Ông chủ tiệm nấm với thú chơi đồ cũ

THÀNH CÔNG 05/01/2019 00:48

Dù rẽ bước sang con đường kinh doanh và khá thành công với nấm lim xanh, những ký ức về tuổi thơ nghèo khó nơi quê nhà lại mở đường cho anh Lương Tấn Oanh (SN 1982, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) gắn bó với một thú chơi khác: sưu tầm đồ xưa cũ. Anh lặn lội đi tìm, mang về những món đồ “nhà quê” như một cách cất giữ những ước mơ trong quá khứ của mình…

Anh Oanh bên căn nhà sàn ghép bằng nấm lim xanh của mình. Ảnh: T.C
Anh Oanh bên căn nhà sàn ghép bằng nấm lim xanh của mình. Ảnh: T.C

Đổi đời từ nấm lim xanh

Những chuyến đi đều như thoi giữa Tiên Phước, Tam Kỳ, Hội An, có khi xa hơn, đến các tỉnh thành trong nam ngoài bắc, những công việc có tên và không tên cứ kéo ngày trôi đi trong mê mải. Anh tâm sự, hình như mình hơi “ham hố”, khi thứ gì cũng biết chút chút, nên thành thử ít khi nào chịu rảnh tay. Quá khứ, anh đủ nghề, từ thợ cắt tóc, chụp ảnh, sửa điện thoại…, làm suốt nhưng vẫn cứ chật vật áo cơm. Rồi một dạo, nấm lim xanh nổi lên ở vùng quê Tiên Phước, nhà nhà, người người đổ xô đi tìm nấm, bán nấm. Anh là một trong số hàng trăm người đó, tự mình lên rừng tìm nấm, bán lẻ cho thương lái.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ loại nấm lim xanh tăng cao, trong khi đầu mối cung cấp mang tính nhỏ lẻ, mạnh ai nấy chạy, anh kết nối với một nhóm hộ từng cùng mình tìm nấm, đứng ra thu mua. Không ăn xổi, “gã nhà quê” Lương Tấn Oanh có những tính toán xa hơn, với tham vọng xây dựng một thương hiệu riêng cho nấm lim xanh ở quê nhà. “Tôi thành lập công ty TNHH Nấm Lim Xanh Tiên Phước kinh doanh mặt hàng này. Khách hàng mua, dùng thử, thấy có tác dụng mới quay lại với mình. Có đổ tiền ra làm quảng cáo, cũng không hiệu quả bằng khách hàng tự truyền miệng lẫn nhau. May mắn là ngày càng có nhiều người tìm đến mua nấm của tôi, việc kinh doanh khá thuận lợi. Nấm lim xanh thực sự giúp tôi đổi đời” - anh tâm sự.

Những tháng ngày lặn lội trong rừng tìm nấm, anh tích lũy cho mình một kiến thức kha khá về loại nấm lim xanh của Quảng Nam. Anh vào xưởng, lấy ra từng mẫu nấm, giới thiệu về đặc điểm, tính chất, giá trị của từng loại. Nấm lim ở Quảng Nam có tới 6 loại, gọi là “lục bảo linh chi”, gồm nấm hồng chi, hoàng chi, tử chi, hắc chi, tuyết chi và thanh chi. Trong đó, giá trị nhất là loại nấm tử chi. Ba loại thông dụng nhất là hồng chi, mọc ở rễ cây lim, tử chi mọc ở thân và hoàng chi (hay còn gọi là cổ linh chi), mọc gần gốc. Sản phẩm của công ty được đưa đi khắp nơi, nhiều người lặn lội từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đến tận nơi để hỏi mua nấm. Anh bắt đầu nghĩ đến việc tự quảng bá cho nấm lim xanh bằng cách riêng của mình. Vẫn đưa sản phẩm đến quảng bá tại các hội chợ, lễ hội về cây dược liệu, nhưng kỳ công hơn, anh nghĩ cách tạo ra một biểu tượng riêng bằng nấm lim xanh.

Tháng 6.2017, tại hội chợ sâm Ngọc Linh diễn ra tại huyện Nam Trà My, anh đưa đến một con rồng được làm kỳ công bằng cách ghép từ những tai nấm lim xanh, trưng bày tại gian hàng của mình. “Linh vật” độc đáo này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều du khách tham quan hội chợ. Cách đây chừng một tuần, anh bỏ thời gian hơn mười ngày, thuê 7 nhân công cùng mình làm một ngôi nhà sàn cũng bằng nấm lim xanh. “Nấm lim xanh là sản phẩm của núi rừng Quảng Nam, xuất phát từ bà con miền núi, nên tôi suy nghĩ và chọn hình ảnh nhà sàn truyền thống của đồng bào để làm với ý nghĩa gắn với nguồn gốc cây nấm. Toàn bộ nấm dùng để ghép trang trí cho ngôi nhà được tuyển lựa kỹ, dùng đinh thép gắn vào, tuyệt đối không sử dụng hóa chất kết dính vì sợ ảnh hưởng chất lượng nấm. Căn nhà này được đưa đi hội chợ ở TP.Đà Nẵng, nhằm giới thiệu loại dược liệu quý của quê hương đất Quảng” - anh cho biết.

Sưu tầm đồ xưa cũ

Cuộc sống khấm khá hơn sau nhiều năm tháng kinh doanh, anh biết ơn quãng đời nghèo khó nơi góc bếp của gia đình mình. Học cấp hai, anh một buổi đi học, một buổi học nghề cắt tóc ở tiệm. Tốt nghiệp cấp hai, anh cũng “tốt nghiệp” luôn nghề cắt tóc, và nghỉ học theo nghề, vì cơ cực. Làm cắt tóc, kiêm thêm nghề chụp ảnh, rồi mày mò học sửa điện thoại, nghề nào anh cũng làm, miễn là có tiền để trang trải cuộc sống. Đến khi đã ổn định về kinh tế, những ký ức của ngày xưa lại quay về. “Tôi đã từng có nhiều ước mơ rất giản đơn, như là sở hữu một cái bàn ủi con gà, hoặc có một bộ nồi đồng đầy đủ trong chái bếp. Nhiều người khi giàu có, họ thích chơi đồ công nghệ, thích các mặt hàng xa xỉ, nhưng tôi lại nghĩ nhiều hơn đến những ước mơ ngày còn nhỏ. Vậy là đi sưu tầm, mua lại những thứ đó để trong nhà. Chỉ để “chưng” cho đẹp thôi, vì chẳng ai dùng bàn ủi con gà hay nồi đồng để nấu nữa, nhưng những thứ đó nhắc tôi về động lực để không ngừng cố gắng. Phần nữa, tôi yêu vì nó nhắc về gia đình, về gốc gác. Tôi cứ nghĩ, mình phải lưu lại những thứ đó cho chính con cháu mình, nhắc nhở con phải biết nhớ về nguồn cội” - anh nói.

Bộ bàn ủi con gà do anh sưu tầm. Ảnh: T.C
Bộ bàn ủi con gà do anh sưu tầm. Ảnh: T.C

Căn nhà ở TP.Tam Kỳ, anh đặt tên là “Lương gia trang”, chất đầy đồ cũ. Là một chiếc xe ngựa, một bộ phản gỗ nằm, hàng chục chiếc bàn ủi con gà, bộ nồi đồng đủ kích cỡ, chiêng, phèng la của người đồng bào. Vô thiên lủng những thứ đồ xưa chất kín. Ở Duy Hải (Duy Xuyên), cạnh chân cầu Cửa Đại, anh cũng có một “bảo tàng” riêng, với toàn đồ xưa. Những thứ đó, anh cất công kiếm tìm, khi biết có người sở hữu là tìm đến, hỏi mua. Có thể phải bỏ ra số tiền khá lớn, nhưng anh sẵn sàng. Nhiều người bạn biết sở thích của anh nên cũng nhiệt tình giới thiệu khi biết có người muốn chia sẻ về đồ cũ. Anh đi ra Huế, chỉ để mua một chiếc sập ba cạnh của hoàng tộc mang về với giá hàng trăm triệu đồng. Có nhiều chuyến đi xa hơn, đến tận Nam Định, Ninh Bình, hoặc xuất ngoại sang Campuchia, lần nào cũng đem về một món đồ cũ.

Căn nhà gỗ ở Duy Xuyên rộng hơn 500 mét vuông, đã chật kín đồ, ở “Lương gia trang” cũng thế. “Đồ cũ là kỷ niệm. Không hẳn những thứ đồ tôi mua được là “đồ cổ”, nó chỉ cũ, nhưng tôi tìm thấy một niềm yêu thích từ chúng. Tôi có một ước mơ, là phục dựng một không gian nhà cũ với đầy đủ những kiến trúc, vật dụng, đồ đạc của thời xưa, đặc biệt là những thứ truyền thống của người Quảng. Nhưng hiện tại, ước mơ đó vẫn chưa thực hiện được vì quỹ thời gian không cho phép, lại không tìm đâu ra người phù hợp để giúp quản lý, giữ gìn đồ đạc. Trước mắt cứ mang được thứ gì về là cất đó, mai này mình sẽ sắp xếp, bố trí lại như dự định” - anh Oanh chia sẻ.

Vẫn có một “gã nhà quê” bên trong anh, trong cả cách nói chuyện và gương mặt. Tôi để ý, mỗi khi nhắc về ký ức, anh không giấu được niềm xúc động. Căn bếp cũ ám khói của mẹ, miền quê Tiên Phước với những mảnh ruộng vắt ngang chân đồi xanh mướt mùa gieo sạ, cả những cánh rừng mênh mông nơi đã có nhiều tháng ngày lặn lội tìm nấm lim xanh như một miền nhớ luôn níu chân anh trở về. Đi đâu rồi cũng về quê, vợ con vẫn ở Tiên Phước, chỉ khi nào cần anh mới trở ra phố. Tôi tin, ở đó, những đứa trẻ sẽ lớn lên, trong kỷ niệm đẹp của chính anh, nơi miền quê đã từng một thời gian khó…

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông chủ tiệm nấm với thú chơi đồ cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO