Miệt mài, cẩn trọng, người đàn ông tuổi ngoài 50 vẫn tự nhận mình còn nợ quê hương nếu không tìm được thứ gạch giống với gạch Chăm xưa nhất. Và ông đã thành công khi mới đây, các chuyên gia người Ý đã chọn gạch của ông để trùng tu các nhóm tháp tại Mỹ Sơn.
Đi lên từ đất
Nguyễn Quá đã có hơn nửa đời người “vọc” đất để cho ra những sản phẩm mỹ nghệ. Những viên đất vô hồn qua bàn tay khéo léo của ông đã hiển hiện dáng người dáng vật đậm đà hồn Chăm xưa như tượng vũ nữ Apsara, đèn hoa sen, tượng nữ thần… Giấc mơ, những hư cấu, sự giao thoa giữa văn hóa Chăm và đền tháp, khao khát tìm tòi… đã làm nên một Nguyễn Quá chỉn chu trong công việc nhưng cũng lắm lãng mạn.
Ông Nguyễn Quá miệt mài tạo mẫu. |
Người làng dưới chân tháp Mỹ Sơn gọi Nguyễn Quá là “ông Quá Chăm”, bởi tâm huyết ông dành cho những sản phẩm gốm Chăm này. Sinh ra ở vùng quê mệnh danh là “cái nôi” của gốm sứ, từ nhỏ ông đã bị quyến rũ bởi đền tháp Chăm, những viên gạch, tượng đài. Lớn lên, giấc mơ ngày nhỏ lại đeo đuổi… Có giai đoạn, đa số người dân Duy Hòa, Duy Phước (Duy Xuyên) bỏ nghề làm gốm để kiếm kế sinh nhai khác vì gạch gốm không thể nuôi sống họ, nhưng ông vẫn quyết bám trụ với nghề, vẫn nâng niu những viên đất sét La Tháp với mong muốn “lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Chăm đã để lại trên đất quê mình”. Đến năm 1993, ông thôi quản lý kỹ thuật của lò gạch đất nung La Tháp, chuyển sang làm gốm. Ngày ngày, ông lặn lội vào Mỹ Sơn để nghiên cứu, vẽ lại những bức tượng, hoa văn Chăm để đưa vào sản phẩm của mình. Nung nấu ước mơ làm những sản phẩm gốm Chăm giống xưa nhất, ông tỉ mẩn từng chút với những tác phẩm đầu tiên. Vo tròn viên đất sét quê hương, gửi vào đó tất cả linh hồn ông thu nắm được từ ngày nhỏ đến lớn, từng đường nét tinh xảo của những tác phẩm gốm ra đời.
Ông Nguyễn Quá tại cơ sở gạch gốm của mình. Ảnh: SONG ANH |
Thời gian đó chưa mấy người biết đến giá trị của tháp Mỹ Sơn cũng như chưa nhận chân được tính nghệ thuật trong tác phẩm gốm sứ của ông Quá. Mãi đến năm 1999, khi tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tác phẩm gốm của Nguyễn Quá mới được biết đến. Từng đoàn du khách đến chiêm ngưỡng rồi mua làm quà. Cũng từ đó, Nguyễn Quá biết mình đã không lựa chọn sai, và đơn đặt hàng từ các nước cứ đổ về lò gốm sứ của ông. Đến nay, sản phẩm gốm của “ông Quá Chăm” có mặt trên nhiều nước châu Âu, và hiện ông đang chuẩn bị đợt hàng mới để xuất sang Mỹ, Nhật.
Giấc mơ gạch Mỹ Sơn
Mong muốn tìm ra một thứ gạch giống với gạch dựng nên tháp Mỹ Sơn đã thôi thúc Nguyễn Quá không dừng lại ở việc chỉ làm gốm. Ngày đêm trăn trở tìm thêm những chất phụ gia để viên gạch có độ cứng đáp ứng việc bảo tồn đền tháp đã khiến người đàn ông này nhiều bận lao đao. Bức màn bí mật của người Chăm xưa trong việc sản xuất gạch xây tháp từng bước được hé mở khi các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiến hành các công trình nghiên cứu. Các thông số cũng như thành phần hóa học cụ thể bên trong gạch như chất sắt, silic, độ nén, độ hút nước, nhiệt độ nung, trọng lượng, cường độ chịu lực… dần được “giải mã”. Từ đây, có thể tìm ra được viên gạch thay thế gần với gạch nguyên bản nhất.
Một lần nọ, đoàn khách của UNESCO tìm đến cơ sở gốm sứ La Tháp yêu cầu hợp tác để sản xuất gạch, do trước đó sản phẩm gốm của ông trưng bày tại nhiều đợt triển lãm. Năm 2005, lần đầu tiên ông Quá thử sản xuất gạch với kích thước bằng gạch Chăm tại tháp Mỹ Sơn. Vẫn lấy đất sét từ các vùng phía tây Duy Xuyên như Duy Hòa, Duy Phú… mang về tơi khô, xay nhuyễn, lọc bỏ tạp chất rồi đóng khung, nung gạch. Viên gạch thành phẩm được các chuyên gia đến từ trường Đại học Milan (Italia) đóng gói gửi về nước để tiếp tục nghiên cứu, thẩm định. Cũng trong năm này, gạch của Nguyễn Quá được chọn để trùng tu tháp G3 thuộc nhóm tháp G Mỹ Sơn. Tuy nhiên, qua thời gian, sau khi đưa vào trùng tu, gạch có hiện tượng bị muối hóa bề mặt và mủn nát. Tiếp tục nuôi hy vọng và qua nhiều lần thử nghiệm, đến năm 2009, các chuyên gia bảo tồn dự án nhóm tháp G quyết định đặt hàng từ cơ sở ông.
Khác với gạch xây dựng, gạch Chăm có kích thước lớn hơn, độ dày nhiều hơn, độ chín, độ bền cao hơn. Kích thước viên gạch này gấp 4 - 5 lần gạch xây dựng, với chiều dài khoảng 330mm, rộng 170mm, bề dày từ 50 - 90mm. “Từ khâu nhồi đất, ủ đất, luyện, đưa vào khuôn, để ráo khoảng 7 - 8 ngày rồi mài lại, phơi khô từ 10 - 15 ngày, sau đó cho vào lò nung từ 7 - 8 ngày mới cho ra viên gạch thành phẩm” - ông Quá chia sẻ. Như vậy, từ một cục đất sét nguyên chất đến khi cho ra một viên gạch phải mất gần một tháng. Đó là chưa kể những khi trời không nắng, phải đợi đến khi gạch tự khô mới dám cho vào lò nung. Đặc thù gạch Chăm của Nguyễn Quá chỉ có thể dùng trong xây dựng, tu bổ đền tháp nên khi có đơn đặt hàng từ Mỹ Sơn ông mới bắt tay sản xuất. Đến nay, sau khi được chọn để đưa vào trùng tu, ông đã sản xuất được hơn 30 nghìn viên gạch với giá thành từ 40 - 50 nghìn đồng/viên. Hiện nay ông đang tiếp tục sản xuất thêm để tu bổ tháp E7.
Gạch từ cơ sở ông Nguyễn Quá được sử dụng để trùng tu nhóm tháp E tại Mỹ Sơn. |
KTS. Đặng Khánh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích, chỉ huy trưởng công trình tu bổ nhóm tháp E7) cho rằng, đến thời điểm này có thể khẳng định gạch sản xuất tại cơ sở gốm sứ La Tháp của ông Nguyễn Quá là mẫu gạch trùng tu tốt nhất từ trước đến nay. “Gạch từ cơ sở của ông Nguyễn Quá có thông số tương ứng với thông số các chuyên gia nghiên cứu được từ gạch Chăm xưa, không gây hại gạch gốc trong cùng mảng tường trùng tu, các thành phần chủ chốt như sắt, silic, nhiệt độ nung đảm bảo…” - KTS. Đặng Khánh Ngọc nhận xét.
Để có được viên gạch được công nhận như ngày hôm nay, ông Nguyễn Quá đã phải bao phen tìm tòi, vào ra, cầm trên tay từng mảnh gạch vụn của Mỹ Sơn để nghĩ về viên gạch sắp ra lò của mình. Đam mê, nhiệt huyết, tình yêu mãnh liệt với di sản văn hóa Chăm là những động lực mạnh mẽ trên con đường tìm ra loại gạch Chăm của Nguyễn Quá.
SONG ANH