Ông giáo làng làm Bí thư Phủ ủy

ĐÔNG LÊ 20/03/2022 06:55

Từ một ông giáo làng giàu lòng yêu nước, tham gia hoạt động cách mạng, Lê Tuất được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được giao trọng trách bí thư đầu tiên của Phủ ủy Duy Xuyên.

Đồng chí Lê Tuất (bìa trái). Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Tuất (bìa trái). Ảnh tư liệu

Ông giáo làng làm Bí thư Phủ ủy

Ông Lê Tuất, sinh năm 1910, quê làng Đông Khương, xã Điện Phương, Điện Bàn. Ông từng học tại trường Pháp - Việt Hội An, năm 1927, do tham gia phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh nên bị đuổi học.

Về quê, ông tìm cách liên lạc với những thanh niên cùng chí hướng, tìm con đường cứu dân, cứu nước. Năm 1929, ông đến làng Tân Mỹ Đông (nay là khối phố Phước Mỹ, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) lập cơ sở dạy học.

Ông kể: “Việc tìm nơi dạy học của tôi không chỉ giản đơn ở chỗ kiếm sống. Thực tế tôi muốn tạo cho mình một trụ sở để liên lạc với các anh chị, bạn bè trên con đường hoạt động. Đồng thời tạo một môi trường, một điều kiện thuận lợi cho mình trong việc tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước trong học sinh và các bậc phụ huynh”.

Lúc này, Duy Xuyên có rất nhiều nhóm đọc sách báo tiến bộ thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho sự ra đời của chi bộ đảng đầu tiên của Duy Xuyên.

Ngày 28.3.1930, sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Đại Quả về Duy Xuyên hướng dẫn tổ chức kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên.

Đêm 30.4 rạng sáng ngày 1.5.1930, lễ kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên được tiến hành trên sông Bà Rén cạnh làng Tân Mỹ Đông. Đồng chí Trần Đại Quả tuyên bố lý do và đọc quyết định kết nạp các đồng chí Lê Tuất, Nguyễn Thụy, Đặng Hoàng, Trần Cúc và Nguyễn Hứa vào Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua quyết định thành lập Chi bộ, lấy tên là Chi bộ Tân Mỹ Đông, do đồng chí Lê Tuất làm Bí thư.

Trong đêm thành lập Chi bộ, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho chi bộ Tân Mỹ Đông hưởng ứng chủ trương treo cờ búa liềm, mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5).

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng chí Lê Tuất đã chỉ đạo tổ chức treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, treo biểu ngữ ở nhiều nơi dọc theo đường số 1 từ Câu Lâu đến Bà Rén, dọc theo tỉnh lộ 104 từ Nam Phước đi Bàn Thạch, rồi từ Nam Phước - Trà Kiệu - Thanh Châu - La Tháp - Thu Bồn…

Đồng chí Lê Tuất và các đảng viên trong chi bộ còn tranh thủ diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng. Việc cờ Đảng và truyền đơn cách mạng xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên… vào dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động đã gây tiếng vang lớn, tạo được sự chú ý của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Đến tháng 10.1930, trên địa bàn Duy Xuyên có 29 đảng viên, tổ chức thành 5 chi bộ. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng trong phủ, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Phủ ủy lâm thời Duy Xuyên được thành lập gồm 3 đồng chí: Lê Tuất, Hồ Duy Từ, Nguyễn Viết Phu. Đồng chí Lê Tuất được cử làm Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Duy Xuyên.

Sau khi thành lập Phủ ủy Duy Xuyên, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức một cuộc biểu tình ở Duy Xuyên nhưng chưa thực hiện được thì đồng chí Lê Tuất và nhiều đảng viên bị bắt giam tại nhà lao tỉnh, rồi chuyển xuống nhà lao Hội An, ra nhà tù Lao Bảo.

Trong Hồi ký của mình, đồng chí Lê Tuất ghi: “Tôi đã phải chịu đựng mọi sự tra tấn dã man trong nhà tù của chế độ thực dân phong kiến. Chúng dùng tất cả thủ đoạn thâm độc. Hết đánh đập tra tấn lại dụ dỗ khảo tra nhưng cũng không thể nào tìm ra được một điều gì bí mật ở tôi.

Sự tra tấn càng hun đúc thêm cho tôi lòng căm thù địch và càng tôi luyện thêm cho tôi ý chí cách mạng. Lúc nào tôi cũng tự động viên và giữ cho mình lòng can đảm, sức kiên trì, bền bỉ chịu đựng, quyết giữ trọn khí tiết cách mạng của người đảng viên cộng sản”.

Ông chủ lò chén - cơ sở tài chính của Đảng

Năm 1933, sau khi ra tù, đồng chí Lê Tuất về địa phương mở cơ sở sản xuất gốm sứ, vừa làm địa điểm hoạt động, vừa làm cơ sở kinh doanh cung cấp tài chính cho Đảng.

Trong Hồi ký, đồng chí Lê Tuất ghi: “Hầu hết anh em đảng viên chúng tôi từ nhà tù trở về, đời sống vật chất đều bị thiếu thốn. Cơ sở của Đảng đã vỡ lở. Chúng tôi bắt đầu gây dựng những cơ sở mới để tạo điều kiện hoạt động.

Tôi và đồng chí Lắm đã nghĩ ngay tới những công việc cần phải làm trước mắt nhằm gây dựng kinh phí cho Đảng hoạt động. Chúng tôi cố gắng chạy vạy đủ mọi cách trong việc thí nghiệm làm nghề sứ. Trong lúc chúng tôi đang loay hoay với công việc thì đồng chí Lê Văn Hiến cùng một số đảng viên liền họp bàn và nhất trí ủng hộ ý định mở xưởng để lấy kinh phí cho Đảng”.

Sau khi thống nhất về ý tưởng, các đồng chí Lê Văn Hiến, Lê Tuất, Huỳnh Lắm nghiên cứu khai thác mỏ cao lanh ở Tiên Phước. Khoảng năm 1935, cơ sở lò chén được xây dựng tại Hòa Lộc (nay thuộc xã Tiên Sơn). Theo đồng chí Thái Thị Bôi: “Đồng chí Lê Tuất là người phụ trách chính về chuyên môn, kỹ thuật và quản lý lò chén. Lò chén phát triển trở thành cơ quan cung cấp tài chính cho Đảng”.

Sản phẩm đầu tiên của lò là bô vệ sinh, được các bệnh viện trong vùng tiêu thụ mạnh lúc bấy giờ. Để mở rộng thị trường và làm phong phú thêm các mặt hàng, đồng chí Lê Tuất đã được cử vào miền Nam để nghiên cứu mở rộng các mặt hàng chén, dĩa... Nguồn tài chính thu về ngoài việc trả lương cho nhân công và tái sản xuất còn hỗ trợ cho các tổ chức hoạt động bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam.

Theo tư liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, từ cuối năm 1940, sau Hội nghị Chùa Hang, Tỉnh ủy quyết định ra báo “Khởi Nghĩa” để làm cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ tỉnh. Kinh phí phục vụ việc in báo ngoài phần do các phủ, huyện đóng góp, đồng chí Lê Tuất, chủ lò chén Việt An tự nguyện ủng hộ mỗi tháng 30 đồng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Tuất làm việc tại trại sản xuất Ty Công an tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí bí mật ở lại hoạt động và khôi phục lại cơ sở sản xuất lò chén. Năm 1963 - 1964, đồng chí làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tiên Phước. Năm 1964, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Tín, đến năm 1965 được trả tự do và về hoạt động cách mạng tại xã Điện Phương.

Đồng chí Lê Tuất từ trần tháng 3.1984. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

___________

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt” và nhiều nguồn tư liệu do gia đình cung cấp).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông giáo làng làm Bí thư Phủ ủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO