Ông Hồ Văn Điều và miền tây đất Quảng

NGUYỄN TAM MỸ 11/12/2016 07:09

Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ trong hẻm nhỏ ở thị trấn Khâm Đức - Phước Sơn là nơi cư ngụ của ông Hồ Văn Điều. Ông pha trà mời nhà văn Nguyễn Bá Thâm và tôi. Tôi hỏi ông: “Sau khi nghỉ hưu, sao bác không ở Đà Nẵng, cũng chẳng ở Tam Kỳ, mà về lại Khâm Đức? Bởi bác có thừa tiêu chuẩn để được cấp nhà, cấp đất ở hai nơi ấy…”. Ông đưa mắt nhìn mấy khóm hoa trước sân nhà, im lặng. Lâu, rất lâu, ông mới khẽ khàng bảo với tôi: “Chú nói đúng, nhưng chưa chính xác! Sống ở Phước Sơn tôi mới có điều kiện gặp gỡ bà con dân tộc quê tôi. Bởi tôi cần họ. Và họ cũng cần tôi...”.

Chân dung ông Hồ Văn Điều chụp năm 2005. Ảnh: TAM MỸ
Chân dung ông Hồ Văn Điều chụp năm 2005. Ảnh: TAM MỸ

Khai sinh họ Hồ ở vùng cao

Trước khi tới thăm ông Hồ Văn Điều, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho tôi hay, ông Điều là “người khai sinh họ Hồ cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam”. Thú thực, tôi rất tò mò về điều đó. Bây giờ được gặp ông, tôi không bỏ lỡ cơ hội. Ông cười hiền kể tôi nghe…

Ông Điều là người dân tộc Bhnoong. Họ Đinh. Sinh ra và lớn lên ở làng Tà Riếng, xã Phước Chánh, huyện vùng cao Phước Sơn. Năm 1957, tham gia cách mạng. Làm liên lạc cho huyện, chạy công văn giấy tờ hỏa tốc ở 3 xã Phước Năng, Phước Thành và Phước Chánh. Năm 1960, được cử ra Bắc học tập văn hóa tại Trường dân tộc Mễ Trì. Năm 1963, được kết nạp vào Đảng. Năm 1965, về lại miền Nam. Là người có năng lực, lại nhiệt tình công tác cách mạng nên ông được cấp trên giao làm cán bộ tổ chức, cán bộ kinh tài, cán bộ tuyên giáo, rồi đảm nhận trọng trách Bí thư huyện ủy Phước Sơn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất, ông được đề bạt làm Phó ban cán sự miền tây Quảng Nam. Và chẳng bao lâu sau, ông lại được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu Nam Trà do Khu ủy Khu 5 trực tiếp chỉ đạo. Ông giữ cương vị này cho đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng.

Trong những năm tháng ấy, ông Hồ Văn Điều tuyên truyền vận động  đồng bào thiểu số hiểu rõ âm mưu chia rẽ khối đoàn kết Kinh - Thượng của kẻ thù. Ông vạch trần những thủ đoạn gian xảo của giặc nhằm lôi kéo bà con các dân tộc “hợp tác với chính phủ quốc gia”, chống phá các cơ sở cách mạng của ta. Đặc biệt, ông là người khai sinh họ Hồ cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam. Ông bảo, hồi đó, ông không hiểu do đâu các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam lại có cùng một họ Đinh? Không lẽ người Giẻ triêng, người Bhnoong, người Ca dong, người Xê đăng, người Cơ tu, người Co... đều có chung một cội nguồn từ thuở khai thiên lập địa đúng như truyền thuyết? Chẳng ai giải thích cho ông thắc mắc ấy, ngay cả các già làng cũng đành chịu bó tay.

“Mãi cho đến khi được cấp trên đưa ra miền Bắc học tập, tôi mới hay rằng, thực dân Pháp trong quá trình đô hộ nước ta đã áp đặt họ Đinh cho các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam. Đinh không phải là một tộc họ, mà chỉ là cách gọi đầy miệt thị. Đinh là từ để gọi đàn ông - suất đinh, ở các bản làng phải nộp sưu thuế, phải đi làm phu phen. Đinh còn có nghĩa là cùng đinh, nghèo hèn!” - ông trầm giọng bảo với tôi. Rời miền Bắc trở về quê nhà sống và chiến đấu, ông đổi họ tên từ Đinh Văn Điều thành Hồ Văn Điều. Bởi ông nghĩ, Bác Hồ là vị cha già của dân tộc. Nhờ có Bác Hồ dìu dắt, nhờ có Đảng soi đường chỉ lối, bà con các dân tộc ở vùng rừng núi Quảng Nam mới thoát khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được giác ngộ, bà con lại hăng hái tham gia công tác cách mạng. Điều khiến ông hết sức bất ngờ là bà con lại học tập theo ông. Thoạt đầu là người Bhnoong ở làng Tà Riếng. Rồi người Bhnoong, người Giẻ triêng, người Cơ Tu ở khắp các bản làng của huyện Phước Sơn. Sau đó là người Ca Dong, người Xê Đăng, người Co… ở các huyện khác như Hiên, Giằng, Nam - Bắc Trà My... dần dần đổi từ họ Đinh thành họ Hồ.

Và đóng góp vào chủ trương lớn

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, ông Hồ Văn Điều làm Bí thư huyện ủy Phước Sơn, rồi Trưởng ban Dân tộc - miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa IX. Lúc bấy giờ là đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Cuộc sống của bà con các dân tộc ở miền tây đất Quảng cứ xoay quần với đói - đau - bệnh tật… Ông Hồ Văn Điều muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con, đồng thời tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mọi người để kiến nghị với Quốc hội. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm vẫn nhớ như in chuyến đi thực tế cùng ông Hồ Văn Điều tại các xã vùng biên. Đó là mùa hè 1992. Gọi là đoàn công tác cho oai, chứ thực ra chỉ có mấy con người ta. Bởi ai cũng ngại và tìm cách thoái thác, khi biết phải tự mang vác đồ đạc cá nhân và cuốc bộ dài ngày ở mạn đông của dãy Trường Sơn như thời đánh Mỹ. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm cho hay: “Khởi đầu từ Azick - Bha Lêê, cả đoàn băng rừng, lội suối, trèo đèo lên A tiêng, qua Lăng, đến Tr’hy, tới Ch’ơm, rồi quành sang ngõ Chà vàl. Chuyến đi hơn nửa tháng trời, đến với ba chục bản làng lớn nhỏ của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng, Giẻ Triêng... ở vùng biên giới Việt - Lào. Nhọc nhằn vô cùng tận! Bởi nắng xối đỉnh đầu. Bởi mưa rừng bất ngờ ập xuống. Bởi đèo dốc cheo leo, đá tai mèo lởm chởm và sên vắt đeo bám khắp người”.

Với ông Hồ Văn Điều, việc đi rừng vốn đã quen chân nên ông chẳng thấy vất vả là mấy. Ban ngày vượt suối băng ghềnh, men theo lối mòn bé như sợi chỉ, vượt dốc cao “ngửa mặt nhìn lên rơi mất mũ”, đến bản làng, các thành viên trong đoàn ăn uống xong là nằm lăn ra ngủ. Còn ông, hầu như đêm nào cũng cũng ngồi bên bếp lửa rì rầm trò chuyện với mọi người để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con. Và nhờ vậy, ông mới hay bà con các dân tộc ở miền tây đất Quảng quá khổ. Không có đường đi, mỗi làng bản là một “ốc đảo” giữa bốn bề núi non trùng điệp. Ốm đau không thể chuyển tới trạm y tế được, đành hái lá cây rừng sắc uống theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Muối ăn không có, do đó rất nhiều người bị mắc bệnh phù thủng, bướu cổ. Việc sản xuất vẫn canh tác theo kinh nghiệm “xưa bày nay bắt chước”: phát - đốt - chọc - tỉa, năng suất không cao, lại chuột bọ phá hại, chim chóc tranh phần… “Hơn nửa tháng trời, tôi cùng anh em trong đoàn đi từ Hiên sang Giằng, qua Phước Sơn rồi đến Trà My. Cứ ngày đi, đêm lại ngồi bên bếp lửa rì rầm trò chuyện với bà con” - ông kể. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm góp lời: “Mình cũng phải ráng thức trắng đêm cùng ông Hồ Văn Điều để khai thác tư liệu. Khổ nhưng mà vui!”. Sau chuyến đi ấy, ông Hồ Văn Điều đã có những đóng góp thiết thực với Quốc hội để rồi chẳng bao lâu sau, Chính phủ có chủ trương đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân ở các xã vùng sâu vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đó là Chương trình 135...”.

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Cũng như bao cán bộ tâm huyết với quê hương, ông Hồ Văn Điều về làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy. Ba năm sau, ông nghỉ hưu, về sinh sống cùng vợ con ở khối phố 3 thị trấn Khâm Đức - Phước Sơn. Tôi hỏi ông: “Ngày xưa bác làm công tác dân vận, dân tin đến độ coi bác như một hình mẫu tuyệt vời. Còn bây giờ, bác nghĩ sao?”. Ông nhìn về đỉnh núi Xuân Mãi cao chất ngất, phất phơ những làn mây trắng bồng bềnh. Với vẻ đăm chiêu, ông trầm giọng bảo với tôi: “Người dân tộc có đặc điểm là không thích bộc lộ những suy nghĩ sâu kín của mình ở chỗ đám đông. Muốn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, phải chịu khó đến từng nhà, vừa rỉ rả uống rượu suốt đêm bên bếp lửa hồng, vừa chuyện trò thì họ mới nói thật cái bụng. Thời đánh Mỹ, cũng như thời bình, khi làm đại biểu Quốc hội, tôi làm công tác dân vận bằng cách ấy. Còn bây giờ cán bộ mang giày đen láng bóng, đi xe con sang trọng đến các bản làng, gặp gỡ bà con ở gươl làng hay nhà sinh hoạt cộng đồng, thăm hỏi qua loa, nói dăm câu ba sợi động viên khích lệ rồi về! Như thế, làm sao thực hiện tốt công tác dân vận được ?”.

Trước những lời chân thành mộc mạc của “người khai sinh họ Hồ cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Quảng Nam”, tôi không biết nói gì hơn, đành ngồi im lặng.

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông Hồ Văn Điều và miền tây đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO