Ông Cử Hội là mỹ hiệu mà người dân huyện Thăng Bình dùng để gọi cụ cử nhân Nguyễn Duật, một liệt sĩ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887).
Văn võ toàn tài
Nguyễn Duật còn có tên là Nguyễn Uýnh, sinh năm 1847 tại làng Hà Lam, tổng Phú Mỹ trung, huyện Lễ Dương (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Ông lúc nhỏ có tên là Nguyễn Công Trứ, khi đi thi mới đổi tên là Nguyễn Duật, tự là Vọng Sơn, là con trai thứ ba của cụ Nguyễn Đạo, người đã góp công rất lớn vào việc biến Hà Lam thành ngôi làng văn vật nhất huyện với tấm biển vàng “Thiện tục khả phong” (thói thiện đáng làm gương) do vua Tự Đức ban tặng. Gia đình Nguyễn Công của cụ Nguyễn Đạo cũng lại là một trong những gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam với 1 phó bảng, 3 cử nhân và 3 tú tài. Bản thân cụ Nguyễn Đạo đã hai lần đỗ tú tài vào các năn 1819 và 1834. Các con và cháu của cụ có 6 người đỗ đạt. Nguyễn Tạo là con trai đầu đỗ cử nhân năm 1846, làm đến chức Đốc học, Chánh Sơn phòng sứ Quảng Nam; Nguyễn Thuật, đỗ cử nhân năm 1867, phó bảng 1868, từng là Tổng tài quốc sử quán, thượng thư các bộ Lại, Hộ, Binh, Chánh sứ sang Tàu năm 1880. Nguyễn Duật là con thứ 3 cũng là người toàn diện nhất nhà, thi đỗ cả cử nhân văn và cử nhân võ vào năm 1879. Nguyễn Chức (con trai trưởng của phó bảng Nguyễn Thuật) đỗ cử nhân năm 1903. Nguyễn Suyền, Nguyễn Kinh đỗ tú tài năm 1903.
Mộ cụ Nguyễn Đạo, thân sinh của Nguyễn Uýnh, Nguyễn Thuật, Nguyễn Tạo. |
Thiếu thời Nguyễn Duật là người con ngoan, chăm học và học rất giỏi. Năm 1875, thi đỗ tú tài. Năm 1879 thi Hương, đỗ cử nhân. Cũng năm này ông đỗ cử nhân võ. Được triều đình bổ chức lãnh binh, ông xin khất lưu, ở nhà thay các anh đang làm quan xa để phụng dưỡng mẹ già; dạy chữ nghĩa và võ nghệ cho con cháu trong làng. Năm 1885, ông ra Huế dự thi Đình thì gặp cuộc binh biến do Tôn Thất Thuyết chủ xướng. Kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn chạy ra Tân Sở, Quảng Trị. Ông về quê hưởng ứng hịch Cần vương, cùng Trần Văn Dư tổ chức Nghĩa hội Quảng Nam. Ông được cử giữ chức Tán tương quân vụ phụ trách khu vực Thăng Bình - Quế Sơn. Sau khi Trần Văn Dư bị sát hại, ông tiếp tục tham gia Nghĩa hội cùng Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến và trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt.
Liệt sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam
Cuối năm 1885, ông được cử cầm đầu một trong năm cánh quân của Nghĩa hội Quảng Nam vào tiếp ứng cho Nghĩa hội Quảng Ngãi - đang bị quân Nguyễn Thân vây hãm - và tạo thế liên thông cho nghĩa quân Nam - Ngãi. Sau thắng lợi ở Bình Sơn, nghĩa quân Nam Ngãi liên thông được với nhau làm cho Nguyễn Thân hết sức lo lắng phải đề nghị Khâm sứ Pháp tại Huế tăng cường chi viện. Nhờ sự tiếp ứng của người Pháp, Nguyễn Thân dẫn quân trực tiếp chỉ huy đánh chiếm lại huyện lỵ Bình Sơn. Tình thế đang giằng co thì tháng 7.1886, năm đạo quân của Quảng Nam được lệnh kéo về. Trên đường về, đạo quân của Nguyễn Uýnh được cử đi chặn hậu. Khi đến cầu Cháy ở huyện Bình Sơn, quân của ông bị quân Nguyễn Thân phục kích. Ông hy sinh vào ngày 5.9.1886. Hai bộ tướng của ông là Nguyễn Công Khả (người làng Túy Loan) và Nguyễn Cò (người làng Đồng Thới), liều chết phá vòng vây, cướp lại xác ông đưa về an táng ở quê nhà. Năm đó ông vừa tròn 39 tuổi. Mộ ông hiện ở Tiên Nông, thị trấn Hà Lam.
Cái chết của ông là tổn thất lớn của Nghĩa hội Quảng Nam. Thủ lĩnh Nghĩa hội là Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã có câu đối khóc ông:
Nhị huynh tại nhi văn chi quân dĩ đương trường dư chánh khí;
Tam quân hành tắc thủy dữ ngã ư chế khốn phạp lương tài.
(Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Hai anh còn đây, tin ông chiến đấu ở chiến trường thừa chánh khí; Ba quân còn đó, không có ông chỉ huy ta mất một tướng tài).
Vợ Nguyễn Duật là bà Phan Thị Hòa cũng là một chiến sĩ xuất sắc của Nghĩa hội. Khi Nguyễn Duật làm Tán tương quân vụ thì Phan Thị Hòa phụ trách hậu cần. Bà đã xây một nhà kho ở sau vườn nhà gần chợ Hà Lam để thu mua lương thực, thực phẩm (chủ yếu là gạo, muối và mắm cái) để cung cấp cho đạo quân của chồng. Sau khi Nguyễn Duật hy sinh, Nguyễn Thân đem quân đến đốt chợ Hà Lam, đốt kho lương thực, triệt hạ nhà thờ tộc Nguyễn Công. Bà Phan Thị Hòa phải mang các con chạy lên nương náu ở Tân tỉnh Trung Lộc. Tại đây bà đã tập hợp những người thân tín cũ của chồng thành một đạo quân. Đạo quân này đã được thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu cử đóng trên núi Chóp Vung, án ngữ con đường độc đạo tiến vào căn cứ. Sau khi Nghĩa hội tan rã (1887), gia đình bà Hòa vẫn sống ở Trung Lộc, 10 năm sau, khi tình hình lắng xuống mới về lại Hà Lam.
Chuyến xuất quân ngày mùng 2 tết
Ông Nguyễn Công Xuân (cháu gọi Nguyễn Duật bằng ông nội, năm nay đã 92 tuổi, hiện sống ở thị trấn Hà Lam) có kể về chuyến ra quân ngày mùng 2 tết của ông nội mình như sau: Cuối năm Ất Dậu, đoàn quân của Nguyễn Uýnh về đóng ở Hà Lam ăn tết để đầu năm xuất quân vào Quảng Ngãi. Khi ra hội quân để lên đường ông lên võng thì võng bị gãy đòn. Ông bỏ võng sang đi ngựa thì ngựa dậm chân hí vang không chịu bước. Thấy điềm gở, những người tiễn chân ông đều ái ngại, muốn ông hoãn lại không nên lên đường vội. Nhưng biết tính cách của Nguyễn Uýnh, khi đã quyết việc gì thì không ai cản được nên mọi người mới nhờ bà Nguyễn Thị Phát - người em kế vốn rất được Nguyễn Uýnh thương yêu và là người thường xuyên chăm sóc cho ông - đến lựa lời để thuyết phục:
- Việc nước anh phải đi, ai cũng vui mừng, kính phục. Anh đi để làm rạng danh cho gia đình dòng tộc, bọn em cũng được hưởng lây. Nhưng hôm nay chỉ mới là mồng hai lại gặp điềm gở, anh hãy nán lại vài hôm cho quân sĩ ăn tết, rồi xuất quân cũng chưa muộn.
Ông thoáng buồn nhìn cô em rồi ân cần bảo với mọi người:
- Tình cảm gia đình các cô, chú lo cho tôi, tôi vô cùng cảm kích. Nhưng đất nước đang đứng trước họa xâm lăng, bọn tay sai đang cam tâm bán nước. Làm trai không thể đứng yên mà nhìn. Tôi ra đi vì quốc gia dân tộc. Quân Nghĩa hội Quảng Ngãi đang gặp khó khăn, cần cứu viện gấp. Nếu vì điềm nhỏ này mà xem là gở để chần chừ sẽ làm quân sĩ mất hết nhuệ khí trong ngày đầu ra quân, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chiến đấu sau này. Làm tướng là phải thể hiện hết dũng khí, niềm tin và quyết tâm của mình trước ba quân để làm gương. Do đó, dù thân tôi có da ngựa bọc thây nơi chiến địa cũng là điều vinh quang cho gia đình ta. Các cô các chú hãy nhớ điều đó và vui vẻ trở về nhà để tôi và quân sĩ phấn chấn lên đường.
Nói xong ông ung dung lên ngựa. Anh em bà con phải giấu nước mắt vào trong tim, tiễn ông ra trận. Sau này con cháu tộc Nguyễn Công đã xem những lời của Nguyễn Duật vào buổi sáng ngày mùng 2 tết năm đó như là di huấn cuối cùng của ông.
LÊ THÍ