Chi hội phụ nữ xã A Nông (Tây Giang) với mô hình “Ống nứa tiết kiệm” đã giúp nhiều chị em địa phương ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Xã A Nông hiện có tới 98% là người đồng bào thiểu số Cơ Tu, chủ yếu sinh sống bằng nghề phát nương làm rẫy, tỷ lệ đói nghèo chiếm khá cao. Đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, gánh nặng kinh tế gia đình luôn đè nặng lên đôi vai của phụ nữ. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phụ nữ A Nông không ngừng nỗ lực tham gia làm kinh tế, nhờ đó thu nhập của nhiều gia đình dần khá lên. Vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng được nhìn nhận khác trước. Với suy nghĩ “lá lành đùm lá rách”, 135 hội viên phụ nữ xã A Nông tham gia tích cực vào nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Nổi bật trong nhiều hoạt động, mô hình “Ống nứa tiết kiệm” đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Hốih Thị Tiêu - Chủ tịch Hội LHPN xã A Nông cho biết: “Từ năm 2008 đến nay chị em ở đây tham gia mô hình “Ống nứa tiết kiệm”. Số tiền đó chủ yếu được chị em đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó cũng trích một phần thăm hỏi lúc chị em ốm đau, những dịp lễ hội cũng trích nguồn kinh phí này để tổ chức cho chị em…”.
Chị Bh’nươch Thị Ly đang lấy tiền ra từ ống nứa tiết kiệm. Ảnh: H.T |
Với hình thức tự nguyện, mỗi gia đình một ống nứa tiết kiệm để tích lũy và chia sẻ, giúp đỡ các chị em những lúc khó khăn. Các hội viên tham gia rất tích cực, bằng việc trích từ nhiều nguồn thu nhập của gia đình, bỏ vào ống nứa tiết kiệm. Mô hình “Ống nứa tiết kiệm” đã giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế cho gia đình mình. Chị Bh’nươch Thị Ly (thôn A Rớt (xã A Nông) chia sẻ cách làm của mình: “Từ khi cán bộ trên huyện xuống vận động, họp làm “Ống nứa tiết kiệm” để có tiền, mỗi khi tôi bán được cá khoảng 200 nghìn đồng thì tôi bỏ 50 nghìn vào ống tiết kiệm; bán được các thứ trong vườn nhà tôi cũng bỏ vào 10 nghìn đồng. Mình thấy họ nói rất đúng, làm như thế tích lũy được nhiều tiền hơn. Mỗi khi có người ốm đau thì mình hỗ trợ cho chị em hoặc là cho vay không tính lãi, có khi cho không luôn”.
Bằng cách làm này, mỗi năm 135 ống nứa tiết kiệm của 135 hội viên phụ nữ xã A Nông tiết kiệm được khoảng 60 triệu đồng. Một phần số tiền được chị em trích làm vốn cho gia đình, phần khác dùng vào việc hỗ trợ tiền mặt, con vật nuôi cho các hộ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thăm hỏi chị em ốm đau, thậm chí hỗ trợ người già, gia đình chính sách vượt qua khó khăn… Nhờ mô hình này, nhiều chị em địa phương từng bước đẩy lùi được phong tục lạc hậu nặng nề đè lên đôi vai. Phụ nữ cũng dần nhận thức được vai trò của mình trong nhiều hoạt động xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang cho biết thêm: “Trước đây, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ suy nghĩ đơn thuần là lấy chồng sinh con, hiếm phụ nữ tham gia công việc của xã, của thôn, nhưng ngày nay điều đó đã thay đổi. Bây giờ nhiều phụ nữ ý kiến rằng cần phải có tiếng nói của mình trong các cuộc họp, nhất là vấn đề phát triển kinh tế. Phụ nữ ở đây bây giờ tiến bộ nhiều, cũng tích cực tham gia học hành, nhận thức được vị trí của mình, vừa đảm việc nước vừa giỏi việc nhà. Họ góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương”.
Qua mô hình “Ống nứa tiết kiệm”, Hội LHPN xã A Nông đã giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều chi hội khác trên địa bàn làm theo. Hy vọng trong thời gian tới cách làm này sẽ phát huy hiệu quả để kịp thời động viên, tạo tình đoàn kết thắm thiết trong khu dân cư và cùng nhau đẩy mạnh phong trào phụ nữ sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HIỀN THÚY