ của mỗi bệnh viện cùng thực hiện.
“Tôi không muốn các bác sĩ Việt Nam chỉ đứng xem nên luôn thực hiện cùng với họ từng phần một, để họ biết được các kỹ thuật này và có thể tự làm được ngay cả khi không có tôi” - ông Tadashi Yamamoto nói.
Và cứ thế, suốt nhiều năm liền, ông trở thành người thầy đáng kính của nhiều thế hệ bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Trường Đại học Y dược Huế, Viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội...
3. “Điều gì khiến ông gắn bó với Quảng Nam lâu dài đến vậy?” - chúng tôi hỏi. Ông bảo rằng, năm 2000, ông gặp và quen biết ông Tôn Thạnh Nghĩa - lúc đó đang thông dịch viên cho hoạt động tại Bến Tre của đoàn.
Chính ông Nghĩa là người đã kết nối với giới thiệu mảnh đất Quảng Nam cho hành trình sau này của ông. Đã đi nhiều nơi, nhưng GS.BS Tadashi Yamamoto nói, chưa nơi nào để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm và ấn tượng với ông như đất Quảng. Ông nói, bởi bệnh nhân ở đây nghèo khó hơn, cần đến ông hơn, khiến ông cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn gấp bội lần.
Và cũng bởi, những tấm lòng của người mẹ Quảng Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ông. Những người mẹ mang nặng đẻ đau mới sinh ra được đứa con mà hình hài không trọn vẹn đã rất đau đớn, rồi còn phải gánh chịu những ác cảm xung quanh thì đau khổ gì bằng.
Chị Huỳnh Thị Thu T. (Bình Giang, Thăng Bình) đưa cậu con trai sinh năm 2017 của mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khi nghe tin có đoàn bác sĩ Nhật sẽ mổ dị tật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí. Sau khi khám sàng lọc, biết rằng con sẽ được hai cha con bác sĩ Tadashi Yamamoto trực tiếp phẫu thuật, chị mong ngóng đứng ngồi không yên. Cho đến giờ phút đưa con ra phòng hậu phẫu chăm sóc, người mẹ này rơi nước mắt vì hạnh phúc.
“Lúc sinh ra, biết cháu bị hở hàm ếch, mình lo rằng không biết lớn lên có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của cháu không. Khi đưa cháu đi khám sàng lọc và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật, mình mừng lắm” - chị T. chia sẻ. Không chỉ kinh phí thực hiện cuộc mổ, giường nằm và chi phí chăm sóc hậu phẫu, tất cả bệnh nhân đều được miễn phí.
Ông Yamamoto nói, chuyến đi sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch khó khăn hơn vì hiện tại Nhật Bản đang hạn chế người dân ra nước ngoài, do vậy, số bác sĩ đi trong đoàn cũng ít hơn so với dự kiến. Số ca phẫu thuật lần này vì thế cũng hạn chế hơn.
Đó chính là lý do để đoàn buộc phải khám sàng lọc cho bệnh nhân trước để lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay đợt này, với những trường hợp không có chỉ định mổ, GS.BS Yamamoto nói, người bệnh cũng được hỗ trợ một phần chi phí đi lại.
Ông Tôn Thạnh Nghĩa - người bạn thân ở Việt Nam của GS. Yamamoto, cũng đồng thời là thông dịch viên xuyên suốt cho hoạt động thiện nguyện của ông, kể rằng, ai cũng nghĩ ông Yamamoto hẳn phải là triệu phú, thậm chí tỷ phú ở Nhật.
“Ít ai biết được dù là một giáo sư nổi tiếng, vợ chồng ông chỉ sống khiêm tốn trong căn hộ tập thể nhỏ xíu. Ở đó, tất cả tranh, ảnh (quà lưu niệm được người Việt Nam tặng) đều được ông sắp xếp gọn gàng. Gần như toàn bộ tiền bạc kiếm được ông đều dồn hết cho việc khám chữa bệnh, mua trang thiết bị gửi đến Việt Nam.
Kể cả hiện giờ, dù đã về hưu và chỉ còn nhận một khoản lương ít ỏi, sức khỏe có yếu đi, ông vẫn mặc kệ những lời khuyên can, ngày ngày tìm mọi cách chắt chiu, hằng năm tự chi tiền túi sang Việt Nam làm việc, khám bệnh không ngừng nghỉ. Ông thậm chí còn không có xe hơi” - ông Tôn Thạnh Nghĩa nói.
GS.BS Tadashi Yamamoto đã được Bộ Y tế của Việt Nam tặng huân chương cho những đóng góp từ thiện dành cho trẻ em Việt Nam. Rất vui với ghi nhận của Chính phủ Việt Nam, ông Yamamoto nói, bao giờ cũng vậy, đối với ông, phần thưởng lớn nhất là những nụ cười của trẻ em!
Bên cạnh, người con trai, cũng là đồng nghiệp và cộng sự trong chuyến hành trình đến Việt Nam - bác sĩ Yamamoto Tomo nhìn cha mình, như ngầm ước hẹn rằng, câu chuyện đẹp với những nụ cười trọn vẹn cho trẻ thơ sẽ luôn được tiếp nối!