Nói oang oang, khi thích chí thì cười khà khà, thấy sai là cãi tới cùng..., đó là đôi nét phác họa của người dân huyện Hớn Quản khi chúng tôi hỏi thăm về ông Trần Công Cảnh - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước. Ông Cảnh được người dân trong vùng yêu mến gắn địa danh của quê hương thứ hai thành tên: ông Cảnh Hớn Quản.
Chốn đi về
Buổi trưa ở trang trại Nghĩa Phúc (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) không có chút nắng lọt vào bởi vườn cây trái xanh um bao bọc. Trước mặt tôi là người đàn ông đậm chất Quảng Nam, cười khà khà khi trong câu chuyện có điều gì đó thích chí và cũng sẵn sàng cãi tới cùng một vấn đề mà ông cho là chưa thỏa đáng.
Ông Cảnh trong vòng tay của bà con đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước.Ảnh: MINH KIỆT |
Gò Nổi là mảnh đất nuôi dưỡng cậu bé Cảnh nghịch ngợm, ưa chơi đùa với cây cỏ suốt những năm tháng ấu thơ. Sự đưa đẩy của số phận khiến ông chấp nhận rời bỏ quê hương với bao kỷ niệm chất chứa trong lòng. Bước chân vào vùng đất Sài Gòn, ông chỉ biết học và học. Đến khi ông chính thức được đứng lên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho hàng trăm sinh viên thì cũng là lúc ông biết ước mơ của mình không dừng lại đó. “Tôi dân gốc rạ, thấy mình không hợp với nghề cầm bút, cầm phấn. Tôi thích được bổ những nhát cuốc thật sâu để nghe mùi đất mới, để được trồng cái cây và nhìn nó lớn lên từng ngày. Cái chất nhà nông thì có bao giờ thay đổi được dù anh có làm bất cứ nghề gì”. Ông cười ha hả khi nói về mình như thế. Nói là vậy nhưng hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng ông đã từng tham gia hoạt động trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, xây dựng và là cổ đông sáng lập Công ty CP Tân Minh - đơn vị chuyên trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu cao su.
Ông bảo, cái chất Quảng Nam, chất nông dân đã thấm sâu vào người, nên dù có đi làm thầy giáo, doanh nhân chi rồi cũng muốn quay về làm nông dân, làm người trồng cây. Hướng đôi mắt về phía rừng cao su bạt ngàn, ông kể rằng hồi ông mới đến Bình Phước, cả vùng này chỉ là đất đỏ. Nắng thì bụi mịt mù, mưa bùn lầy dính chặt đôi chân. Nhưng cái tính chịu thương chịu khó của người Quảng đã chiến thắng tất cả. Sau bao nhiêu khó khăn, những cây cao su đã lớn lên từng ngày, rồi ao cá, chuồng heo, chuồng gà cứ thế dần hình thành. Bằng nỗi nhớ quê nhà, bao nhiêu kỷ niệm được ông gom góp vào trang trại Nghĩa Phúc của mình như một nơi chốn đi về không chỉ cho riêng ông mà cho cả những bà con người Quảng gắn bó và làm việc tại đây. Chị Trần Thị Ngọc Hoa - người chăm sóc cây ở trang trại chia sẻ: “Ở đây, ông Cảnh như cha như chú chúng tôi, có hôm ông vui còn hát bài chòi cho nghe. Làm cái chi ổng cũng bảo tụi bây sống sao cho người ta biết mình là người Quảng Nam, chịu thương chịu khó, nghĩa tình… Dù mình giàu hay nghèo nhưng đã là bà con đồng hương thì phải biết yêu thương, hỗ trợ nhau mà sống nơi xứ người”.
Sống phải biết chia sẻ
Làm lụng cả một đời, chưa bao giờ thấy ông có phút thảnh thơi. Những ngày nghỉ của ông Cảnh Hớn Quản là những ngày ông đi khắp Bình Dương, Bình Phước để tìm hiểu đời sống của bà con đồng hương Quảng Nam. Hằng tháng, những người già ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ khuyết tật, mồ côi Bình Phước luôn cảm thấy ấm áp hơn bởi sự xuất hiện của vợ chồng ông. Việc một người nông dân đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nên ngôi trường mang tên vị danh nhân đất Quảng - Trần Cao Vân tại xã vùng sâu vùng xa Minh Đức thuộc huyện Hớn Quản cũng khiến cho nhiều người nghĩ suy về mục đích sống, làm việc của mình. Tuy nhiên với ông Cảnh, câu chuyện này đơn giản là “mình có thì phải chia sẻ với người không có”. “Phải nhìn thấy bọn trẻ con vùng đó đi học mới thấy được mình cần phải làm gì là ý nghĩa cho cuộc đời này. Tôi không có nhiều của cải, vợ chồng tôi chỉ có tình yêu thương, vậy nên khi nghe tôi quyết định bỏ ra 2 tỷ đồng để xây trường cho mấy đứa nhỏ, bà xã đồng ý ngay” - ông Cảnh nói.
Cây cỏ đã tạo dựng nên cho ông Trần Công Cảnh một sự nghiệp mà chỉ khi tận mắt nhìn trang trại của ông, được ông tận tình đưa vào những rừng cao su bạt ngàn mới thấy được sức mạnh của đôi bàn tay và trí óc của người đàn ông Quảng Nam này. Ông bảo: “Tôi quan niệm mình là người nông dân nhưng không phải cứ nông dân là không thể làm nên chuyện lớn được. Mình phải biết lấy cái cần cù của nông dân để cộng hưởng với khoa học kỹ thuật, với kinh doanh hiện đại… Thời buổi này mà cứ nghĩ trong phạm vi nhỏ hẹp là không được”. |
Gọi ông là ông Cảnh Hớn Quản, bà con đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Bình Phước, Bình Dương dường như xem ông là người thân cận và chỗ dựa tin cậy. Ngày họp mặt đồng hương tại Bình Phước, ông đứng ra viết giấy mời gửi đến từng người, rồi còn cẩn thận cho xe đưa đón những người lớn tuổi đến chung vui với bà con đồng hương.
Những việc mình làm, ông chưa hề nghĩ đến 2 chữ thành tích. Chỉ xuất phát từ việc làm sao đó để cho đồng hương mình có công ăn việc làm ổn định. Ai khó khăn thì ông giúp đỡ hoặc vận động cộng đồng người Quảng đang sinh sống ở Bình Phước tham gia. Với tâm niệm sống là giúp đỡ và yêu thương người khác nên những việc làm của ông đã được Sở LĐ-TB&XH Bình Phước trao tặng bằng khen, được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương và nhiều năm liền được UBND tỉnh Bình Phước công nhận danh hiệu Trang trại sản xuất giỏi - Tham gia nhiều công tác xã hội và từ thiện.
MINH KIỆT