Ông phó bảng làng Phô Thị

LÊ THÍ 18/09/2016 06:39

Võ Đăng Xuân là một trong 4 đại khoa của huyện Lễ Dương (huyện Thăng Bình ngày nay). Triều đình nhà Nguyễn gọi ông là danh thần nhưng người dân Thăng Bình lại tôn ông là liệt sĩ. Là một quan văn nhưng Võ Đăng Xuân đã chiến đấu và hy sinh lẫm liệt giữa trận tiền như một võ tướng khi tham gia tiễu trừ bọn phỉ Trung Hoa ở vùng biên giới phía Bắc.

Ngôi mộ cổ gần 150 tuổi của Võ Đăng Xuân ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình.
Ngôi mộ cổ gần 150 tuổi của Võ Đăng Xuân ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình.

Một đời lận đận

Võ Đăng Xuân hiệu là Tiến Thượng,  tự là Thành Chi, còn có tên là Tiến Tiếu, Tiến Thảng, sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Phô Thị, tổng An Thái (nay là thôn Phô Thị, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình). Cha ông là cụ Võ Đăng Nghị, được vua Tự Đức truy phong là Phụng Nghị đại phu Hàn lâm viện Thị độc, vì là: “Người biết cách dạy con, đem thân vì nước”. Mẹ là cụ bà Hồ Thị Liên được truy phong  Ngũ phẩm nghi nhân, vì là: “Người dùng đức hạnh dạy con, học hành đỗ đạt” (sắc phong ngày 19.9.1875). Lúc nhỏ Võ Đăng Xuân là người rất hiếu động, thông minh, lanh lợi. Con đường học hành của ông khá suôn sẻ. Là học sinh xuất sắc tại trường Giáo Thăng Bình nên sau đó ông được chuyển ra học ở trường  Đốc Quảng Nam (Thanh Chiêm, Điện Bàn). Năm 1846, ông thi đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên.  Ba năm sau, ông đỗ phó bảng trong khoa thi Hội năm Kỷ Dậu (1849). Đây là khoa thi mà khảo quan gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Mai Anh Tuấn…

Sau khi thi đỗ ông được bổ Hàn lâm viện kiểm thảo làm việc ở Nội các, nơi giúp việc cho nhà vua trong việc soạn các chiếu chỉ, sắc phong. Năm 1858, khi Pháp tấn công Đà Nẵng, ông xin nhà vua cho về chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước. Được nhà vua chấp thuận, ông về làm Hải phòng sứ chiến đấu dưới trướng của Nguyễn Tri Phương, trấn giữ đồn An Lương ở Nại Hiên (nay là phường Bình Hiên, Hải Châu, Đà Nẵng). Năm 1860, ông được bổ làm Tri huyện Tuy An (Bình Định). Là vị quan “thanh, cần, thận” nên được dân chúng yêu mến nhưng lại không được lòng quan trên. Do sợ sẽ gây án oan ông chậm trễ trong việc kết thúc một vụ trọng án, nên bị vu là nhận hối lộ, vì vậy bị giáng chức đưa trở lại về kinh làm Hành tẩu Nội các.

Năm 1868, bọn phỉ Trung Hoa tràn sang cướp phá ở vùng biên giới, ông được vua Tự Đức cử tham gia quân thứ Cao Bằng - Lạng Sơn để dẹp phỉ. Tại đây ông lập được nhiều chiến công nhưng rồi vì sơn lam chướng khí bị lâm bệnh nên phải về nghỉ dưỡng. Sau thành tích dẹp phỉ, Võ Đăng Xuân được bổ làm Tri huyện Hương Trà, một huyện ở sát nách kinh đô Huế. Tiếng tốt đến tai nhà vua nên chỉ một năm sau, ông được đặc ban là Hàn lâm viện Thị giảng, giữ chức Án sát sứ Hà Nội, nơi có nhiều vụ trọng án. Năm 1872, lợi dụng việc thương nhân người Pháp là Jean Dupuis được tự do qua lại trên sông Hồng để  buôn bán với Trung Hoa ở Vân Nam, bọn phỉ lại tràn sang cướp phá. Thấy ông là người có kinh nghiệm trong việc trừ phỉ nên Tự Đức bổ  làm Tán tương quân vụ quân thứ Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang) chiến đấu dưới trướng của Tham tán Ông Ích Khiêm.

Trong thời gian này Võ Đăng Xuân đã lập được nhiều chiến công nhưng cũng không ít lần thua trận. Tiêu biểu là lần bị mất đồn Đông Lý ở Tuyên Quang, bị giáng ba cấp nhưng cho lưu dụng. Tháng 5.1872, khi tiến đánh đồn Đan Hà, Đồng Lũng, do hỏa lực của địch quá mạnh trong khi viện binh của ta đến chậm, Võ Đăng Xuân đã hy sinh. Giặc đã cắt đầu ông, may nhờ được quân sĩ yêu thương liều chết cướp lại được xác ông đưa về quê an táng. Nghe tin vua Tự Đức vô cùng thương tiếc truy tặng hàm Hàn lâm viện thị độc, cấp tiền mai táng. Cha mẹ ông được vinh danh, các con ông được hưởng tập ấm. Năm 1880, được đưa vào thờ ở đền Trung Nghĩa.

Gửi lại mai sau

Mộ của Võ Đăng Xuân hiện ở tại xứ Đàng Trạm, làng Phô Thị. Tương  truyền, ba tháng sau khi ông mất quân sĩ mới đưa được xác ông về quê. Bà con tộc Võ phải lấy đất sét nặn thêm đầu của ông rồi mới đem chôn cho toàn thây. Đây là ngôi mộ có phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đã có gần 150 năm tuổi và đặc biệt là chưa một lần được trùng tu. Hiện bài vị ông được thờ trong nhà thờ tộc Võ ở làng Phô Thị. Tại đây, ngoài thanh gươm thờ, được cho là của vua Tự Đức ban cho ông khi đi nhậm chức ở quân thứ Sơn – Hưng – Tuyên, còn có 7 đạo  sắc phong  của triều Nguyễn cấp gồm: Bốn sắc phong của vua Tự Đức ban cho ông vào các năm 1866, 1870, 1871 1872; hai sắc phong ban cho cha và mẹ ông ngày 19.9.1875; và một văn bằng của Thự Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình là Bùi Ân Niên cấp cho ông vào ngày 28.3.1872. Đây là những tư liệu quan trọng để tìm hiểu không những về hành trạng của ông mà còn về một thời bi tráng của lịch sử nước ta.

Là người hay chữ nhưng  do cả đời lận đận nên Võ Đăng Xuân không có nhiều thơ văn để lại. Hiện nay trong dân gian chỉ còn lưu truyền một câu đối, được cho là ông viết để viếng đồng liêu Trần Văn Đẩu (Tri huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) qua đời:

Lạng Sơn lam chướng ngũ sanh hoàn, đạo trở tân tê, hối bất năng thượng phỏng.
Cẩm Thủy phong lưu quân tạ khứ, gia bần thân lão, thụy kỳ đãi tồn.

Tạm dịch:

“Lạng Sơn lam chướng, ta được sanh hoàn, tiếc vì núi cách đằng xa khó bề thăm viếng.
Cẩm Thủy phong lưu, ông sao vội bỏ, thảm bấy gia bần thân lão, ai kẻ sớm hôm”.

Câu đối rất chân nhưng cũng phảng phất chút khí chất… Quảng Nam. Dân gian cũng luôn nhắc lời ai điếu của Hạ Đình Nguyễn Thuật (người làng Hà Lam, sát làng Phô Thị), khóc Võ Đăng Xuân năm 1872  (khi Nguyễn Thuật làm Tổng tài Quốc sử quán):   

 “Chí ông ai nấy đều biết, ai nấy đều nói là phải, là người huyện tôi nổi danh, ai nấy lấy làm vinh hạnh về ông! Nay ông đã ngưng nghỉ, chí ông không mất nhưng huyện tôi mất một người.

Ô hô! Ôi là thương tiếc, thế là công bố khí khái của ông là văn, xin mời ông về dự hội cờ Triệu đầy tiếng thổn thức này”.

Còn dân làng Phô Thị từ trẻ đến già đều biết giai thoại đặc biệt về ông: Năm 14 tuổi Võ Đăng Xuân thường ra đền thờ bà Thái Dương, một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng trong vùng để nghịch phá. Một lần ông bị ốm nặng, tất cả thầy thuốc  đều bó tay. Mẹ ông phải ra đền thắp hương cầu khấn ông mới qua khỏi. Hết bệnh ông trốn mẹ chạy ra đền thắp hương và bảo: “Hễ thần thì hộ quốc tế dân, chứ thần gì lại bắt dân đau. Xin bà từ nay về sau đừng làm như vậy nữa. Nếu không sau này lớn lên tôi sẽ xúi dân phá đền không lẽ bà lại bắt cả làng chết hết, lấy ai thờ tự”. Sau đó mẹ ông được thần báo mộng là con bà sau này sẽ rất vinh hiển. Khi thi cử đỗ đạt, mỗi lần về làng, qua đền, Võ Đăng Xuân đều “khuynh cái hạ mã”, tỏ lòng kính trọng. Câu chuyện cho thấy Võ Đăng Xuân là người rất cương cường chính trực, luôn tin vào lẽ phải, dù thần linh cũng không ngán. Mặt khác ông là người luôn tin vào sức mạnh của tập thể. Thần linh cũng không thể làm trái ý dân.

Người dân xã Bình Tú vẫn mong những dấu tích về Võ Đăng Xuân sẽ được ngành văn hóa nghiên cứu, bảo vệ và công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử để ghi nhớ một liệt sĩ, một danh thần hết lòng vì nước như đánh giá của vua Tự Đức: “Là người tang hồ tráng chí, khoa bảng danh lưu, nhiều lần quên thân vì nước chẳng chút từ nan”.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông phó bảng làng Phô Thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO