"Ông đồ" trẻ trong hội chợ Xuân

11/01/2017 15:32

(QNO) - Những ngày qua, Hội chợ khuyến mại Xuân 2017 càng có thêm “vị” nhờ gian hàng tranh thư pháp của một “ông đồ” trẻ. Gian hàng thu hút nhiều người, không chỉ vì bày bán loại hàng độc đáo mà còn vì cái chất vừa xưa cũ, vừa hiện tại của người nghệ sĩ trẻ.

Từ đam mê đến cái nghiệp

Vừa bước vào cổng chính của khu hội chợ, dễ dàng nhận ra gian hàng bán tranh thư pháp của anh Cao Văn Ngọc (33 tuổi, ở tại phường An Sơn, TP.Tam Kỳ). Gian hàng nằm phía bên trái lối vào, nổi bật nhờ bày trí rất nhiều tranh chữ. Anh Ngọc chia sẻ, những ngày đi học cấp 3, anh đã mê vẽ tranh, viết chữ. Trong một cuộc thi làm báo tường ở trường, sản phẩm của anh được mang đi dự thi cấp thành phố, rồi sau đó tiếp tục có giải.

Nhiều người thích thú xem
Nhiều người thích thú xem "ông đồ" Ngọc ra chữ. Ảnh: PHAN VINH

“Kể từ đó, mình ấp ủ ước mơ về sau sẽ đi theo con đường nghệ thuật này. Mình thi vào ngành Mỹ thuật của Trường Trung cấp Nghề Đà Nẵng. Và từ khi ra trường cho đến nay vẫn giữ mãi ngọn lửa đam mê. Đến hiện tại, mình xem đây là cái nghiệp gắn với cây cọ. Nhiều lúc vì sinh kế, mình đã từng nghĩ đến việc từ bỏ nghề vẽ nhưng nhờ duyên nợ nên ý nghĩ đó nhanh chóng bị xua tan” - anh Ngọc tâm sự.

Anh Ngọc hiện là chủ một tiệm chuyên làm quảng cáo, pa nô trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Thế nhưng 5 năm trở lại đây, cứ mỗi lần có tổ chức Hội chợ khuyến mại Xuân, anh lại tay cọ, tay mực tham gia. Theo anh, công việc dù có bận bịu đến đâu, nhưng mỗi lần có hội chợ đều sắp xếp thời gian để đến vẽ. Anh đến đây không phải để kiếm lợi nhuận từ việc bán tranh, mà vì muốn được trải hội và nhắc nhớ mọi người phong tục chúc nhau bằng câu đối ngày xuân.

Ông Hồ Ngọc Pháp (65 tuổi, trú phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) là khách quen của anh Ngọc trong nhiều năm nay. Mỗi năm, ông xem sách thấy thich chữ nào thì chờ đến dịp hội chợ gặp anh Ngọc xin chữ. “Ban đầu thấy nét chữ của cậu này cũng lạ mang về treo. Rồi cả một năm nhìn vẫn thấy hay, người yêu chữ nhìn chữ mỗi ngày mỗi khác. Có lẽ tôi hợp với chữ của cậu ấy nên năm nào cũng nhờ viết” - ông Pháp nói.

Nghĩ về thú chơi thư pháp hiện nay

Theo anh Ngọc, ngày xưa, các cụ gọi môn nghệ thuật viết chữ bằng cọ này là thư pháp nhưng hiện nay người chơi đã có cách nhìn khác. Họ đòi hỏi những bức thư pháp “cao cấp” hơn, chỉ có chữ thì rất đơn điệu, họ muốn có thêm tranh trên đó. Chính vì vậy mà bây giờ gọi là tranh thư pháp chứ không đơn thuần là thư pháp như trước. Điều này cũng yêu cầu “ông đồ” ngoài viết chữ phải biết vẽ, tức là kiêm luôn vai họa sĩ. Nhưng tranh phải hợp với chữ và phải tôn chữ làm chính chứ không thể để người xem chỉ nhìn tranh mà không thưởng thức nét chữ.

Quan niệm chơi chữ là chơi vận nên anh Ngọc rất tập trung trong quá trình sáng tác của mình. Ảnh: PHAN VINH
Quan niệm chơi chữ là chơi vận nên anh Ngọc rất tập trung trong quá trình sáng tác của mình. Ảnh: PHAN VINH

Chị Nguyễn Thị Phương (xã Tam Lộc, Phú Ninh) thích thú xem “ông đồ” Ngọc vẽ một hồi lâu, nhìn những bức tranh thư pháp được trưng bày và nhờ viết chữ “Mẹ”. Chị Phương chia sẻ: “Nhiều người trẻ viết thư pháp hiện nay là mua khuôn tranh sẵn rồi viết chữ lên, nhưng anh Ngọc lại vừa vẽ vừa viết. Tôi là một giáo viên mỹ thuật nên cũng am hiểu những điều cơ bản, không phải ai cũng có thể sáng tạo được như vậy. Thực sự tôi thấy hài lòng và ưng ý với bức tranh do anh Ngọc vẽ, vừa cổ xưa, vừa hiện đại”.

Ngoài ra, anh Ngọc còn nghĩ đến việc thay thế chất liệu giấy bằng loại nhựa cao cấp. Theo anh, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, để khách hàng bỏ tiền ra mua một tác phẩm nghệ thuật đúng chất còn phải đảm bảo được độ bền. Chất liệu giấy dù có bảo quản như thế nào lâu ngày vẫn bị ẩm mốc và ố màu. Sau nhiều năm trăn trở, anh Ngọc đã thử viết trên các chất liệu khác nhau và chọn được một loại nhựa cao cấp để dùng. Tranh vẽ trên loại nhựa này sẽ không ố màu và có thể ngâm được trong nước. Thậm chí chất liệu này đáp ứng được nhu cầu với những ai muốn trưng tranh bày trong chậu cá cảnh.

Là người trẻ nhưng lại thích đeo đuổi môn nghệ thuật... có tuổi này, anh Ngọc cũng nhận được nhiều lời khen chê của người đời. Nhưng với anh, coi lời chê để rút kinh nghiệm và lấy lời khen làm động lực để không ngừng học hỏi, tìm tòi; và làm sao để môn nghệ thuật này đến gần nhất với người đương đại.

Cứ một dịp xuân về, tết đến, được diện lên người chiếc áo dài và được viết chữ, vẽ tranh đối với anh Ngọc là một niềm hạnh phúc.

PHAN VINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ông đồ" trẻ trong hội chợ Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO