Là vợ chồng đã 30 năm nhưng tính ra ông bà sống gần nhau chỉ khoảng một phần mười số đó. Đời lính khiến ông trải những ngày xa vợ thăm thẳm, lúc gần nhau quả là “chẳng đủ để mà giận dỗi”.
Với ông trong những ngày xa nhà, được ôm vợ lúc chiêm bao cũng là hạnh phúc, để rồi hôm sau cứ ngẩn ngơ nhấm nháp vị ngọt trong mơ. Cứ tưởng tượng cảnh vợ chồng được gần nhau không phải tính bằng ngày, ông lại háo hức chờ mong. Vậy nên, cầm quyết định về hưu, niềm vui đầu tiên ông nghĩ đến là được gần vợ con.
Đứa con duy nhất đã có chồng xa, ông bà lại như vợ chồng son sau những tháng năm biền biệt. Nhưng tiếc thay họ như cỗ máy bắt đầu chạy rô-đa khi đã chớm già; và rồi, sự lệch pha dần phát lộ, không phải tuổi tác mà là tính cách. Bà kéo co với thời gian nhằm níu lấy thanh xuân, trong khi ông cam chịu, lầm lũi để tuổi già dẫn dắt.
Ông tự già hóa ngay từ cách xưng hô; khi cháu ngoại chưa cất tiếng nói đầu đời ông đã đi tắt đón đầu, thay cháu gọi “bà”. Bà thì vẫn anh anh, em em tươi trẻ, đằm thắm như ngày nào. Với ông, vẻ như đã nhìn xuống đất và xỏ một chân sang thế giới bên kia bởi đánh đồng nghỉ hưu với “ăn chơi chờ chết”; trong khi bà vẫn ngước cao, soi gương trang điểm mỗi ngày.
Ông dậy sớm bù lại bằng ngủ sớm, đúng như lời bà: “Gà vừa cõng con lên chuồng thì người cũng lên giường”. Trễ lắm thì xem xong thời sự trên ti-vi là ông thả hồn vào “vương quốc của thần mộng”; trong khi bà vẫn chờ xem những bộ phim tưởng chỉ hợp với giới trẻ như “Mối tình đầu” hay “Anh không thể thiếu em”… Xem xong, bà hào hứng san sẻ với “hội mẹ chị” trong xóm, lại còn góp ý với đạo diễn từ xa: “Tập tiếp theo chắc thằng ‘trời ơi’ kia sẽ chết”; “Đúng ra phải để hai đứa tái hợp mới có hậu”; “Sao cứ bế tắc lại bắt nhân vật chính ung thư, ác quá!?”. Đến hồi cao trào, bà còn khóc cười theo phim… Đọc báo thì bà chỉ xem mục làm đẹp với cách dưỡng da hay đánh tan mỡ bụng rồi cách đắp mặt nạ bằng các dưỡng chất. Ngược lại, ông mở tờ báo là đọc tin buồn đầu tiên, lắm hôm bần thần ngồi lặng khi biết người quen vừa ra đi.
Ông thường giễu bà “già không đều”, “cưa sừng làm nghé”. Cả trang phục với màu sắc trẻ trung của vợ cũng bị chồng xổ toẹt: “Sặc sỡ như thằng hề!”. Cứ thấy nhân viên ship hàng gõ cửa gọi tên bà là ông trề môi, dài giọng: “Lại quần áo!”. Biết chồng không ưa vợ hay đổi mốt nên thử cái váy có dây khóa sau lưng, bà cũng nhờ cô bé thuê trọ bên cạnh. Chẳng thể trông chồng góp ý cách ăn mặc nên khi có trang phục mới, bà nghiêng qua ngó lại, một mình với bóng trong gương. Thấy bà đi thể dục buổi tối mà vẫn săm soi bộ trang phục thể thao mới mua, ông cười cợt: “Đúng là mặc gấm đi đêm”.
Nghe vợ hớn hở khoe có cậu cùng cơ quan đáng tuổi con nhưng cứ gọi chị, chồng phũ phàng: “Nó chọc chơi đấy, chưa chi đã ngất ngây rồi!”. Bà cụt hứng, sượng sùng. Bà khác với người ta cả trong giấc mơ ban ngày; trong khi người mơ trúng số, kẻ ước nhà lầu xe hơi, người muốn chu du khắp nơi cho đã đời, bà thì chỉ mong trẻ lại hai chục tuổi.
Vợ muốn kéo chồng về phía mình, khi thì rủ ông đi du lịch, lúc gợi ý chơi cầu lông hay tắm biển buổi chiều. Đáp lại là cái lắc đầu và phẩy tay từ chối. Bà ngơ ngác buồn nhưng vẫn theo ý mình, cùng mấy bà đồng niên tung tăng đây đó. Thế là, trong khi chồng quanh quẩn tại gia, vợ hăm hở đi xa; để rồi khi gặp lại, nét mặt rạng ngời của bà đối lập với sự cau có của ông.
Lý trí không cho ông lên tiếng can ngăn sở thích của vợ nhưng sự khó chịu thì chẳng thể giấu. Ông bỗng kín tiếng khép lòng, khi cần mở lời thì cụt ngủn, lúc đáp thì qua loa. Bà cầu hòa, giả không để ý sự bực dọc của chồng, còn hồn nhiên cười nói. Vẫn không cải thiện được tình hình băng giá, bà tìm đến “hội mẹ chị” nhiều hơn. Ông thì thui thủi, lắm lúc giật mình, thấy cô đơn ngay trong nhà mình. Gắn kết chồng vợ có nguy cơ như dao động con lắc tắt dần. Căn nguyên u ám, suy cho cùng chỉ vì cái tính chấp nhặt đã đẩy ông ra xa bà. Nhà thiếu vắng “lực lượng thứ ba” để giải hòa, chí ít cũng bắc nhịp cầu thiện chí nên ông bà càng bí, cứ loay hoay trong khoảng cách không đáng có.
Con gái cùng chồng con về thăm, tiếng nói cười khiến căn nhà đột nhiên ấm cúng. Người mẹ vui khi có “đồng minh” nên cứ quấn lấy con. Hai mẹ con không rời nhau, đến ngủ con gái cũng ôm mẹ, bỏ mặc chồng con. Cả hai thủ thỉ nhỏ to, kèm theo là khoảng lặng kéo dài thay vì tiếng cười khúc khích như thường khi; thoáng thấy ông, họ liền im bặt. Ông chột dạ bởi thấy con không quấn quýt, tíu tít như ngày nào, thay vào đó là ánh mắt buồn. Ánh mắt ấy có lúc nhìn ông như muốn nói điều gì rồi cúi xuống, lảng đi. Hôm ra về, con đột nhiên quyến luyến bố, lại ngần ngừ nhưng không cất nên lời.
Con gái về lại nhà chồng được mươi ngày thì ông nhận thư con, cầm thư ngơ ngác rồi thắc mắc giữa trời: “Thời đại 4.0 sao vẫn thông tin theo cách cổ truyền?”. Anh bưu tá chắc cũng nghĩ vậy, tươi cười trao thư cho người nhận: “Đã lâu lắm cháu mới chuyển phong thư bé bé như này.” Đọc thư ông mới biết, hóa ra có nhiều điều nói trực tiếp không tiện nên con phải vòng qua bưu điện.
Con gái đưa bố về với xa xưa: “Bố biết không, ngày còn đi làm, mẹ có ước mơ bình thường là mặc đẹp khi vào cơ quan nhưng không dễ thực hiện. Không được là bởi công việc nấu ăn khiến mẹ phải mặc đồ bảo hộ khi vào bếp, với cái tạp dề nhem nhuốc dầu mỡ, than tro, lại sặc mùi hành tỏi. Giờ nghỉ hưu, mẹ mới có điều kiện thực hiện ước mơ bé mọn ấy. Con tưởng bố thấu hiểu và ủng hộ để mẹ được vui. Thế nhưng hình như bố nghĩ khác. Mẹ buồn lắm, bố ạ!”. Ông giật mình, hóa ra sống với nhau từ sinh con rồi có cháu mà ông vẫn chưa hiểu hết người đầu gối tay ấp, hóa ra sự già cỗi suy nghĩ không chỉ khiến ông yếm thế mà còn phiền tới vợ con.
Thư viết tiếp: “Ngày bố đi xa, mẹ vừa lo công việc rồi chăm sóc ông bà nội và con, cực lắm. Nhiều hôm mẹ rời cơ quan là đi đón con rồi về nấu cơm cho ông, lại lật đật vô viện với bà nhưng không hề kêu ca. Giờ nhắm mắt lại con vẫn thấy cái dáng tất bật, lúc nào cũng hối hả của mẹ ngày ấy. Những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo cứ như vận vào mẹ vậy: “Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều”… Giờ được thảnh thơi, mẹ vui chơi, chăm chút cho mình, cũng đáng lắm chứ, phải không bố? Hãy bù đắp cho mẹ những ngày yêu xa, bố nhé.” Những dòng chữ nhòa đi, ông đưa tay gỡ kính rồi chặm lên khóe mắt.
Không thể chờ đến sáng mai, ông bước qua phòng vợ. Bà đang đắp mặt nạ, vừa thấy ông đã kêu lên rối rít: “Mặt nạ trứng gà tanh lắm, anh đừng vô!”. Ông vẫn lại gần, rụt rè ngồi xuống mép giường, cũng rụt rè là ánh mắt bâng quơ. Bà đứng lên bước vội vào phòng tắm, rửa mặt; lúc quay ra nhìn chồng, thăm dò: “Anh có chuyện gì à?”. Ông tươi cười: “Mình đi du lịch nhé.” Bà tròn mắt: “Sao bỗng dưng lại rủ rê du lịch?”. Ông lúng túng nhưng vẫn cố tỏ ra tự nhiên: “Em chẳng thích thế là gì?”. Giọng khẽ nhẹ đến dịu dàng và cả từ “em” dễ thương tưởng đã mất bất ngờ khiến bà xao động. Nhưng sự hào hứng đã không được hưởng ứng: “Năm ngoái thì được nhưng năm nay thì khó rồi”. Ông ngạc nhiên: “Sao vậy?”. Bà chậm rãi: “Du lịch thì phải xê dịch, trong khi em đang đau cột sống. Mặt khác, đi xa, ăn uống thất thường, rồi còn thưởng thức của ngon vật lạ nhưng anh vừa phát hiện bệnh dạ dày và gút kìa. Chưa kể dịch giã nữa. Đấy, mới năm ngoái đến năm nay mà đã khác rồi, muốn đi chơi xa cũng không được”.
Vẻ nuối tiếc, bà ngồi lặng lúc lâu rồi ngước nhìn ông, gần như thầm thì: “Hàng hóa còn có hạn sử dụng, huống chi đời người. Mong sao vui khỏe mỗi ngày và yêu thương vẫn đồng hành khi ta còn được bên nhau, anh nhỉ?”. Ông bối rối, nắm chặt lấy bàn tay bà.