Những lúc khó khăn, nguy hiểm nhất của cuộc đời, ông luôn giữ vững khát vọng vươn lên và chiến thắng.
Người chỉ huy có biệt danh “báo đen”
Trong không gian tĩnh lặng dưới chân cầu Cẩm Nam (Hội An), cựu chiến binh Đinh Văn Lời bồi hồi ôn lại những tháng năm cuộc đời. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng Nam Ngạn (Cẩm Nam), Đinh Văn Lời sớm tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Đầu năm 1964, khi mới 14 tuổi, ông được tổ chức bố trí vào nội thành phố cổ Hội An, trú tại số nhà 70 Lê Lợi. Trong vai người đi ở đợ, ông cùng một số đồng chí khác có nhiệm vụ tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân và xây dựng lực lượng biệt động thành Hội An. Ngoài những khi công tác, ông dành phần lớn thời gian học nghề mộc để vừa che mắt địch, vừa có thể nuôi sống bản thân. “Quá trình chiến đấu và trưởng thành, tôi được đề bạt làm Đội trưởng Đội biệt động Hội An, chỉ huy 42 đồng chí hoạt động bí mật. Tại đây, anh em chúng tôi ban ngày làm thuê gánh mướn, đạp xích lô, xe thồ, xe kéo cho các hộ tiểu tư sản và tư sản Hội An, ban đêm làm cách mạng” - cựu chiến binh Đinh Văn Lời nhớ lại.
Cựu chiến binh Đinh Văn Lời (mặc áo đen) bồi hồi nhớ về một thời đã sống. |
Những năm 1964 - 1965, địch bắt đầu hoang mang lo sợ, vì trong nội thành Hội An đã xuất hiện nhiều tờ truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền chống Mỹ - Thiệu; nhiều tên ác ôn bị ám sát… Năm 17 tuổi, Đinh Văn Lời được kết nạp Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam. Cảnh sát ngụy đã đánh hơi được “toán đặc công Việt cộng” hoạt động trong thành phố, chỉ huy tổ chức này là người có biệt danh “Báo đen”. Do đó chúng ngày đêm vây ráp, mật phục nhưng hình bóng các anh vẫn “bóng chim tăm cá”. Trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, “Báo đen” Đinh Văn Lời và đồng đội đã không ít lần thoát chết trong gang tấc. Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông là lần thoát hiểm vào tháng 5.1967. Ông kể: “Hôm ấy, tôi và các đồng chí Nguyễn Hoài Bảo, Bùi Sơn Thanh được phân công đi rải truyền đơn và đặt mìn tự tạo đánh cháy xe Jeep của Mỹ để gây tiếng vang và làm thương vong địch trong thành phố. Sau khi làm nhiệm vụ ở một số địa bàn, chúng tôi đi xuống chợ Hội An, lúc đó khoảng 21 giờ 30, còi thiết quân luật đã báo động từ trước đó nửa giờ. Thành phố vắng tanh, thỉnh thoảng chỉ có tiếng giày đinh của quân cảnh đi tuần khua lộp cộp. Còn nhiều truyền đơn chưa rải, lựu đạn chưa gài xong, ba người lặng lẽ đi trong màn đêm tĩnh lặng. Bất ngờ, một tốp lính từ trong bóng tối nhảy ra đường, một tên chĩa súng ngang bụng hô: Giơ tay lên. Tôi liền ra hiệu cho Sơn và Bảo sẵn sàng chiến đấu, nếu chúng bắt giải đi. May mắn, trong đám lính đó có một người quen. Lúc anh ta hỏi: Tụi bây đi đâu mà khuya rứa? Tôi đáp: Anh em chúng tôi xuống chợ mua quần áo lao động để sáng mai đi làm trong sở Mỹ. Nghe vậy, chúng xem xong giấy tờ rồi cho đi. Đến chùa Phước Kiến, chúng tôi lại gặp một chiếc xe quân cảnh đi tuần. Lần này, chúng tôi tiếp tục gặp may vì trong số lính quân cảnh ngồi trên xe cũng có người quen. Được chúng thả cho đi, tổ công tác nhanh chóng trở về xưởng mộc, buông tiếng thở phào nhẹ nhõm như mới từ cõi chết trở về.
Tham gia chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, cựu chiến binh Đinh Văn Lời bị bắt, bị đày ra Côn Đảo. Từ đó, phố cổ Hội An vắng bóng thủ lĩnh “Báo đen”, nhưng địch vẫn không hề biết người đó là ai.
Chủ cơ sở mộc Kim Bồng
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cựu chiến binh Đinh Văn Lời trở về tham gia công tác tại địa phương. Cha mẹ ông tình nguyện đi kinh tế mới, để lại cho ông 2 sào đất sản xuất ở làng Nam Ngạn. Nhưng rồi trong một cơn cuồng nộ của thiên nhiên, đám ruộng ấy bỗng chốc bị cuốn theo dòng nước xiết. Vợ chồng ông trắng tay, phải chèo đò kiếm sống nuôi con. “Quyết không chùn bước trước khó khăn thử thách, tôi tiếp tục phát huy truyền thống tự lực tự cường, luôn nêu cao ý chí tiến công. Đây là đức tính mà tôi rèn được trong những tháng năm làm lính Cụ Hồ” - ông Lời chia sẻ.
Ngày ấy, khách đi đò bữa có bữa không, gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu triền miên. Núng thế, ông trở về với nghề mộc. Ông nhớ lại: “Lúc đầu, tôi đi làm thuê, gánh mướn. Sau đó, thế chấp ngôi nhà cấp 4 của cha mẹ để lại cho ngân hàng để vay 3 triệu đồng”. Có vốn, ông bắt đầu mở cơ sở đóng đồ mộc dân dụng cho bà con trong xã. Càng đi sâu vào nghề, ông càng va chạm với thực tế “vui buồn cũng lắm, đắng cay cũng nhiều”. Với quyết tâm vươn lên xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu, cựu chiến binh Đinh Văn Lời từng bước xây dựng và phát triển các loại hình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phong phú, đáp ứng được nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2001, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Mộc Kim Bồng. Với quyết định này, ông còn giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động nói chung, đối tượng chính sách nói riêng. Ông nhẩm tính, bình quân hằng tháng, công ty đón từ 1.000 đến 1.500 lượt khách quốc tế đến tham quan, mua hàng lưu niệm. Sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới, nhất là thị trường các nước châu Âu và châu Mỹ.
Song hành với thành quả kinh tế, Giám đốc Đinh Văn Lời luôn canh cánh chữ tâm trong lòng. Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng và hàng chục tấn gạo để mở Trung tâm Nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí, lành nghề cho hơn 150 người. Hiện nay, số học viên này đều có việc làm thường xuyên, đời sống kinh tế ổn định. Ngoài ra, đối với công tác từ thiện, ông cũng đóng góp và ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hơn 10 tấn gạo, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường chốn lao tù, thành đạt trong kinh doanh, cựu chiến binh Đinh Văn Lời đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen và giấy khen, trong đó có 2 lần được đi dự đại hội Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và trung ương.
Sáng xuân se lạnh, nghe ông kể chuyện đời, tôi chợt nhớ một bài báo đã viết: “Nếu như hai cha con nghệ nhân Huỳnh Ri là người giữ lửa cho làng mộc Kim Bồng thì ông Đinh Văn Lời lại là người đưa thương hiệu mộc Kim Bồng ra thế giới”. Hiện nay, ông đã bàn giao công việc kinh doanh cho các con, nhưng những gì ông đã làm vẫn luôn là bài học về sự tự lực vươn lên cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
NGUYỄN AN KHÁNH