Ông Phẩm viết bài chòi

NGUYỄN SỸ LONG 04/06/2015 08:39

Tình cờ gặp ông Lê Cao Phẩm trú tại phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) ru cháu bằng điệu hát bài chòi, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ông Phẩm năm nay tuổi chạm ngưỡng bát tuần, nhưng giọng vẫn trong và vang. Tuy nhiên, ngồi nghe ông hát, tôi mới phát hiện ra cái tài của ông là sáng tác bài chòi từ những sự kiện lịch sử, con người của quê hương.

Ông Lê Cao Phẩm ngân nga làn điệu bài chòi do ông sáng tác.Ảnh: SỸ LONG
Ông Lê Cao Phẩm ngân nga làn điệu bài chòi do ông sáng tác.Ảnh: SỸ LONG

…Tam Thăng thắng trận diệt thù quê ta/ Tam Thăng đất mẹ nở hoa/ Người con ấp Tám như hoa giữa rừng/ Vĩnh Bình, Kim Đới, Mỹ Cang/ Quý thương Ngọc Mỹ hân hoan đón chào/ Thạch Tân anh dũng tự hào/ Thái Nam đã có anh hùng Văn Linh, Thăng Tân, Tân Thái quê mình bao nhiêu du kích quên mình xả thân…” (Sáng tác theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thành Lợi - nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Bắc Tam Kỳ).

Đứa cháu mơ màng ngủ, ông Phẩm tạm dừng câu hát kể về những năm tháng hoạt động du kích trong lòng địch. Ông quê ở xã Tam Thăng (Tam Kỳ), tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 8.1954. Khi đó, ông là cơ sở bí mật cho đoàn cán bộ nằm vùng của huyện Bắc Tam Kỳ được ta cài lại, do đồng chí Lê Tú (bí danh Phương) làm Phó Trưởng đoàn, trực tiếp giao nhiệm vụ. Đến năm 1959, đồng chí Phạm Biên thay đồng chí Lê Tú, tiếp tục phụ trách đội du kích xã Tam Thăng. Năm 1965, ông Phẩm bị thương trong một trận chống càn, phải cắt bỏ hoàn toàn cánh tay trái. Nhận thấy tình hình sức khỏe của ông không thể tiếp tục tham gia chiến đấu được, tổ chức đã chuyển ông về đơn vị kinh tế của du kích xã. Rời xa chiến hào, về tham gia lao động và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội, du kích, lúc đầu ông cũng thấy buồn. Nhưng rồi được anh em động viên nên ông nguôi ngoai dần và bắt đầu sáng tác bài chòi, thơ để ca ngợi tinh thần đấu tranh cách mạng của quân và dân Tam Thăng. “Năm 12 tuổi, tôi đã theo cha đi hát bài chòi. Khi về làm kinh tế, trực tiếp chứng kiến cuộc sống gian khổ của bà con bị địch dồn 3 thôn làm một nên trong trái tim tôi chợt bật lên những câu hát, chứ không nghĩ đó là những tác phẩm” - ông Lê Cao Phẩm chia sẻ. Đến năm 1970, chiến sĩ du kích Lê Cao Phẩm được cấp trên cho ra miền Bắc an dưỡng và học văn hóa tại Trường Văn hóa thương binh Thanh Hóa. Sống trong hòa bình, nhưng tâm trí ông không lúc nào nguôi nhớ quê hương. Lời thơ của ông cũng vì thế mà thêm phần khắc khoải: “Ai về dừng lại Tam Thăng/ Lắng nghe câu chuyện dân quân anh hùng/ Năm tư cơ sở mỗi vùng/ Khi ta tập kết cuối cùng hai năm/ Lúc này Mỹ-Diệm căm căm/ Phá tan hiệp ước hai năm trở về/ Điêu tàn khốc liệt thảm thê/ Tam Thăng ta lại trở về màn sương/ Gian nan đau khổ đủ đường/ Cha con chồng vợ thảm thương chia lìa/ Xóm làng dế rỉ đêm khuya/ Đồng hoang cỏ vắng đầm đìa xác xơ...” (Tam Thăng anh hùng - thể loại dân ca bài chòi).

Mặc dù bâng khuâng da diết, nghe tin chiến thắng ngập tràn cảm xúc, nhưng không phải bài nào ông cũng “cảm” được ngay để sáng tác. Với bài “Chiến thắng Núi Thành” (thể loại hát dân ca Khu 5), ông Phẩm đã đọc báo Quân đội nhân dân, báo Quảng Nam - Đà Nẵng và nghe lời kể của bạn bè, song mãi đến năm 1977 khi từ  miền Bắc trở về ông mới sáng tác được. “Tôi phải thuê xe ôm đến tận nơi để hỏi dân địa phương xem đâu là thôn Tịch Tây, Long Phúc, đồi ni là đồi chi” - ông Lê Cao Phẩm nhớ lại. Có lẽ vì thế mà thơ ông đôi khi như một niềm tự sự: “Hai đồn bốn chín năm mươi/ Hiện lên trên bản sơ đồ đêm nay/ Võ Thành Năm - Đại đội trưởng chỉ huy chung… Núi Thành oanh liệt lập công/ Quân dân cả nước đón chào tin vui”.

Ông Phẩm viết không nhiều. Sau khi về miền Nam, ông được phân công làm thường trực kiêm bảo vệ nhà máy cơ khí Đà Nẵng. Lúc này, ông mới hay sáng tác bài chòi, thơ ca về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Viết xong, ông dùng để ru con, cháu và gửi về quê cho “mấy cháu đọc” với hy vọng các cháu thêm yêu lịch sử quê nhà. Tôi động viên ông tập hợp các bài viết thành một cuốn sách để xuất bản. Ông Lê Cao Phẩm lắc đầu nói: “Tôi chưa bao giờ coi mấy bài viết của mình là một tác phẩm. Chỉ mong con cháu lớn lên, chúng nó hiểu được một thời Tam Thăng rực lửa anh hùng”.

 NGUYỄN SỸ LONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông Phẩm viết bài chòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO